Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc

Bài: Nguyễn Toàn; Ảnh: Kim Hưng |

Có một giảng đường vô cùng đặc biệt, lúc thì thênh thang bay giữa trời xanh biếc, chìm đắm trong mây ngàn trắng muốt như thơ, lúc lại băng qua những ngọn núi hùng vĩ lượn trên những con sóng trùng khơi. Giảng đường ấy, nhiều người muốn trải nghiệm, nhưng phải vào được mới thấy gian truân.

Có một giảng đường vô cùng đặc biệt, lúc thì thênh thang bay giữa trời xanh biếc, chìm đắm trong mây ngàn trắng muốt như thơ, lúc lại băng qua những ngọn núi hùng vĩ lượn trên những con sóng trùng khơi. Ở giảng đường ấy thầy và trò là đồng đội của nhau, sợi dây sinh tử nối thành làm một, chỉ một sơ suất nhỏ của người này cũng có thể gây nguy hiểm cho cả hai.

Đó là giảng đường của những phi công tiêm kích thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Người ta nói vui với nhau rằng: Chi phí để đào tạo ra một phi công chiến đấu được tính bằng số vàng tương đương với trọng lượng của phi công. Nhưng thật ra đó chỉ là câu nói đùa, vì thực tế chi phí đào tạo cao hơn rất nhiều.

Lạc quan và đầy nhiệt huyết, Trung đoàn Không quân 910 (E910) có mặt trong Hành trình truyền cảm hứng - Wechoice Awards 2018 như một đại sứ chắp cánh ước mơ đến thế hệ những người trẻ muốn làm chủ bầu trời. Nguồn: wechoice.vn

Chỉ tính riêng chi phí nhiên liệu cho những lần thực hành bay của phi công, với mỗi giờ bay tốn khoảng 150 triệu đồng, như vậy 100 giờ bay của học viên phi công tốn hết 15 tỷ đồng tiền nhiên liệu.

Đó là chưa kể những khoản chi phí khác như máy móc, cơ sở hạ tầng, nhu yếu phẩm... chính vì thế thật không ngoa khi ví những phi công tiêm kích là "tài sản" quý giá của quốc gia. Thế nhưng hành trình để chinh phục bầu trời không hề là một con đường bằng phẳng, nhất là với những cậu trai chỉ chớm đôi mươi.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 2.

12h trưa, nắng ở Tuy Hoà như vỡ vụn từng mảnh dưới cánh quạt của những chiếc trực thăng đang bay lượn trên bầu trời. Những cơn gió rít xé âm thanh inh ỏi khiến những người lần đầu đến sân bay quân sự như tôi có chút ong đầu.

Nhưng cậu học viên ở ngôi trường này đang ngày ngày phơi mình dưới cái nắng khắc nghiệt của miền Trung để thực hiện ước mơ bay - cái ước mơ mà tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng đã từng một lần mơ đến.

Ngày nhỏ, tôi nhớ có lần cả đám con nít hùa nhau chạy ra giữa cánh đồng ngước lên bầu trời ngắm nhìn chiếc máy bay bé xíu đang chầm chậm tạo một vệt trắng dài trên bầu trời xanh biếc, và rồi xuýt xoa ước gì mình được một lần sờ vào chiếc máy bay, ước gì lớn lên mình cũng được bay lượn giữa không trung.

Cái ước mơ chim trời ấy cháy âm ỉ nhưng mãnh liệt trong huyết quản tụi con nít, để rồi một ngày chúng trưởng thành, đứng trước những ngã rẽ vẫn đau đáu một lần chinh phục bầu trời. Thế nhưng để trở thành một phi công, đặc biệt là phi công chiến đấu đôi khi phải đánh đổi rất nhiều cơ hội và cả tuổi xuân.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 3.

