Các cuộc xung đột trên thế giới những năm gần đây, đặc biệt là các cuộc chiến của Mỹ và đồng minh ở Iraq và Afghanistan, đã bộc lộ nhiều vấn đề về trọng lượng trang bị cá nhân cho lính bộ binh.
Kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xuất hiện sự tăng vọt về khối lượng trang bị cá nhân của binh sĩ Mỹ, kéo theo là quân đội NATO do có sự tương đồng về học thuyết quân sự.
Nhằm mục đích tăng cường hỏa lực và khả năng sống sót, binh sĩ phải mang theo nhiều đạn dược, vũ khí hạng nặng và trang bị bảo vệ nhất có thể.
Kể từ năm 1990, cẩm nang huấn luyện của lục quân Mỹ nhấn mạnh binh sĩ chỉ mang trang bị vừa đủ, không được để khối lượng quá nặng làm giảm sức chiến đấu.
Giới chuyên gia Mỹ tính toán, khối lượng trang bị tối ưu của một binh sĩ chỉ nên ở mức 22kg khi chiến đấu và 32kg khi hành quân. Tuy nhiên, thực tế trong quân đội các nước phương Tây hơn 30 năm qua cho thấy giới hạn này thường xuyên bị vượt từ 1,5 đến 2 lần.
Do vậy, báo cáo từ các binh sĩ cho biết, việc mang vác quá nặng ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của họ. Vấn đề kiệt sức khi hành quân đường dài rất phổ biến. Tính cơ động giảm sút, đặc biệt khi vào vị trí ẩn nấp hoặc khi xung phong.
Binh sĩ phải cần trợ giúp kể cả khi vượt những chướng ngại vật tưởng chừng đơn giản. Số lượng binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến đấu do chấn thương cột sống, xương khớp còn nhiều hơn do trúng đạn hoặc mảnh văng.
Binh sĩ được che kín bởi giáp sẽ sống sót tốt hơn khi trúng đạn và đạn dược mang theo dồi dào sẽ dễ áp đảo đối phương hơn. Cho đến nay, tư duy đó khiến trọng lượng trung bình của trang thiết bị cá nhân mà mỗi binh sĩ mang theo lên tới hơn 50kg. Chưa kể việc khi hành quân, các binh sĩ còn phải mang thêm lương thực và nước uống.
Tại Afghanistan, các sĩ quan quân đội Anh ghi nhận, chỉ sau 4 giờ hành quân, binh sĩ của họ mệt mỏi tới mức mất hết sức chiến đấu, thậm chí không thể suy nghĩ thấu đáo. Một nhà bình luận giấu tên cho biết, binh sĩ phương Tây gần như không thể thu hẹp khoảng cách khi đụng độ các tay súng Taliban với trang bị nhẹ bằng một nửa.
Lực lượng Taliban chế giễu rằng đối thủ có sự "khệnh khạng chiến thuật" giúp họ nắm thế chủ động trong giao chiến.
Hiện nay, nhiều giải pháp công nghệ đang được áp dụng để khắc phục vấn đề này, bao gồm việc sử dụng robot hành quân cùng bộ binh. Đây là phương án đạt được nhiều bước tiến với vô số mẫu thử. Robot có thể vận chuyển trang bị hoặc tải thương thay cho con người.
Một phương án khác là sử dụng các thiết bị hỗ trợ giúp mỗi cá nhân có thể mang vác tốt hơn. Tại Nga, quân đội nước này đã thử nghiệm thành công khung xương trợ lực giúp binh sĩ mang được hơn 50kg trang bị mà không tốn sức.
Thiết bị này đã chứng minh hiệu quả khi lính công binh Nga tham gia rà phá bom mìn ở Syria từ năm 2017.
Tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ mang vác vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa thể tham gia chiến đấu trên thực địa. Bên cạnh đó, máy móc khó có thể được trang bị đại trà do tốn nhiều chi phí. Giải pháp đơn giản và kinh tế nhất được nhiều nước áp dụng là trang bị nhẹ hơn và loại bỏ những thứ không cần thiết.
Những trang bị như áo, mũ chống đạn được giảm nhẹ đến mức tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn. Nhà nghiên cứu quân sự James Zheng cho biết, trang bị chống đạn là "khối lượng ký sinh" trên người mặc.
Nó chỉ giúp bảo vệ khi tham gia chiến đấu và trở nên vô dụng trong các tình huống khác. Do vậy, hầu hết các nước đều đang thực hiện các dự án trang bị cá nhân cho bộ binh có giáp nhẹ hơn, chống đạn tốt hơn.
Trong tương lai, bộ binh vẫn là lực lượng quyết định cho nhiệm vụ chiếm giữ và phòng thủ, điều các phương tiện hiện đại không thể thay thế.
Có thể thấy, cuộc chạy đua tăng sức chiến đấu cho binh sĩ, dù áp dụng trang bị hỗ trợ hay cải tiến trang bị của từng cá nhân, yếu tố quan trọng nhất mà nhiều nước có chung quan điểm là khối lượng nhẹ và tính cơ động cao.