Trong tháng 12 mọi năm, những con đường và ngõ nhỏ bằng đá vôi lâu đời được thắp sáng rực rỡ và nhộn nhịp với những người hành hương và dân địa phương, trong khi giai điệu bài hát Giáng sinh vang lên từ các cửa hàng gần đó. Nhưng năm nay, đường phố hầu như vắng tanh.
Christo, một chủ cửa hàng người Palestine, cho biết: “Năm nay thậm chí không có cảm giác giống như Giáng sinh”.
Ngay cả sự tàn phá kinh tế của đại dịch COVID-19 và cuộc nổi dậy đẫm máu Intifada lần thứ hai cũng không ảnh hưởng đến lễ Giáng sinh ở Jerusalem với mức độ như vậy. Nhiều tín đồ Kitô hữu Palestine nói rằng lễ Giáng sinh năm nay ở Jerusalem là chưa từng có.
“Trong Intifada thứ nhất và thứ hai, chúng tôi gặp một số thời điểm khó khăn. Nhưng khi đó chúng tôi dựng cây thông Noel vì muốn mang lại niềm vui trong lúc khó khăn. Nhưng bây giờ, bạn thấy những đứa trẻ (ở Dải Gaza ) không có nhà cửa, đang đói khát”, Đức Giám mục Danh dự của Nhà thờ Lutheran Munib Younan, cho biết khi ngồi cạnh đống lửa.
“Dựng cây thông là thể hiện niềm vui. Bây giờ là thời điểm đau buồn. Theo phong tục của chúng tôi, nếu mất đi một thành viên trong gia đình thì không được dựng cây, mà chỉ dành thời gian cho việc cầu nguyện”, Đức Giám mục 73 tuổi cho biết.
Ngày 10/11, những người đứng đầu giáo hội ở Jerusalem đưa ra tuyên bố chung, rằng họ sẽ bỏ mọi hoạt động lễ hội không cần thiết, thay vào đó sẽ ủng hộ, cầu nguyện và đóng góp cho các nạn nhân của cuộc xung đột đang diễn ra.
Ngoài việc cầu nguyện, tất cả hoạt động liên quan đến Giáng sinh năm nay, kể cả chợ Giáng sinh hằng năm gần Cổng Mới hay các bữa tiệc và tụ họp trong ngày lễ, đều bị hủy bỏ. Trong Giáng sinh này, hầu hết các gia đình chỉ ăn một bữa đơn giản và dự Thánh lễ.
Ông Anton Asfar, tổng thư ký Caritas Jerusalem, một tổ chức cứu trợ, phát triển và xã hội Công giáo, cho biết: “Mỗi dịp Giáng sinh, chúng tôi tụ tập với cha mẹ, con cái. Năm nay, chúng tôi không muốn làm điều này, vì không thể vui khi những người khác đang phải khổ sở”.
Ông cho biết, trong ngôi nhà của gia đình ông ở Phố cổ, ông đặt cây thông Noel ở chỗ riêng tư, để bọn trẻ ít nhất hiểu được ý nghĩa của lễ Giáng sinh đối với chúng.
“Bọn trẻ đặt rất nhiều câu hỏi: ‘Hamas có tệ không? Israel có tệ không? Người Palestine có xấu không? Những đứa trẻ vô tội. Tại sao họ lại bị giết? Tên lửa nào mạnh hơn?”, ông cho biết.
“Tôi cố gắng giải thích với 3 con của mình, không dạy dỗ lòng căm thù người Israel, người Do Thái. Tôi cố gắng nói rằng cả hai bên sẽ tốt hơn. Thật khó để dạy con trai tôi về thực tế cay đắng này vào dịp Giáng sinh”, Hani, người sở hữu Nhà hàng Versavee gần Cổng Jaffa – hiện đang đóng cửa, cho biết.
Sau nhiều tuần đóng cửa vì xung đột, hệ thống trường học Thiên Chúa giáo ở Jerusalem đang phải đối mặt với áp lực kinh tế vì các bậc phụ huynh khó trang trải học phí. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh kể từ khi xung đột nổ ra, các quy định hạn chế đi lại gây tê liệt và du lịch gần như đóng cửa hoàn toàn.
Dù trường học cố gắng giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình, bằng cách chia nhỏ các khoản đóng hoặc miễn hoàn toàn cho những người có khó khăn, nhưng tình hình tài chính của các gia đình và trường học đang trở nên tồi tệ hơn.
“Nếu không có sự thay đổi, hệ thống giáo dục sớm hay muộn sẽ sụp đổ”, ông Asfar cảnh báo.
Khi không có khách du lịch và người hành hương, hầu hết cơ sở kinh doanh ở Khu Thiên Chúa giáo vẫn đóng cửa, khiến các gia đình ở đây mất thu nhập.
Christo, chủ một cửa hàng lưu niệm của mình ở Khu Thiên Chúa giáo, cho biết: “Trong mùa cao điểm vào tháng 10 và tháng 11 hằng năm, chúng tôi có thể kiếm được một số tiền lớn để trang trải trong cả năm”.
“Nhưng mùa này, đường phố vắng tanh nên tôi không mở cửa. Có ngày tôi mở cửa vì chúng tôi đang cố gắng sống sót. Nhưng như bạn thấy đấy, chẳng có việc gì cả. Thật buồn khi bạn nhìn thấy Jerusalem như thế này. Giống như chúng tôi đang bị bao vây vậy”, Christo nói.
Nhiều tín đồ Kitô hữu Palestine ở Jerusalem không muốn nhận sự thương hại của bất kỳ ai khi họ chứng kiến chết chóc và tàn phá ở Dải Gaza. Trong số 20.000 người Palestine thiệt mạng, ít nhất 24 người Palestine theo đạo Cơ đốc đã bị sát hại ở Dải Gaza, nơi vẫn còn khoảng 1.000 người theo đạo Cơ đốc.
Các cuộc tấn công của Israel dọc nhiều con đường ở Bờ Tây khiến người Palestine không thể đi lại. Nhiều lối vào thành phố bị chặn khiến hành trình từ Jerusalem đến thánh địa Bethlehem, dù chỉ cách nhau vài kilomet, tương đương với việc di chuyển ít nhất 40km bằng đường bộ, khi họ phải chờ đợi hàng giờ tại các trạm kiểm soát quân sự.
Tại Thành phố Cổ, những người theo đạo Cơ đốc Palestine cho biết đang phải tránh đi lại không cần thiết, vì không muốn đối diện với lực lượng an ninh Israel ở Thành phố Cổ và phần còn lại của Đông Jerusalem.
Đối với nhiều người Palestine ở đây, những khoảnh khắc Giáng sinh năm nay chỉ xuất hiện thoáng qua.
“Khi bạn đến nhà thờ, thắp một ngọn nến hoặc thậm chí chỉ cần đi qua các con phố của Thành phố Cổ, bạn có thể thấy điều gì đó khiến bạn mỉm cười. Nhưng bất cứ khi nào bạn nhìn thấy những đứa trẻ ở Dải Gaza trên TV, hay nhìn thấy cảnh nghèo đói ở khắp mọi nơi, mọi niềm vui trong bạn đều tan biến”, Christo nói.