Thấp thỏm bên hành lang
Bên ngoài hành lang của trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (BV Phụ sản T.Ư) hàng chục phụ huynh nhìn vào các phòng điều trị.
Bởi trong ấy, là hàng trăm những đứa trẻ sinh non, nhẹ cân từ khắp các tỉnh thành chuyển về đang được các y bác sĩ chăm sóc.
Bố mẹ của các bé có người chờ chực ở hành lang trung tâm người ít một tháng, người nhiều vài tháng. Họ đều chung tâm lý lo âu, thấp thỏm, hi vọng các bác sĩ giành lại sự sống cho con.
Trong phòng bệnh, các giường được kê san sát nhau. Mỗi phòng dù chỉ rộng chừng 16m2 nhưng có từ 10 đến 15 giường.
Khi thấy bác sĩ từ phòng đi ra, mọi người quây lại hỏi han, nhân viên y tế nhẹ nhàng trả lời từng gia đình về trường hợp mà mình được chăm sóc. Chỉ khi nghe bác sĩ nói bé vẫn ổn, các phụ huynh mới thở phào nhẹ nhõm.
Hầu hết các bé nằm trong này đều xa rời vòng tay mẹ ngay từ lúc mới sinh. Có bé chưa được mẹ bế lần nào bởi phải mổ cấp cứu, có bé thì mẹ được bế một lần. “Con tôi chào đời đã hơn 1 tháng, khi thai mới 31 tuần tuổi.
Nhưng tôi chỉ được bế con một lần rồi các bác sĩ đưa vào đây chăm sóc. Từ đó đến nay, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn vào phòng bệnh và chờ đợi.
Nhìn con thiêm thiếp ngủ, tôi lại sợ con ngủ mãi. Chỉ đến khi thấy bé cử động hoặc bác sĩ nói sức khỏe bé có tiến triển tốt, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.” - Chị Trần Gia Hân (Hải Phòng) chia sẻ.
Đối với những bé được điều trị lâu ngày, sức khỏe đã có nhiều tiến bộ thì mẹ sẽ được ở gần con nhiều hơn. Nâng niu trên tay con gái bé bỏng hơn 2 tháng tuổi, chị Nguyễn Thu Hường (Gia Lâm, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui.
Chị cho biết, đây mới là lần thứ 2 được bế con, lần đầu là chị được bế ngay sau khi sinh.
Nghĩ lại lúc mới sinh, chị tưởng rằng, sẽ không có cơ hội gặp con nữa, bởi bé sinh non khi mới 25 tuần tuổi với cân nặng 800g. Ngay sau sinh, bé được chuyển vào trung tâm.
Các bác sĩ cho thở máy bằng khí áp lực dương, chống nhiễm khuẩn tuyệt đối, điều trị kháng sinh, nằm lồng ấp, chiếu đèn. Hơn 2 tháng, đó cũng là chừng ấy ngày, chị và gia đình sống trong âu lo, thấp thỏm.
Vì thế, mỗi ngày chị đều đứng ở cửa, chờ mong tin từ bác sĩ. Mỗi ngày, chị đón nhận tin có chiều hướng tốt hơn. Chị Hường tâm sự: “Cả nhà có lúc tưởng mất con, rồi lại nghĩ đến cảnh con phải điều trị ở viện dài ngày, mình thấy sợ lắm.
Nhưng nhờ các y bác sĩ, con mình đã được 1,8kg rồi. Chỉ vài ngày nữa thôi, bé sẽ được xuất viện”.
Theo điều dưỡng Lê Thị Hiền, chăm sóc trẻ sinh non không chỉ vất vả mà còn luôn trong tâm trạng hồi hộp và hi vọng. Niềm hi vọng ấy trồi sụt theo chỉ báo oxy trong máu và theo cân nặng của trẻ sơ sinh.
Nếu tụt thì bóp bóng hồi sức tích cực ngay. Nói rồi, chị chỉ vào một bé, nói: Cháu đã 2 lần tụt ôxy, chúng tôi theo dõi kịp thời, hồi sức tích cực, xử trí nhanh nên cứu kịp. Sau đó, khoảng 3 ngày thì cân 1 lần để theo dõi trọng lượng của trẻ.
“Mỗi lần chúng tôi tắm bé, rồi cân, rồi mừng. Cảm giác rất vui khi cân thấy bé lên cân. Chúng tôi không dám lơ là một phút bởi có thể xảy ra sự cố đáng tiếc không khắc phục được.
Mỗi khi nhớ lại, từ lúc các bé vào viện nhỏ xíu trong 2 bàn tay đến khi ra viện phổng phao khỏe mạnh là lại vui và mừng cho gia đình.” - Chị Hiền chia sẻ.
Bác sĩ Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh.
Miệt mài chăm mầm sống
Bác sĩ Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh - cho biết, hiện tại, trung tâm có gần 200 bé đang được chăm sóc và điều trị. Tất cả các bé được chăm sóc và điều trị tại trung tâm đều sinh non, thiếu tháng.
Thông thường, các bé phải điều trị dài ngày, nhiều trường hợp phải chăm sóc 2-3 tháng.
