Giảm phát thải tiếp tục là bài toán khó

Anh Thư - Xuân Mai |

Một báo cáo được công bố hôm 11-11 đã nêu bật khoảng cách giữa lời hứa của các chính phủ, công ty và nhà đầu tư về cắt giảm khí thải làm nóng hành tinh và hành động của họ.

Được thực hiện bởi hơn 100 nhà khoa học, báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu nói trên cho biết tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu từ tất cả các nguồn sẽ đạt 40,6 tỉ tấn trong năm 2022. Khoảng 90% lượng khí thải này đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Đáng chú ý, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch đang trên đà tăng 1% vào năm 2022 để đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, lượng khí thải từ dầu mỏ có thể tăng tới hơn 2% so với năm ngoái. Riêng lượng khí thải từ than đá có thể phá kỷ lục của năm 2014.

Cũng theo báo cáo, các yếu tố như sự phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch COVID-19, khủng hoảng nhiên liệu do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine… đã thúc đẩy xu hướng tăng trở lại của khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch.

Giảm phát thải tiếp tục là bài toán khó - Ảnh 1.

Một nhà máy điện than tại gần TP Nantes - Pháp. Ảnh: REUTERS

Báo cáo trên được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập.

Ông Glen Peters, Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khí hậu CICERO (Na Uy) và là đồng tác giả báo cáo, bày tỏ lo ngại về sự gia tăng nói trên và nhận định lượng khí phát thải hiện cao hơn 5% so với thời điểm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.

Theo đài Al Jazeera , các số liệu mới cũng cho thấy thách thức lớn trong việc giảm khí phát thải đủ nhanh để đạt được mục tiêu đề ra trong hiệp định này, theo đó giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, lượng phát thải khí nhà kính trước mắt phải giảm 45% vào năm 2030.

Tại COP27, các nhà hoạt động kêu gọi cần có sự hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đối mặt sức ép ngày càng gia tăng, nhiều nước đã thông báo những bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình giảm khí thải trong các lĩnh vực như điện, giao thông vận tải và thép.

Theo Reuters, Mỹ, Đức, Nhật Bản và Canada thuộc số những nước ủng hộ kế hoạch gồm 25 "Hành động ưu tiên" được công bố trong khuôn khổ COP27 hôm 11-11. Chi tiết của kế hoạch này dự kiến được đưa ra tại Hội nghị COP28 diễn ra ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm tới.

Thông qua việc nhất trí một loạt biện pháp giảm khí thải, những nước này hy vọng có thể phát đi tín hiệu rõ ràng về định hướng chính sách nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư và doanh nghiệp hành động.

Cũng tại COP27, 13 quốc gia, dẫn đầu là Anh và Ai Cập, đã thống nhất đẩy nhanh hành động giảm khí thải trong nông nghiệp, cũng như tăng cường đầu tư cho các giải pháp giảm biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại