Trong 30 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, bà Li Haoying – giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) đã quan sát nhiều đứa trẻ tuy sống trong gia đình giàu có nhưng chúng lại chẳng hề cảm thấy hạnh phúc. Bà cho rằng thực trạng này khiến cho tương lai của chúng khá mơ hồ và tâm lí cũng mỏng manh.
Qua nghiên cứu, bà nhận xét lí do đến từ gia đình là chủ yếu vì nền tảng gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính cách một đứa trẻ. Sự quan tâm, đồng hành của các bậc phụ huynh vô cùng cần thiết đối với tương lai một đứa trẻ. Chúng có kiên nhẫn, dũng cảm, tốt bụng, chan hòa hay không cũng phụ thuộc vào cách chúng quan sát bố mẹ.
Bà Li Haoying ví gia đình giống như một bể cá và các thành viên giống như những chú cá bơi trong bể. Bà chia sẻ: "Đối với việc nuôi cá, điều quan trọng là phải luôn duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định trong bể cá để không tạo mâu thuẫn giữa cá lớn và cá nhỏ. Gia đình giàu hay nghèo không quan trọng, điều nên để tâm là bố mẹ phải hòa thuận, không nên lúc nào cũng cãi vã, tác động xấu đến tính cách của con cái”.
Vì vậy, để nuôi con tốt hơn, các bậc phụ huynh nên xác định tinh thần và thể chất đều khỏe mạnh. Nếu tinh thần chưa đủ chắc chắn thì con trẻ sẽ không nhận được nhiều tình yêu từ bố mẹ. Thứ hai, dù con cái ra sao, bố mẹ cũng nên đón nhận và yêu thương con vô điều kiện. Hơn hết, bố mẹ nên tạo không khí gia đình đầm ấm để trẻ không bị thua thiệt về mặt tình cảm.
Bố mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo. Bố mẹ thích đọc sách, tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa, con trẻ sẽ học tập theo. Từ đó, chúng học được những phong cách sống tích cực từ người lớn và áp dụng vào cuộc sống của mình sau này. Giáo dục gia đình chính là cách cả gia đình cùng trải nghiệm không gian sống cùng nhau.
Ảnh minh họa
Bố mẹ nên đồng hành cùng con như thế nào?
Theo bà Li Haoying, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với một đứa trẻ, đặc biệt ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, thời gian ngủ nên đủ 10 tiếng. Trẻ từ 0 đến 3 tuổi nên bắt đầu phát triển thói quen dậy sớm và ngủ sớm. Bố mẹ cũng nên hợp tác cùng con rèn luyện thói quen này. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý:
- Tham gia đầy đủ các buổi họp phụ huynh: Được bố mẹ quan tâm, con trẻ sẽ tự tin hơn. Dù bận rộn, bố mẹ nên cố gắng đưa đón con đi học hay tham gia họp phụ huynh.
- Hỗ trợ, kiểm tra bài tập về nhà: Đây là một cách thể hiện việc bố mẹ cũng quan tâm tới quá trình học tập của con. Tuy nhiên, bố mẹ không nên đặt áp lực và chỉ trích con cái.
- Thường xuyên khen ngợi, động viên con cái: Hành động này giúp con trẻ nhận ra sự cố gắng có thể thay đổi tương lai. Tuy nhiên, bố mẹ không nên khen ngợi những điều không đúng để không tạo "ảo tưởng" cho con.