Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri nhân kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, cử tri nêu nguyện vọng muốn cơ quan chức năng sớm công khai những người liên quan đến vụ gian lận điểm thi, đặc biệt là các cán bộ, lãnh đạo liên quan.
Được nhìn nhận là “nghiêm trọng và tinh vi”, vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La , Hòa Bình, Hà Giang đang dần được sáng tỏ, với việc hàng loạt cán bộ bị khởi tố, thí sinh gian lận bị trả lại điểm thật. Có thí sinh được nâng từ điểm liệt, thành thủ khoa. Trong số những thí sinh này, không ít em là con, cháu của quan chức tại các địa phương.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, vấn đề gian lận điểm thi đã được nhiều đại biểu nhắc tới, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để trả lại công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội.
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, mong muốn trên của cử tri là chính đáng. Trước đề nghị này, các cơ quan chức năng nên cân nhắc, xem xét để thực hiện theo nguyên vọng.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc công khai ở giai đoạn nào, mức độ nào thì cần phải cân nhắc để không làm ảnh hưởng tới việc điều tra vụ án và những cán bộ trong sạch.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng các đối tượng vi phạm đều phải công bố, có vậy mới tạo niềm tin của người dân.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về việc xử lý với những thí sinh và phụ huynh liên quan đến vụ gian lận điểm thi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, những vụ gian lận thi cử vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân. Theo ông, các đối tượng vi phạm đều phải công bố, có vậy mới tạo niềm tin của người dân.
"Thực tế, các em đã học tới lớp 12, nghĩa là 18 tuổi, độ tuổi có nhận thức rằng nếu bố mẹ, phụ huynh đưa mình vào gian lận thì cũng phải có chính kiến của mình về hành vi xấu xí đó. Nhiều em được điểm liệt nhưng được nâng lên thành điểm giỏi để đỗ thủ khoa. Những trường hợp này không thể nói là không liên quan, không biết việc gian lận, nâng điểm" - đại biểu Phương nêu quan điểm.
Thủ tướng ra thời hạn xác minh dấu hiệu đưa, nhận hối lộ
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25.5.2019.