Ít ai biết rằng quy trình đào tạo phi công chiến đấu rất khắc nghiệt, gọi vui thì là khắc nghiệt ngay từ "vòng gửi xe". Ở vòng khám sơ tuyển các ứng viên phải trải qua các vòng khám sơ bộ về chiều cao, cân nặng, cột sống, chân tay… Tiếp đến vòng khám chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt.

Những người viêm xoang, viêm họng hạt, viêm tai, sâu răng, lệch hàm, vẹo mặt… đương nhiên buộc phải dừng bước. Tiếp theo, ứng viên được làm điện tim, đo huyết áp, kiểm tra tâm lý. Thực hiện một bài kiểm tra trí nhớ với một bảng chữ được đưa ra trong vài chục giây rồi cất đi, ứng viên phải nhắc lại trong bảng có bao nhiêu chữ, là những chữ gì?

Tuy nhiên ở vòng này bài kiểm tra chức năng tiền đình mới thật sự đáng gờm. Ứng viên được ngồi mâm xoay tròn với tốc độ 40 vòng/ phút. Sau mấy phút "trời đất đảo điên", ứng viên bước xuống và được yêu cầu đi trên một đường thẳng.

Đa phần ứng viên bước xuống từ mâm xoay đều bị mất phương hướng, chỉ những người đi hơi "liêu xiêu" một chút là có thể đi tiếp vào vòng 2 tại Viện Y học Hàng không.

Ở vòng 2, ứng viên phải trải qua tất cả những bài đã kiểm tra ở vòng 1 với yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Nếu vòng 1 ứng viên chỉ phải ngồi mâm xoay tay để kiểm tra chức năng tiền đình, thì ở vòng này được thay bằng mâm điện. Mâm điện quay với tốc độ chóng mặt 60 vòng/ phút. Nhiều ứng viên không thể đứng vững khi bước xuống ghế.

Khắc nghiệt nhất ở vòng này là nội dung kiểm tra sức chịu đựng trong môi trường giảm áp. Ứng viên được đưa vào một khoang máy kín mít có hệ thống hút chân không. Áp suất được điều chỉnh giảm xuống, oxy được rút bớt ra để môi trường trong khoang máy tương đương với máy bay đang độ cao 5000m.

Trong 30 phút ở môi trường áp thấp, thiếu ôxy, ứng viên sẽ phải kiểm tra chức năng khí áp tai, khí áp xoang, độ nhạy của thính giác, thị giác, công năng hô hấp của phổi… đã có nhiều người không chịu nổi nên ngất xỉu.

Nhớ lại những kỳ kiểm tra khắc nghiệt này, Duy - một phi công của trung đoàn E910 hóm hỉnh kể với ê-kíp WeChoice : "Bố mình trước đây từng tham gia thi tuyển nhưng không đậu, thế nên lúc mình bảo sẽ tham gia kỳ xét tuyển phi công thì bố lắc đầu bảo: Thôi không được đâu, khó lắm! Thế mà mình đã vượt qua được, bố mình hãnh diện lắm!".

Duy cũng như rất nhiều những học viên đã và đang theo học tại Trường sĩ quan Không quân Việt Nam đều mang trên vai cả ước mơ của bố, của anh, của lũ trẻ ngày thơ... những người đã không đủ khả năng để bước lên hành trình đầy vinh quang nhưng không kém phần chông gai này.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 4.

Trời vừa hừng sáng tiếng chuông báo thức đã vang khắp doanh trại, các học viên nhanh chóng thức dậy để cùng nhau chạy bộ. Với phi công thì luyện tập thể thao là nhiệm vụ. Bởi sức khoẻ và tâm lý là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc điều khiển máy bay trên không trung.

Hằng ngày ngoài bốn bài tập thể dục buổi sáng, chạy bộ từ 3 - 6 km sáng và chiều, các học viên phải hoàn thành chế độ thể thao hàng không bắt buộc (gồm: Vòng quay trụ, xà, tạ, chạy bền...) và thể thao tự chọn.

