Đại đa số người dân khi có chỉ thị giãn cách thường khá khó khăn, vất vả trong việc mua thực phẩm, đặc biệt là rau quả sạch cho bữa ăn hàng ngày.
Với những người nông dân sân thượng như chị Hòa, khi có chỉ thị giãn cách, chị chọn cách an yên trong nhà, dành thời gian trồng cây, nấu những món ăn đủ dinh dưỡng cho mọi thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó không thể thiếu những khoảng thời gian chăm cây, làm vườn.
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, khi lập nghiệp và nỗ lực dành dụm, tích góp, hai vợ chồng chị Hòa đã chuyển đến sống ở thành phố Đà Nẵng. Khi mơ ước đã trở thành hiện thực, có căn nhà với không gian rộng rãi, chị Trúc Hòa bắt đầu sắp xếp khoảng sân thượng rộng 100m2 của gia đình mình để trồng cây trên sân thượng.
Chị Trúc Hòa người gốc Quảng Nam, hiện đang sống cùng gia đình tại Đà Nẵng.
Không gian sân thượng được thiết kế kiên cố.
Chị Hòa khá "mát tay", trồng các loại cây luôn tốt tươi sai trĩu quả.
Chị dành một khoảng diện tích để trồng dưa lưới.
Các loại cây đều được quy hoạch ngay ngắn, đẹp mắt trên sân thượng.
Để "yên tâm" tạo khu vườn xanh mát và an toàn, vợ chồng chị Trúc Hòa chú ý đến hệ thống ống thoát nước loại lớn, chống thấm kỹ trước khi lát gạch và chọn loại gạch sân vườn chống trượt nhưng vẫn có lớp men dễ chà rửa. Các loại chậu trồng với đủ kích cỡ phù hợp từng loại cây và có chân đế giúp sàn sân thượng luôn khô và sạch.
Đồng thời, chị lắp đặt mái che vằng mecal trong để vừa lấy ánh sáng, che mưa, làm giàn cho dây leo vừa giảm nhiệt không gây nóng hay bốc hơi nước khiến đất khô cằn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Chủ nhân khu vườn tâm sự: "Ở quê lại mơ ra phố. Khi ra phố mới biết áp lực công việc, môi trường sống thành phố như thế nào, tại sao nhiều bạn lại muốn bỏ phố về quê. Mình vẫn rất vui và hạnh phúc vì thật may mắn trong từng bước đi và cả trong suy nghĩ. Để cân bằng trong công việc, cuộc sống và xả stress những lúc căng thẳng, mình thường tìm niềm vui với khu vườn trên mây này".
Dưa lưới chuẩn bị thu hoạch.
Thành quả của chị khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Sau một thời gian dài học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm, khu vườn đủ các loại rau quả, mùa nào thức ấy đã thành công, hoàn thiện. Vì mong muốn tạo không gian xanh cũng như có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình thưởng thức, chị đã chọn cách gom chuối hỏng, xin sữa hết hạn, trứng bị vỡ, ruột cá... để làm rác thải hữu cơ. Ngoài phân tự làm, chị mua thêm phân trùn quế, phân bò, gà, dơi, bánh dầu, cám gạo, đậu tương...
Mỗi loại rau quả đều cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau, cần tìm hiểu thật kỹ, chăm bón bằng niềm đam mê và liên tục đúc rút kinh nghiệm, hiểu cây yêu cây chắc chắn sẽ nhận được những thành quả tuyệt vời.
Bên cạnh việc bón phân, phòng bệnh cho khu vườn, chị Hòa còn chú trọng lưu tâm đến tưới nước. Chị thường dậy từ sáng sớm để có thêm thời gian ngắm khu vườn, tự tay tưới từng chậu cây để dễ dàng điều chỉnh được lượng nước phù hợp. Đặc biệt, chị chú trọng cân bằng hệ sinh thái nên không dùng thuốc trừ sâu, hạn chế phân hóa học. Chị chọn cách đuổi côn trùng có hại, thu hút côn trùng và vi sinh vật có lợi. Vì thế, khu vườn chính là "ngôi nhà" luôn được phủ xanh, an toàn và trong lành cho cuộc sống của gia đình.
"Bí mật để làm vườn thành công của mình chính là luôn nghiêm khắc với bản thân, làm việc gì cũng thật chỉnh chu. Luôn kiểm điểm bản thân khi làm việc gì sai, không tự mãn khi có được thành công. Mỗi ngày đều nỗ lực, làm tốt hơn ngày hôm qua. Đặc biệt là dành thời gian để giao lưu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây, biết tìm kiếm thông tin hữu ích trên internet để sở hữu khu vườn như chính mình mơ ước", chị Hòa chia sẻ.
Một góc trồng xà lách.
Những ngày cả nước bùng phát dịch, nhiều địa phương thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, chị Hòa cảm thấy may mắn khi có một khu vườn tốt tươi rau quả. Hàng ngày, đây cũng chính là khoảng không gian xanh quý báu trong nhà phố để chị cân bằng tâm trạng, yêu quý bản thân, trân trọng sức khỏe. Nhờ khu vườn, cả gia đình như yêu thương nhau hơn, xích lại gần nhau hơn trong những ngày giãn cách.
Nguồn ảnh: NVCC