Sáng 11/9, PV Báo Lao Động ghi nhận tại cánh đồng thôn Quang Trung có một chiếc máy gặt đang gặt lúa, trong khi rất nhiều người nông dân vây quanh chờ đến lượt gặt lúa cho gia đình mình. Nhiều nông dân cho biết, chủ máy lấy giá 180.000đ/sào (500m2). Trong khi, giá mà UBND xã Kỳ Xuân "phê duyệt" đã được thông báo đến nhân dân và chủ máy gặt tối đa chỉ 160.000đ/sào.
Theo nhiều nông dân, tình trạng bảo kê máy gặt đã xảy ra vài, ba năm nay. Có vụ, người ta còn lấy tiền gặt 200.000đ/sào nhưng nông dân vẫn phải "cắn răng" chấp nhận vì không có máy nào khác để mà lựa chọn.
Dù Công an xã đã có văn bản yêu cầu chỉ được thu tối đa 160.000đ/sào nhưng chiếc máy gặt của đối tượng bảo kê vẫn thu 180.000đ
Theo một cán bộ thôn Quang Trung, tình trạng "xã hội đen" kết nối dẫn máy gặt về làng rồi lấy giá 'chặt chém" đã xảy ra mấy năm nay. Như năm ngoái, các nơi khác giá gặt chỉ 110.000 - 120.000đ/sào nhưng máy của đối tượng bảo kê lấy 180.000đ/sào. Trong khi thực tế, chúng chỉ trả cho chủ máy gặt 120.000, còn 60.000 bỏ túi.
Bức xúc hơn, vụ xuân 2017, khi Trưởng thôn Quang Trung kết nối đưa một máy gặt khác về để tránh tình trạng một máy "độc quyền" của nhóm bảo kê tung tác chặt chém, thì bị một số thành phần vào tận nhà Trưởng thôn đe dọa, khiến chủ máy sợ hãi phải "chuồn" ngay cho an toàn.
Cũng vì để nhóm bảo kê tung tác nên có vụ, lúa đã chín rũ ngoài đồng, nhưng máy của chúng đang đi gặt ở đồng khác chưa đến nên nhiều người phải ra gặt tay (gặt bằng liềm) để vớt vát, đến cả nhà Bí thư chi bộ thôn và nhà Trưởng thôn cũng phải ra đồng gặt tay.
Ông Lê Đình Đức - Trưởng Công an xã Kỳ Xuân xác nhận có tình trạng mấy năm nay, một đối tượng có tiền án tiền sự ở xã Kỳ Bắc dẫn máy gặt về gặt lúa ở thôn Quang Trung và thường lấy giá cao hơn mặt bằng chung.
Trước tình trạng này, năm nay xã đã có văn bản chỉ cho máy gặt lấy tối đa 160.000đ/sào. Dù vậy, thực tế họ vẫn lấy 170.000 - 180.000đ/sào. Nhưng khi hỏi thì dân không dám nói thật, mà nói do ruộng sục rồi tự bồi dưỡng thêm cho máy từ 10 - 20.000đ.
Ông Đức cũng cho biết, Công an xã rất bức xúc nhưng chưa có cơ sở để xử lý đối tượng được cho là bảo kê, vì người dân và chủ máy gặt không tố việc họ bị đe dọa, hay cưỡng ép.