Nhiều năm qua các thẩm phán, hội thẩm nhân dân TAND TP.HCM, kiểm sát viên VKSND TP.HCM đã không ít lần chua chát chứng kiến cảnh người chết, kẻ đi tù chỉ vì những xích mích nhỏ nhoi trên facebook, những lời nói không hợp nhau trong lúc nói chuyện qua lại trên mạng.
“Chém gió” rồi chém nhau
Lang thang trên mạng, Tạ Đức Kha (ngụ quận Tân Phú) làm quen và kết bạn với Trương Ngọc Vinh. Ban đầu, hai người nói chuyện rất hợp và bàn tán sôi nổi nhiều vấn đề.
Tuy nhiên “đa ngôn đa quá”, nói nhiều thành nói sai nên chỉ một tuần sau hai người phát sinh mâu thuẫn gay gắt.
Trong lúc "chat", Vinh thường có những lời lẽ khô khốc, xúc phạm Kha nên Kha nảy sinh ý định hẹn gặp Vinh “dằn mặt” cho bỏ kiểu nói chuyện sốc.
Nói là làm, Kha lận một con dao mũi nhọn vào người rồi đón xe buýt hẹn gặp Vinh tại chân cầu Dạ Nam (quận 8). Một lát sau Vinh lấy xe máy đến điểm hẹn chở Kha đi chơi.
Do không biết Kha tức tối cách nói chuyện của mình, đồng thời càng không nghĩ mình sẽ bị trả thù nên Vinh vô tư đi chơi cùng Kha ở trung tâm Sài Gòn; sau đó hai người sang một quán karaoke trên địa bàn quận 8 hát hò.
Trong lúc Vinh đang nhảy nhót thì bất nhờ Kha dùng dao tấn công. Vinh hốt hoảng bung chạy thì bị Kha bồi thêm một nhát. Nhân viên quán karaoke nghe tiếng ồn ào nên chạy vào tri hô thì Kha bỏ chạy.
Tạ Đức Kha
Vinh bị đâm đã chạy xe máy về nhà và được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau này giám định tỉ lệ thương tật 10% vĩnh viễn. Hiển nhiên vi phạm pháp luật phải bị trừng trị và cái giá mà Tạ Đức Kha phải trả đó là 12 năm tù về tội “Giết người”.
Tuy nhiên cho đến nay, Trương Ngọc Vinh vẫn không thể hiểu cách hành xử của một người bạn mà mình cho là hiền lành, phúc hậu.
Bài học mà Vinh nhận ra là không nên quá thân thiết trên mạng và có những lời lẽ không hợp nhau dẫn đến những hành vi không tốt.
Cũng vì những lời lẽ “chém gió” cho vui trên mạng facebook, nhưng một nhóm học sinh lớp 11 đã trở thành tội phạm chỉ vì một “status” (trạng thái) mang tính “nói cho vui”.
Trên tài khoản của mình, Yến đăng “status” ám chỉ không còn hợp gu với Nhi; sau đó cả hai hẹn nhau đánh nhau nhiều lần.
Giữa Lê Thị Kim Yến (19 tuổi) và Nguyễn Thị Yến Nhi (20 tuổi) có mâu thuẫn gây gắt chỉ vì một “status” trên mạng facebook.
Đỗ Tấn Khải (19 tuổi) là bạn của hai cô gái này nên trước khi đi du học Khải mời cả hai đến dự buổi tiệc chia tay tình thương mến thương.
Đến tiệc trước, Yến kể cho Khải nghe mâu thuẫn giữa mình và Nhi; đồng thời nói rằng Nhi đã hẹn gặp để giải quyết ân oán.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Khải chở Đặng Ngọc Minh (21 tuổi) và Yến cùng nhóm bạn gái của Yến đến một quán cà phê ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) để “ba mặt một lời”.
Khi nhóm Yến đến nơi thì thấy nhóm Nhi đã đứng đợi sẵn. Nhóm Yến liền dừng xe cách nhóm Nhi khoảng 20 mét, sau đó Yến cùng 3 người bạn gái đi đến nói chuyện với nhóm của Nhi; còn Khải, Minh vào quán nước mía ngồi uống nước chờ.
Khi Yến đang nói chuyện thì bị một thành viên trong nhóm của Nhi xông vào đánh, sau đó 2 bên xông vào đánh nhau
Cùng lúc này, nghe có người la lên: "Công an", cả hai nhóm liền giải tán. Yến quay lại quán nước mía Minh và Khải ngồi rồi kể lại sự việc cho những người này biết. Thấy vậy, Minh kêu Khải chở đi mua dao.
Đến khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, khi biết nhóm Nhi đang ở quán cà phê trên đường Hoa Hồng, quận Phú Nhuận, Yến cùng nhóm bạn đi tới.
Tại đây, vừa gặp là Yến và Nhi xông vào đánh nhau. Nhìn thấy Minh cầm dao, Tống Nhật Huy, bạn học và đi cùng nhóm của Nhi liền kêu Minh cất dao đi thì bị đối tượng này cầm dao đâm tử vong.
Cần có chế tài mạnh mẽ
Chắc hẳn ai cũng nhớ vụ hai “hotgirl” Đoàn Thanh Thúy Vi (20 tuổi, ngụ Tân Phú) và Võ Huỳnh Thanh Vân (20 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) từ mâu thuẫn nhỏ trên facebook đã hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) xử nhau.