Một bạn học viên cười bảo ngán nhất là món quay trụ và đu quay hàng không vì mỗi lần tập là một lần máu dồn lên não. Nhưng bài tập này sẽ trợ giúp nhiều nhất cho phi công trong các chuyến bay, giúp tăng sức chịu đựng.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 5.

Sau 3 năm học lý thuyết và rèn luyện sức khoẻ, 1 năm tập bay trên những chiếc máy bay cánh quạt một động cơ thì những học viên ưu tú nhất sẽ được chuyển đến trung đoàn 910 để học lái máy bay huấn luyện phản lực L-39 hoặc trực thăng Mi-8.

5h30 sáng, mặt vừa nhô lên mặt biển, chiếc máy bay trinh sát khí tượng bay về báo thời tiết thuận lợi. Buổi tập bắt đầu. Những chiếc máy bay phản lực lăn ra khỏi hàng, chạy đà trên đường băng rồi xé gió lao vút lên bầu trời.

Cái cảm giác buổi sớm mai ngồi bên đường băng uống ly cà phê, ngắm những chiếc máy bay lao vút lên cao trong tiếng xào xạt của những hàng phi lao thật "đáng đồng tiền bát gạo".

Giảng đường trên mây, nơi bầu trời là lớp học, học cụ là máy bay và chỉ có một thầy và một trò gắn kết với nhau bằng một sợi dây sinh mệnh. Học viên điều khiển buồng lái phía trước, giảng viên sẽ ngồi ở buồng sau, hai buồng lái này được thiết kế đồng bộ và kết nối với nhau để học viên dễ dàng tiếp thu những hướng dẫn của thầy.

Thầy Tuấn hài hước kể: "Học trò lần đầu bay lên chín tầng mây đứa nào cũng mắt chữ A mồm chữ O, rồi thì reo lên: trời ơi đẹp quá, mây đẹp quá! Còn ông thầy ngồi phía sau thì lo sốt vó vì trời nhiều mây thì sẽ khó trong việc định hướng bay. Thế mà lần nào thấy mây thầy cũng hỏi trò: đẹp không, trò gật gù: Đẹp lắm thầy ạ!".

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 6.

Con người vốn quen với việc sinh hoạt trên mặt đất, thế nên khi tiếp xúc với môi trường trên không gặp rất nhiều khó khăn. Cũng trong môi trường này tính cách con người sẽ bộc lộ rõ nhất, bởi trên không trung chúng ta không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ, mọi phản xạ, tư duy đều rất bản năng.

Thấy Tuấn lại hóm hỉnh kể những câu chuyện vui xung quanh những bài học bay: "Có hôm tập những bài bay nhào lộn phức tạp, học viên nói lớn: thầy điều khiển hộ em giây lát. Nói xong cậu này lôi túi nylon được cột bên tay áo ra, nôn ẹo ẹo rồi cột gọn gàng nhét vào túi áo. Xong xuôi cậu nói lớn: Em đã sẵn sàng tiếp tục".

Mọi người cười vang bởi những câu chuyện rất đời của lính bay. Với đặc thù giảng dạy, mỗi năm một giảng viên chỉ kèm cho 2 - 3 học viên vì vậy tình cảm giữa thầy với trò cũng gắn kết với nhau nhiều hơn. Ở lớp học này thầy trò không chỉ là người dạy và người học, mà còn là đồng đội, là người anh em chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống.

Mặc dù hàng không là ngành có mức độ rủi ro rất thấp, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối. Những cậu trai tuổi 20 mươi phơi phới khi bước chân vào hành trình gian nan này luôn phải tự ý thức rằng chỉ một chút sơ suất nhỏ hoặc không may động cơ gặp vấn đề thì chuyện sinh tử là rất mong manh.

Đã có không ít câu chuyện đau lòng của những học viên phi công hy sinh trên hành trình chinh phục bầu trời, để thấy rằng hành trình này không những khắc nghiệt mà còn đầy hiểm nguy.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 7.

