Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã chốt phương án tuyển sinh và vẫn dành trên 70% chỉ tiêu xét tuyển từ phương thức thi này. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là lần đầu việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định. Vậy làm sao để kỳ thi đảm bảo tin cậy, công bằng?
Phân cấp trách nhiệm cho địa phương
Năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức.
Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi kỳ thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Kết quả của kỳ thi cũng được nhiều trường đại học (ĐH) làm căn cứ xét tuyển vào ĐH nên dư luận lo ngại: Liệu có chuyện nới lỏng coi thi hay không? Làm sao để kỳ thi đạt được sự tin cậy và có độ phân hóa cao để các trường sử dụng xét tuyển?
TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng: “Bài học kinh nghiệm lớn từ vụ tiêu cực thi cử năm 2018 là sự buông lỏng trách nhiệm địa phương, vì thế, năm nay quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.
Nếu thực hiện đúng tinh thần phân cấp như Thủ tướng nói, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trong kỳ thi năm nay thì sẽ không đáng lo ngại. Dù anh có tham gia hay không nhưng để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm”.
Nhiều lãnh đạo các trường ĐH cho rằng, với công tác coi và chấm thi dù năm trước đã làm tốt, năm nay càng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn kỳ thi tại địa phương, sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, quy định rõ trách nhiệm từng khâu của quy trình tổ chức kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng.
“Đây là việc đụng chạm đến nhà nhà, ai cũng lo lắng. Vì vậy phải rất lưu ý, đặc biệt cấp tỉnh phải có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề thi cử của năm nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.
"Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương phải gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi. Đặc biệt, năm nay, các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD-ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi. Cuối cùng, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và cùng với đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có...".
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ-
Tăng cường vai trò giám sát xã hội
Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ, Bộ GD-ĐT cho biết, việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở GD-ĐT; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ GD-ĐT.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết thêm, sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia giáo dục cho rằng, với tình hình như năm nay nếu các trường muốn có sinh viên chất lượng thì nên tập trung hậu kiểm.
Ở Singapore người ta không dám gian dối để vào ĐH vì nếu anh không đủ năng lực học thì dù có vào được trường cũng sẽ bị loại ra, còn giáo dục ĐH của mình thì đang bị thả nổi theo kiểu “vào được, ra được”.
Chính vì vậy, TS. Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống Big School cũng cho rằng, muốn giải quyết sâu xa vấn đề tuyển sinh ĐH phải giải quyết từ khâu quản lý chất lượng của giáo dục ĐH. Trường nào đề cao chất lượng thì họ sẽ siết chặt, nghĩa là thí sinh có thể vào “nhầm” nhưng bằng việc quản lý thi học phần, tín chỉ nghiêm túc họ sẽ loại sinh viên kém ra.
Hiện nay, một số trường làm được điều này, như ĐH Bách khoa Hà Nội mỗi năm “loại” 600-700 sinh viên kém.
“Các trường ĐH vẫn tham gia vào kỳ thi nhưng không cần thiết phải cử hàng chục ngàn giảng viên đổ về các địa phương gây tốn kém như những năm trước.
Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh giám sát xã hội, chứ nếu chỉ giám sát trong nội bộ thì rất dễ có chuyện bưng bít, móc ngoặc với nhau...” - TS. Lê Viết Khuyến cảnh báo./.