Ông Đỗ Xuân Bắc, kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tư vấn:
Giảm xóc trên ô tô là bộ phận giúp đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn cho người sử dụng. Bộ phận này nằm trong hệ thống treo của ô tô. Chúng có nhiệm vụ triệt tiêu, giảm chấn khi xe di chuyển qua các cung đường xấu, ổ gà đem lại sự êm ái, thoải mái cho người ngồi trên xe.
Giảm xóc được thiết kế và lắp đặt ở 4 bánh xe ô tô. Được xem là bộ phận không thể tách rời của mọi chiếc xe ô tô.
Khi nào cần thay bộ phận giảm xóc ô tô?
Trong quá trình vận hành xe, không phải lúc nào bộ phận giảm xóc cũng đạt ngưỡng tuổi thọ như trên mới hỏng. Nếu chủ xe cảm thấy bộ phận giảm xóc xuất hiện một số dấu hiệu sau, hãy thay thế ngay:
Đầu xe bị nhún xuống mạnh khi phanh gấp: Khi đầu xe bị nhún mạnh do phanh gấp có thể giảm khả năng kiểm soát tay lái của chủ xe và gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng cũng như những người xung quanh. Do vậy, chủ xe nên đưa xe đi kiểm tra lại bộ phận giảm xóc.
Xe bị trượt và chệch hướng: Chỉ một tác động nhẹ cũng có thể khiến xe bị mất cân bằng và chệch hướng, thì cũng là dấu hiệu cho thấy cần phải thay mới bộ giảm xóc ngay.
Xe bị lắc lư, rung mạnh: Vai trò của bộ phận giảm xóc là hấp thụ lực, các dao động, rung hoặc xóc. Nếu chủ xe cảm nhận rõ các rung động truyền đến tay lái rõ rệt khi đi trên các đoạn đường nhiều ổ gà, thì nên xem xét đưa xe đến gara để kiểm tra.
Lốp mòn không đều: lốp mòn không đều cũng là dấu hiệu báo rằng có thể bộ giảm xóc đang hoạt động kém hiệu quả hoặc hư hỏng. Lúc này, độ bám đường của xe sẽ kém đi và dễ ngây nguy hiểm cho lái xe cũng như những người đang lưu thông cùng.
Xe chảy dầu và phát ra tiếng kêu: Rất dễ để nhận biết được xe bị chảy dầu ở bộ giảm xóc, điều này cũng đồng nghĩa với việc bộ giảm xóc xe cần thay mới. Ngoài ra, khi xe chạy qua những đoạn đường xấu xe xuất hiện những tiếng lộc cộc và có cảm giác nảy. Dấu hiệu này báo hiệu rằng giảm xóc đang bị hở phớt và chảy dầu thủy lực.
Giảm xóc được thiết kế và lắp đặt ở 4 bánh xe ô tô được xem là bộ phận không thể tách rời của mọi chiếc xe ô tô
Giảm xóc ô tô bị hỏng, nên thay một chiếc hay một cặp?
Trong quá trình sử dụng thực tế một số bộ phận có tính đối xứng bị hỏng, người dùng hay băn khoăn nên thay một cặp hay một chiếc. Chủ xe thường có suy nghĩ “hư bên nào thì thay bên đó” để tiết kiệm chi phí khi chỉ có một bên bị hỏng còn bên còn lại vẫn hoạt động bình thường. Việc thay thế theo cặp sẽ tốn thêm chi phí và cũng không phải là việc bắt buộc. Tuy nhiên một số chi tiết khi thay theo cặp sẽ đảm bảo hiệu quả sử dụng và bền hơn.
Bộ phận giảm xóc thuộc hệ thống treo cũng như vậy thường hỏng một bên, nhưng nếu chỉ thay bên hỏng, sau thời gian sử dụng ngắn sẽ hỏng nốt bên còn lại. Việc thay giảm xóc mới, bên còn lại cũ hơn, hành trình giảm xóc của hai bên khác nhau, chiếc mới hơn sẽ dễ gây ra hỏng chiếc cũ.
Vì thế giảm xóc là bộ phận được khuyến cáo nên bảo dưỡng và sửa chữa cả hai bên để đạt được hiệu quả, chất lượng hoạt động của giảm xóc và cả khung gầm xe.
Tuổi thọ của giảm xóc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại xe, điều kiện đường sá, cách sử dụng của chủ sở hữu, mức chịu tải… sẽ có các mốc thay thế khác nhau.
Theo các chuyên gia, con số lý tưởng để người lái xe tiến hành kiểm tra, thay thế bộ giảm xóc ô tô là từ 80.000 - 140.000km tùy vào loại xe và điều kiện vận hành thường xuyên.