Thanh xuân có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người. Những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết chúng ta vô tư với những ước mơ hồn nhiên, được xách balo lên và khám phá những vùng đất mới, được khóc cười với mối tình đầu vụng dại và vấp ngã với những điều mà cuộc đời cho phép.

Nhưng thanh xuân của những chàng trai ôm giấc mộng chim trời lại không có được những điều đó, tuổi trẻ của họ rực rỡ theo một cách riêng.

Trong môi trường quân đội kỷ cương nhưng học viên phi công hầu như không được tiếp cận với mạng xã hội và Internet, mỗi tuần chỉ được ra ngoài doanh trại một lần và mỗi lần chỉ vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ, thế nên bạn bè của lính bay dường như rất ít. Đó là chưa kể việc phải tập sống xa những người thân yêu và tự lập từ những chuyện nhỏ nhất.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 8.

Câu chuyện của những người phi công quả cảm đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018, được phát sóng trên kênh VTV1 ngày 25/4 vừa qua.

Tôi hỏi các bạn học viên rằng sự đánh đổi này có xứng đáng không? Họ đều gật đầu: Xứng đáng! Bởi bầu trời tổ quốc mình đẹp lắm anh ạ!

Sau những tháng ngày gian nan là lúc hái trái ngọt. Chuyến bay đơn đầu tiên là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của một phi công tiêm kích. Đó là lần đầu tiên họ được một mình điều khiển chiếc máy bay lao vút lên trời xanh. "Đêm trước đó em thao thức, hồi hộp lắm, nhưng phải cố ngủ để mai đủ sức khoẻ bay.

Cái cảm giác chòng chành, lâng lâng rồi những mái nhà nhỏ dần. Tầm nhìn thì rộng bao la, trong tay mình là cần lái và tay ga, một mình bay lượn giữa trời, vờn qua những đám mây, bay trên những ngọn núi, cảm giác lúc đó mình như cánh chim trời, khó tả lắm! Được ngắm nhìn tổ quốc từ trên cao là điều mà không phải ai cũng có cơ hội" - Thanh Kiểm chia sẻ.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 9.

Có một điều tôi phải công nhận rằng phi công tiêm kích là những chàng lính "hào hoa" nhất trong các quân binh chủng ở Việt Nam. Từ vẻ ngoài lãng tử với bộ đồ bay "chất" lừ, đến khí chất ngời ngời trong trong công việc, hay cách đối đãi với đồng đội và đôi khi là cả những người ở bên kia chiến tuyến... đều được pha một thứ gia vị lãng mạn.

Nắng gió ở Tuy Hoà hay những bài tập khắc nghiệt có thể khiến những chiến sĩ đôi lần ngã quỵ, nhưng chất lãng tử của lính bay thì chẳng phai đi chút nào.

Càng trải qua nhiều thử thách con người lại càng thêm vững vàng và trưởng thành. Và rõ ràng để có cơ hội ngắm nhìn tổ quốc từ trên cao các học viên phải đánh đổi rất nhiều cơ hội so với người trẻ ở thị thành.

Nhưng với những học viên ở ngôi trường này được khoác lên người tấm áo quân nhân đã là một niềm tự hào. Họ mang trong mình niềm tin mãnh liệt để vững tiến vươn xa tới mọi vùng trời của tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng ký ức đau thương vẫn âm ỉ trong từng thớ thịt của người Việt, để rồi hôm nay chúng ta trân quý hơn những hạnh phúc của hòa bình, và trân trọng cả những con người dành trọn tuổi xuân của mình để gìn giữ sự bình yên cho tổ quốc.

Với tôi, họ - những phi công tiêm kích tuổi đôi mươi là những chàng trai có tuổi trẻ đẹp nhất.

Giảng đường trên mây - Lớp học của những cánh chim trời bảo vệ bình yên tổ quốc - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại