Giáo hoàng Francis (trái) ngồi cạnh Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi
Hàng chục ngàn người đứng chờ đón Giáo hoàng Francis khi ông đi từ sân bay đến thủ đô Kinshasa.
Tuy nhiên, tâm trạng vui vẻ trong cuộc tiếp đón nồng ấm trở nên u ám sau khi Giáo hoàng 86 tuổi trò chuyện với các chức sắc tại dinh tổng thống. Ông lên án “những hình thức bóc lột khủng khiếp, không xứng đáng với con người” tại Congo, nơi nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ đã dẫn đến chiến tranh, di cư và đói nghèo.
“Hãy buông tay khỏi CHDC Congo. Hãy buông tay khỏi châu Phi. Hãy dừng bóp nghẹt châu Phi. Đây không phải mỏ để tận thu hay nơi để cướp bóc”, Giáo hoàng nói.
Congo sở hữu trữ lượng kim cương, vàng, đồng, cô-ban, thiếc, tantali và lithium nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là nơi xảy ra xung đột thường xuyên giữa các nhóm dân quân, chính phủ và quân nước ngoài. Khai mỏ cũng gây ra tình trạng bóc lột công nhân, bao gồm trẻ em, và huỷ hoại môi trường.
“Thật bi kịch khi những mảnh đất này, và nói chung là toàn bộ lục địa châu Phi, tiếp tục hứng chịu nhiều hình thức bóc lột khác nhau. Thuốc độc của lòng tham đã vấy máu lên kim cương”, Giáo hoàng nói.
Miền Đông Congo là nơi xảy ra bạo lực liên tiếp kể từ cuộc diệt chủng năm 1994 ở nước láng giềng Rwanda.
Congo cáo buộc Rwanda hậu thuẫn nhóm nổi dậy M23 để chống chính phủ, nhưng Rwanda phủ nhận.
“Cùng với các nhóm dân quân vũ trang, các thế lực nước ngoài thèm khát khoáng sản trên đất của chúng ta, hỗ trợ trực tiếp và hèn nhát cho nước láng giềng Rwanda, đã thực hiện những hành động tàn ác”, Tổng thống Congo Feliz Tshisekedi phát biểu trước khi đón Giáo hoàng đến thăm.
Giáo hoàng không nêu tên Rwanda trong bài phát biểu hay đứng về bên nào.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 5,7 triệu người ở Congo phải rời bỏ nhà cửa và 26 triệu người phải chịu đói, chủ yếu do xung đột vũ trang.
Khoảng một nửa trong tổng dân số 90 triệu của Congo là tín đồ Công giáo La Mã, vì thế nhà thờ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành các trường học và cơ sở y tế ở quốc gia Trung Phi này.
Giáo hoàng cũng chỉ trích các nước giàu vì phớt lờ thảm kịch ở Congo và nhiều nơi khác của châu Phi. “Có cảm giác rằng cộng đồng quốc tế đã thực sự bỏ cuộc trước tình trạng bạo lực đang nuốt chửng Congo. Chúng ta không thể quen với cảnh đổ máu đã diễn ra ở quốc gia này trong nhiều thập kỷ, khiến nhiều triệu người phải chết”, ông nói.
Tổng thống Tshisekedi có phát biểu tương tự: “Trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục bị động và im lặng, hơn 10 triệu người đã bị giết hại man rợ”.