Sự việc khiến cộng đồng mạng xôn xao, nhiều người đã “like” (thích) và “share” (chia sẻ) ủng hộ việc đánh nhau rồi hẹn nhau đi xem.
Đúng hẹn, để không làm “mất lòng” cộng đồng mạng, hai hotgirl huy động thêm bạn bè gặp nhau tại đây rồi kích động, hò hét gây náo loạn cả con phố. Vụ việc thu hút hàng trăm người hiếu kỳ đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn suốt nhiều giờ liền.
Công an quận 1 phải huy động lực lượng đến đám đông mới giải tán. Sau đó, Công an quận 1 đã ra quyết định xử phạt hành chính cả hai mỗi người 750.000 đồng; đồng thời một số người khác đi theo ủng hộ cũng bị xử lý hành chính, giao địa phương giáo dục và quản lý.
Tại công an, Võ Huỳnh Thanh Vân cho biết, Đoàn Thanh Thúy Vy đăng “status” nói Vân mặt vuông. Bên dưới, nhiều người không quen biết cả hai cũng nhào vào chửi.
Ngay lập tức, Vân cũng phản pháo cho rằng đẹp hay xấu tùy vào cơ địa mỗi người và vẫn quý trọng khuôn mặt do cha mẹ mình sinh ra. Mặc dù vậy Vân vẫn nhận được rất nhiều “gạch đá” của phe ủng hộ Thúy Vy.
Thanh Vân bùng bùng nổi giận đã quay clip chửi lại và cuối cùng hẹn Thúy Vy ra phố đi bộ gặp mặt đồng thời tuyên bố “không giải hòa, chết thì chôn”.
Không ngờ clip đáp trả và lời hẹn đánh nhau của hai bên đã khiến nhiều người “like” cũng như “share” rồi rủ nhau đi “chứng kiến”. Tại đây cả Thúy Vy và Thanh Vân đều bị băng trộm tài sản móc sạch tiền đến nổi không còn đóng tiền phạt.
Tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: “Hiện nay nhiều em đưa lên mạng những lời thách đố với nhiều mục đích khác nhau và được đám đông cổ xúy, ủng hộ bằng cách “like” hoặc “share” thông tin.
Đây là hiện tượng làm đau đầu rất nhiều người, không chỉ những ai có trách nhiệm về an sinh xã hội mà còn làm đau lòng những nhà giáo dục tâm huyết”.
Đó là hiện tượng tâm lý đám đông gọi là “vào hùa”. Thực chất của hiện tượng này là ỷ lại vào đám đông ai sao ta vậy, chỉ cần một người khởi xướng thì nhiều người hưởng ứng, mức độ càng lan rộng thì càng nhiều người tham gia.
Ở xã hội Việt Nam, hiện tượng “vào hùa” đã có từ rất lâu nhưng hiện nay nhờ mạng xã hội với sức lan tỏa rất nhanh, rất rộng nên lôi kéo cùng một lúc có hàng trăm ngàn người tham gia chỉ trong chớp nhoáng.
Ngày xưa chỉ những người nghe thấy, nhìn thấy thì mới hưởng ứng còn bây giờ chỉ cần đưa lên mạng thì ở đâu cũng có thể tham gia.
Cũng chính vì tâm lý bầy đàn, đám đông nên không ai chịu trách nhiệm, vì vậy càng ỷ lại đám đông để làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của tuổi trẻ mà tuổi càng trẻ thì tính hiếu kỳ càng cao.
Đây là hiện tượng “vào hùa” vô vụ lợi nhưng cũng có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật ví dụ như hai bên thách đố đánh nhau thì đám đông cổ vũ và hẹn nhau đi xem.
Thứ hai, có những người “thừa nước đục thả câu”, chuyên môn rình rập những hiện tượng có sự cố để hùa theo, để câu lợi cho mục tiêu của họ.
Ví dụ như phá rối an ninh trật tự, gây rối lợi dụng hiện tượng “vào hùa” để kích động đưa lên mạng để lan truyền những tin tức bất lợi. Vấn đề này nếu không đánh giá đúng sẽ rất nguy hiểm đến an ninh xã hội.
Từ hai nguyên nhân này, hiện tượng tuổi trẻ “like” một cách vô tội vạ càng lúc càng đông trở thành một hiện tượng xã hội mà nếu không kiểm soát sẽ để lại nhiều di chứng cho xã hội chẳng nhưng đến an ninh xã hội mà còn cho ý thức hệ của cộng đồng.
Và do đó, trước khi nhà nước có biện pháp giáo dục các thanh thiếu niên chưa có ý thức thì chính quyền, đặc biệt ngành công an, phải có biện pháp chế tài một cách mạnh mẽ, đủ sức răn đe chứ không chỉ là phạt tiền là xong.
Hạn chế thời gian rảnh rỗi
Theo tiến sĩ Võ Văn Nam, khi đã có những trường hợp được xử lý nghiêm minh thì các thanh thiếu niên “vào hùa” vô tội vạ sẽ suy nghĩ lại chứ như hiện nay họ nghĩ không phải là chuyện xấu.
Bên cạnh đó những người “like” và “share” vô tội vạ là những người vô công rỗi nghề nên nhà nước phải có biện pháp để tập trung hứng thú của họ những hoạt động dành cho thanh niên, thậm chí tạo điều kiện cho họ có những cái nghề để họ không có quá nhiều thời gian rảnh lên mạng làm những chuyện chưa tốt.