Thấy tôi dừng lại trước một giường bệnh có bé da tím bầm, chân tay không cựa quậy, chỉ thấy lồng ngực phập phồng thoi thóp, bác sĩ Trác cho biết: “Cháu bị vàng da sinh lý nên sau khi cho chiếu đèn, da cháu thay đổi như thế là tiên lượng tốt.
Cháu này ngày đầu tiên ăn mỗi ngày 4 bữa, mỗi bữa 2ml kéo dài 3 tiếng kết hợp nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, sau 2 ngày mới bơm xông từ từ để tránh viêm ruột hoại tử”.
Bác sĩ Trác bảo, nhìn các cháu mới chỉ mấy ngày tuổi thiêm thiếp trong lồng ấp với đủ các thứ dây rợ, máy móc xung quanh, ai cũng xót xa. Nhất là đối với những gia đình liên tiếp trải qua nhiều lần mất con từ lúc mới lọt lòng.
Những lúc như vậy, tôi hiểu nhiệm vụ của mình không chỉ là cứu một đứa trẻ, mà còn cứu cả những niềm hy vọng chỉ còn le lói của gia đình các bé.
Theo bác sĩ Trác, trẻ sinh non thường gặp nhiều nguy cơ như ngạt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, xuất huyết, vàng da và viêm ruột.
Về lâu dài, nguy hiểm vẫn luôn rình rập như võng mạc bẩm sinh, điếc, bại não, kém phát triển về thể chất. Vì vậy, việc chống suy hô hấp, ổn định thân nhiệt và chống nhiễm trùng, đảm bảo dinh dưỡng cho bé rất quan trọng.
Hiện nay, việc chăm sóc bé phải đảm bảo phòng chống, điều trị 7 yếu tố, gồm: Hồi sức cấp cứu, giữ ấm thân nhiệt, hô hấp, hạ đường máu, dinh dưỡng, vàng da và chống nhiễm khuẩn.
Tại mỗi lồng ấp của trẻ đi kèm nhiều loại máy hỗ trợ: máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây chuyền ăn xông,…
Việc điều trị cho các bé sinh non do nhân viên y tế của BV đảm nhiệm, theo quy trình chặt chẽ. Trong quá trình chăm sóc, để tránh nhầm lần, trẻ được quản lý bằng mã số.
Trong phòng, các bé được nuôi trong lồng ấp và tuỳ cơ địa mỗi trẻ mà thời gian chăm sóc dài hay ngắn. Lần lượt, bé được chuyển từ phòng đặc biệt ra đến phòng kế bên và khi nào ra đến phòng cận cửa nhất là lúc các bé sẽ được về nhà.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế đồng cảm với sự lo lắng của cha mẹ bệnh nhi, nên luôn tư vấn về diễn biến sức khỏe cũng như các phương pháp điều trị để cha mẹ hiểu và đồng hành cùng BV.
Cũng vì thế, các nhân viên của trung tâm thuộc lòng tên, cân nặng, hoàn cảnh gia đình của từng bé. Thậm chí, chỉ cần nhìn dáng người nhà, nhân viên cũng biết là người thân của ai.
“Chi phí để chăm sóc một trẻ từ vài chục triệu đồng đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ chi phí này sẽ do nhà nước chi trả”- bác sĩ Trác nói.
Hạn chế sinh non như thế nào?
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, trong đó khoảng 1 triệu trẻ tử vong. Còn tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ sinh non cũng rất cao, trung bình khoảng 15% số trẻ sinh ra là sinh non.
Tại BV Từ Dũ (TPHCM) mỗi năm, BV điều trị cho khoảng 6.500 trẻ sinh non. Còn tại BV Phụ sản T.Ư, ước tính, một năm có khoảng 4.000 trẻ sinh non.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản phụ sinh non. Trong đó, một phần là do sự phát triển của các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Ví như với những phụ nữ được điều trị vô sinh, hiếm muộn sẽ tăng khả năng có thai.
Tuy nhiên, những phụ nữ này cũng sẽ gặp vấn đề do nội tiết không ổn định nên dễ sảy thai, sinh non. Ngoài ra, chị em bị viêm nhiễm phụ khoa; sinh đa thai; rau tiền đạo; u xơ tử cung; tiểu đường, dị tật tử cung,… cũng dễ sinh non.
Trong quá trình mang thai, nhiều thai phụ bị stress do áp lực từ công việc, gia đình nên nguy cơ sinh non tăng cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Tiến: Để hạn chế sinh non, trong thai kỳ, chị em nên thăm khám định kỳ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Chị em cũng cần bổ sung đầy đủ vitamin trước và trong quá trình mang thai, đặc biệt là vitamin B9 và axit folic.
Khi mang thai, thai phụ nên nghỉ ngơi và giảm tải khối lượng công việc, tránh căng thẳng, mệt mỏi, không dùng rượu, thuốc lá hay chất kích thích, sinh hoạt tình dục nhẹ nhàng, điều độ.
Khi thai phụ có dấu hiệu sinh non, gia đình cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.