Góc khuất trên biển
Trong suốt tháng 4 vừa qua, sự chú ý của công chúng quốc tế đã tập trung vào quyết định tăng cường quân sự lớn chưa từng có của Nga sát biên giới Ukraine. Động thái khi ấy khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Tổng thống Vladimir Putin có định tiến hành một cuộc leo thang lớn?
Sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng đi kèm với những đồn đoán về khả năng xảy ra xung đột, các quan chức Điện Kremlin bất ngờ giảm nhiệt với kế hoạch rút quân. Điều này khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm, mặc dù thực tế là phần lớn khí tài quân sự của Nga tập trung sát biên giới Ukraine vẫn được giữ nguyên.
Giới phân tích cho rằng, cuộc tập trận của Nga khi đó đã hoàn thành mục đích. Màn phô diễn sức mạnh của ông Putin đã thành công trong việc thu hút sự chú ý và nhắc nhở thế giới rằng nước Nga nên được tôn trọng.
Điều quan trọng hơn, ông cũng đảm bảo một cuộc gặp thượng đỉnh được mong đợi với Tổng thống Mỹ Joe Biden, tạo ra hào quang siêu cường mà người Nga khao khát.
Tiến trình xây dựng hải quân trên Biển Đen của Nga đã không tạo ra sự cảnh giác lớn.
Nhưng với sự chú ý chỉ tập trung vào đường biên giới đất liền dài hơn 2000 km ngăn cách Nga và Ukraine, dường như khá ít nhà quan sát chú ý đến tiến trình xây dựng lực lượng hải quân Nga ở khu vực Biển Đen cũng diễn ra cùng thời điểm, theo Atlantic Council.
Nga được cho là đã tiến hành phong tỏa Biển Azov, ngăn chặn các tàu nước ngoài qua lại hồi tháng 4 vừa qua. Nhưng dù Ukraine lên tiếng phản ứng, tranh cãi này đã không nổi bật giống sự kiện tích quân trên bộ của Nga.
Các chuyên gia của Atlantic Council cho rằng, thành công của ván bài Biển Azov đã tạo tiền đề cho một cuộc leo thang hàng hải có khả năng thay đổi cục diện dọc theo bờ biển phía Nam của Ukraine.
Do không tạo nên phản ứng lớn từ phương Tây, nhiều người Kiev hiện lo ngại Moscow sẽ sớm tìm cách mở rộng phong tỏa vùng biển này và cắt đứt hoàn toàn Ukraine khỏi Biển Đen.
Quyền tiếp cận của Ukraine vào Biển Đen đã bị hạn chế nghiêm trọng sau sự kiện sáp nhập Crimea và lần mà Ukraine cáo buộc Nga phong tỏa các cảng của mình trên Biển Azov vào năm 2018.
Giữa muôn trùng vây
Ukraine đang ngày càng bị hạn chế trong quyền tiếp cận Biển Đen.
Với thực tế mới hiện nay, các cảng thương mại ở khu vực Odesa, Mykolaiv và Kherson, phía Tây Crimea đang đóng vai trò là huyết mạch kinh tế của Ukraine đối với các thị trường toàn cầu.
Các cảng này đóng vai trò quan trọng như cửa ngõ cho phần lớn hàng xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp của Ukraine, xử lý gần 2/3 thương mại của đất nước với thế giới bên ngoài.
Với tầm quan trọng chiến lược của các cảng còn lại trên Biển Đen của Ukraine, có nguy cơ giả định rằng Nga có thể phong tỏa hoàn toàn đường biển để khiến nền kinh tế Ukraine sụp đổ. Điều này được cho là khả thi về mặt quân sự . Trên thực tế, Nga có đủ tàu chiến ở Biển Đen để thực hiện một chiến dịch như vậy.
Nếu Nga hành động, nước này chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng dữ dội của phương Tây. Tuy nhiên, dựa những cuộc đối đầu trên biển tương tự giữa Nga và Ukraine trong những năm gần đây, sẽ có rất ít khả năng phương Tây phản ứng trực tiếp để phá vỡ sự phong tỏa. Trong khi đó, toàn bộ nền kinh tế Ukraine sẽ nhanh chóng đình trệ, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Có thể nói, Ukraine đang đối mặt vòng vây ngày càng lớn của Nga. Ngoài đường biên giới dài trên bộ giữa hai nước và sự hiện diện của Nga ở phía Nam Crimea và Biển Azov, Ukraine còn phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn ở phía Bắc, nơi có Belarus. Trên thực tế, chỉ có khoảng 1/4 biên giới Ukraine không dính dáng gì đến Nga.
Ukraine được đánh giá là không đủ năng lực chống lại Nga trên biển. Trong khi quân đội Ukraine đã trải qua một bước chuyển mình mạnh mẽ kể từ năm 2014 để trở thành một lực lượng thiện chiến và khá đáng gờm, nước này đã mất hầu hết các tài sản hải quân (vốn đã khiêm tốn) trong sự kiện Crimea.
Sự tiếp cận của Ukraine với Biển Đen hiện là mắt xích yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của nước này và mang đến cơ hội hấp dẫn cho Nga. Một khi chiến thuật phong tỏa đã áp dụng rất thành công ở Biển Azov được lặp lại, Ukraine rất dễ rơi vào khủng hoảng.