Chiều 18/10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang đã cho 5 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh này được nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên đứng trên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cho rằng bản thân ông nhận thấy đã bị VKS truy tố đúng người, đúng tội.
"Tôi đã có tuổi, đã nhận thức được hành vi phạm tội. Quá trình công tác tôi đã có đóng góp cho ngành, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt", bị cáo Hoài nói và cho biết thêm trong số đồ vật bị thu giữ của ông có chiếc máy tính để nhiều đề thi, gia phả, ông này xin copy để cho con cháu được biết gia phả.
Tới phần mình, bị cáo Vũ Trọng Lương nói, đã nhận thức rõ được hành vi phạm tội, quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
"Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Hà Giang. Bị cáo xin lỗi bố mẹ, người thân, bạn bè. Bị cáo rất ân hận về những gì mình đã làm và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo mong được nhận bản án thấp nhất để có cơ hội làm lại từ đầu", Vũ Trọng Lương nói.
Còn bị cáo Triệu Thị Chính phát biểu rằng, từ khi xảy ra vụ việc, là một nhà giáo bà vô cùng đau xót. Dù 107 thí sinh Hà Giang được nâng điểm vượt khỏi sự kiểm soát nhưng lúc đó với cương vị PGĐ Sở, bà đã nhận trách nhiệm về mình.
"Việc đưa danh sách 13 thí sinh tôi thừa nhận sai, có lỗi. Tôi xin gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và nhân dân tỉnh Hà Giang. Tôi sẵn sàng chịu kỷ luật trong ngành nhưng tôi khẳng định tôi không phạm tội", bà Chính bày tỏ.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, ngay từ lời nói đầu tiên đã gửi lời xin lỗi Đảng, nhân dân, người thân và gia đình vì những sai lầm của bị cáo này.
Ông cảm ơn HĐXX đã đánh giá, xem xét các sai phạm và chỉ ra những thiếu sót trong cuộc sống, trong công việc. Gần 40 năm công tác, nam bị cáo không ngờ lại nhận cái kết cay đắng như thế này.
"Tôi trách bản thân đã thiếu kiến thức pháp luật, thiếu sự thận trọng, cảnh giác. Tôi đã cố gắng gắn bó với nghề, bạn bè bỏ nghề hàng loạt nhưng tôi vẫn bám trụ vì yêu trường, yêu lớp, yêu học sinh.
Trong vụ án, tôi là người nhờ Hoài nâng điểm cho con nhưng không hứa hẹn hay gây sức ép nào cho Hoài. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để tôi có cơ hội được sống cùng gia đình, bạn bè để tuổi già được thanh thản. Tôi cũng mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác để họ trả nợ cho đời", bị cáo Khuông phân trần trước HĐXX.
Người cuối cùng phát biểu là bị cáo Lê Thị Dung, cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang thừa nhận đã làm sai, làm trái pháp luật và đồng ý với truy tố của VKS.
"Từ khi xảy ra vụ án ,tôi đã rất ân hận vì mất đi tất cả: Danh dự, nghề nghiệp. Tôi mong HĐXX xem xét sự thành khẩn của tôi vì tôi đã chủ động thú nhận toàn bộ sự việc trước khi Cơ quan An ninh điều tra đến làm việc. Mong tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sửa sai, chữa bệnh", bị cáo Dung nói.
Sau khi các bị cáo trình bày xong, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà tuyến bố tạm dừng xét xử để nghị án.
Dự kiến 8h ngày 25/10, HĐXX sẽ tuyên phạt các bị cáo !
Trước đó, chiều 17/10, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang công bố quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị hình phạt với 5 bị cáo vụ sửa điểm thi THPT quốc gia năm 2018.
Trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, đại diện VKS tỉnh Hà Giang đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8 - 9 năm tù; bị cáo Vũ Trọng Lương 7 - 8 năm tù giam.
Các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2 - 2,5 năm tù; bị cáo Phạm Văn Khuông 1-1,5 năm, nhưng cho hưởng tù treo. Chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý.
Về hình phạt bổ sung, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1 - 2 năm.