Giảm giá kịch sàn, điện máy vẫn ế

Long Giang |

Tủ lạnh, máy giặt, tivi... được giảm giá đến 50% nhưng người tiêu dùng vẫn ngó lơ.

Giới kinh doanh điện máy cho biết nguồn hàng tồn kho hiện rất lớn dù nhiều tháng qua, các nhà bán lẻ liên tục khuyến mãi, giảm giá từ 30%-60% để cắt lỗ. Hàng tồn từ các năm 2018 đến nay là khá lớn, trong khi theo thông lệ, hàng tồn model 2018 đã được giải quyết hết và các mẫu 2019 không còn nhiều.

Giảm giá cuối năm sớm một tháng

"Hàng điện máy chỉ tiêu thụ tốt khi thị trường bất động sản sôi động, nhu cầu cao về mua sắm điện máy để lắp đặt cho căn hộ, văn phòng. Còn hiện nay, lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nên dễ hiểu vì sao hàng điện máy ế ẩm" - ông Lê Văn Minh, người chuyên phân phối hàng điện máy đi các tỉnh, lý giải.

điêGiới kinh doanh cũng cho biết thông thường, đây là thời điểm các hệ thống bán lẻ hàng điện máy lên chương trình khuyến mãi bán hàng cuối năm và bắt đầu chạy từ dịp lễ Giáng sinh. 

Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh khiến sức mua quá yếu nên buộc các siêu thị, trung tâm điện máy như Thiên Hòa, Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh… phải chạy chương trình sớm hơn. Hầu hết hệ thống kinh doanh bắt đầu chương trình khuyến mãi cuối năm từ cuối tuần thứ 3 của tháng 11. 

"Do nguồn hàng rất dồi dào nên giá bán được hãng và nhà bán lẻ giảm mạnh phổ biến từ 30%-50%, thậm chí một số mặt hàng giảm 60%" - đại diện một hệ thống nhìn nhận.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, thông tin ngoài giảm giá, hệ thống còn hỗ trợ khách hàng mua sắm linh hoạt hơn thông qua hình thức mua hàng trả góp được hoàn tiền mặt. 

Theo đó, sau khi hoàn tất thanh toán, khách hàng được hoàn tiền từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng. Còn đại diện siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết không chỉ được giảm giá, khách hàng còn được tặng phiếu mua hàng trị giá tiền triệu.

Đại dịch khiến sức mua hàng điện máy trong năm giảm rất mạnh. Để đẩy hàng tồn, cắt lỗ, nhiều nhà bán lẻ đã phải giảm giá, ưu đãi gần như cả năm nay, thậm chí có nhà bán lẻ tuần nào cũng chạy chương trình ưu đãi. 

"Hàng điện máy vốn không còn sốt như nhiều năm trước, nay lại gặp dịch nên không có ưu đãi, tặng quà hấp dẫn thì khó bán được hàng" - ông Lý Công Tiến, phụ trách kinh doanh tại siêu thị điện máy tại quận 5 (TP HCM), nói và kê ra hàng loạt mặt hàng được giảm giá tại siêu thị này: tivi QLed 65 của Hàn Quốc giảm 30 triệu đồng, tivi 4K 75 inch giảm 15 triệu đồng, tivi QLed 85 inch giảm hơn 50 triệu đồng, tủ lạnh dung tích hơn 600 lít của Nhật giảm 12 triệu đồng...

Giảm giá kịch sàn, điện máy vẫn ế - Ảnh 1.

Hàng điện máy được giảm giá mạnh với hy vọng kích thích sức mua

Siêu thị đứng ngồi không yên

Dù đang trong thời điểm thích hợp để giải phóng hàng tồn nhưng ông Thái Chí Hiếu, phụ trách kinh doanh tại siêu thị điện máy ở quận Tân Bình (TP HCM), vẫn không mấy tin tưởng vào sức tiêu thụ cuối năm. 

Ông nhận định đầu năm 2020 lẽ ra là lúc các nhà sản xuất, bán lẻ giảm giá cho các mặt hàng model 2019 nhưng lại gặp đợt dịch Covid-19 đầu tiên nên sức mua giảm thê thảm. 

Nguồn hàng này đang tồn với số lượng lớn, chưa kể hàng tồn từ năm 2018 vẫn chưa giải quyết xong và model 2020 tất nhiên còn nhiều, khiến các nhà bán lẻ gặp áp lực chồng chất. "Chỉ một thời gian ngắn nữa, model 2021 sẽ được rục rịch đưa về khiến hàng cũ phải bán tháo bằng bất cứ cách nào, kể cả bán cắt lỗ" - ông Hiếu ngao ngán.

Giới kinh doanh cho biết thị trường rơi vào tình trạng đình trệ cả năm qua khiến không chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu mà nhà bán lẻ cũng đều đứng ngồi không yên. 

Thông thường, hàng tồn kho "nằm" phần lớn tại nhà sản xuất và nhà nhập khẩu với số lượng lớn do kế hoạch sản xuất, nhập khẩu của năm sau thường được chốt vào giữa năm trước. 

Khi dịch bệnh bùng nổ, nhà sản xuất, nhập khẩu đều rơi vào tình trạng bị động bởi đã chuẩn bị lượng hàng quá nhiều. Nhưng năm nay, tồn kho ở nhà bán lẻ cũng không kém cạnh so với nhà sản xuất và nhập khẩu do hàng loạt diễn biến bất lợi trên thị trường.

Ông Kiều Minh Trung, quản lý kinh doanh của một hệ thống bán lẻ điện máy tại TP HCM, phân tích: "Tuy nhà bán lẻ am hiểu thị trường, sức mua đến đâu họ nhập hàng về đủ hoặc chỉ dư một chút để tránh tồn kho không cần thiết, nhưng họ bị các hãng điện máy, nhà phân phối ép chạy theo doanh số. 

Tức là, nhập lượng hàng càng lớn thì chiết khấu, ưu đãi càng cao. Do đó, nhiều nhà bán lẻ buộc phải nhập hàng vào với số lượng lớn để đỡ bị thiệt chiết khấu, dẫn đến tồn kho tại nhà bán lẻ cũng cao không kém nơi sản xuất, nhập khẩu. 

Chưa hết, dịch bệnh vừa tạm lắng xuống thì bão lũ liên tiếp xảy ra khiến tiêu thụ điện máy tại nhiều tỉnh bị giảm sút đáng kể, cần một thời gian dài nữa mới hồi phục. Ngay tại các TP lớn, nhiều người cũng thắt chặt chi tiêu do lo ngại phải đối mặt với nhiều khó khăn sắp tới".

Ghi nhận thực tế cho thấy có nhiều siêu thị, trung tâm điện máy lớn đang tồn kho với trị giá hàng ngàn tỉ đồng, nguồn hàng này có thể đủ để bán cho cả năm tới. 

Tổng lượng tồn kho trên thị trường năm nay tăng so với năm trước từ 30%-50% tùy mặt hàng, với số lượng lên đến vài triệu sản phẩm. Trong đó, tồn kho nhiều nhất là máy lọc không khí, máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, tivi. Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ thừa nhận gần như đã "hết cách" kích thích sức mua tăng hơn nữa bởi nhiều mặt hàng đã giảm giá kịch sàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại