Tình hình thị trường xe điện toàn cầu 2023
Ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang chuẩn bị khép lại một năm 2023 với kết quả khá tích cực.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, doanh số toàn cầu của xe thuần điện và xe hybrid đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu đang chững lại, do rào cản lớn về giá cả. Theo JATO Dynamics, trong nửa đầu năm nay, một chiếc xe điện ở Mỹ hay châu Âu có giá trung bình từ 70.000 - 72.000 USD, vượt xa giá xe xăng.
Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua giảm giá xe điện
Do vậy, giảm giá xe đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành xe điện thế giới. Trong đó, các hãng xe Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển các mẫu xe điện giá cả phải chăng, phù hợp với khả năng tiếp cận của người tiêu dùng trung lưu.
Tại triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng 4, chiếc Seagull - mẫu xe điện mới của hãng BYD (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý, không phải bởi các tính năng hiện đại, mà nhờ mức giá hấp dẫn - chỉ 11.300 USD, bằng một nửa giá của các loại xe điện giá rẻ khác.
Chiếc Seagull - mẫu xe điện của hãng BYD. (Ảnh: autocar.co.uk)
"Đây là chiếc xe khá phù hợp với tôi. Nó có thể được sử dụng để lái đi chơi hoặc đi làm và có chi phí tương đối thấp", anh Fan Yuhong, người tiêu dùng Trung Quốc, chia sẻ.
Trong những năm qua, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển xe điện giá rẻ, với lợi thế từ sự hỗ trợ của chính phủ, chi phí nhân công hợp lý, cho tới chuỗi cung ứng mạnh mẽ, chiếm khoảng 80% sản lượng pin lithium toàn cầu.
Nhờ vậy, theo JATO Dynamics, trong nửa đầu năm nay, giá xe điện trung bình tại Trung Quốc chỉ ở mức 33.000 USD, bằng một nửa so với Mỹ hay châu Âu.
"Mức giá phải chăng là yếu tố hấp dẫn bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, cho dù là thị trường mới nổi, Mỹ hay châu Âu. Loại xe có mức giá hấp dẫn sẽ có thể được bán ở bất cứ nơi đâu", ông Bill Russo, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược Automobility, cho biết.
Mức giá rẻ đã giúp xe điện Trung Quốc có lợi thế lớn ở cả trong và ngoài nước. Các hãng xe Trung Quốc hiện đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần xe điện tại các thị trường mới nổi như Israel, Nga và Thái Lan, đồng thời đẩy mạnh thâm nhập các thị trường phát triển như châu Âu.
Ngành ô tô Mỹ tìm cách giảm giá xe điện
Sức ép từ nhu cầu chững lại và sự cạnh tranh từ xe điện giá rẻ Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ không thể ngồi yên. Nhiều biện pháp giảm giá bán đã được triển khai.
Tại Mỹ, ngành ô tô, đã được chính phủ hỗ trợ phần nào, bằng các khoản trợ cấp trong Đạo luật Giảm lạm phát, giúp giảm giá bán xe điện 7.500 USD/chiếc. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất như GM và Ford... cũng đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng pin, phát triển pin giá rẻ hơn nhằm giảm chi phí.
Trong khi đó, Tesla đã phát động cuộc đua về giá, khi giảm giá xe mạnh tay tại các thị trường. Tại Trung Quốc, một số mẫu xe của hãng có mức giảm từ 6 - 11%, lớn hơn cả các hãng xe nội địa. Biện pháp này đã giúp Tesla đạt doanh số kỷ lục hồi đầu năm nay, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của hãng.
Tesla hiện được cho là đang phát triển mẫu xe giá rẻ với mức giá từ 25.000 - 27.000 USD để tăng khả năng cạnh tranh.
Ô tô điện châu Âu nhắm mục tiêu giá bán dưới 20.000 Euro
Còn tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cũng tìm cách hỗ trợ cho ngành xe điện, từ việc trợ cấp cho tới tìm cách hạn chế xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Bản thân các hãng xe cũng đang chạy đua nhằm tới một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng, dòng xe bình dân, với mục tiêu tạo ra chiếc xe ô tô chạy điện có giá bán không vượt quá 20.000 Euro, tức là khoảng 22.000 USD.
Thị trường xe hơi châu Âu trong năm 2023 bắt đầu chuyển hướng sang dòng xe ô tô chạy điện bình dân giá rẻ.
Thách thức lớn đối với các hãng xe là tạo ra chiếc xe chạy điện nhưng giá cả phải chăng, theo một bài trên tờ báo Áo Salzburger Nachrichten.
Theo bài báo, hãng Renault của Pháp đang đặt cược vào mẫu Twingo chạy điện, giá bán dự kiến chưa tới 20.000 Euro (500 triệu đồng). Ngoài giá bán thấp, hãng Renault còn cam kết mức tiêu thụ điện cực thấp, 10 kWh cho quãng đường 100 km. Theo kế hoạch, tới năm 2031, Renault sẽ đạt công suất một triệu xe loại này mỗi năm.
Thách thức của các hãng xe châu Âu là phải sản xuất được xe cạnh tranh được với xe Trung Quốc, đồng thời không lệ thuộc Trung Quốc về nguyên liệu. Theo tờ Glas Slavonije ra tại Croatia, chính vì lý do đó, hãng Renault tạo ra dòng động cơ điện công nghệ mới không sử dụng nam châm.
Bài báo mô tả: "Bằng cách sử dụng cuộn dây rotor thay cho nam châm vĩnh cửu, Renault cải thiện công suất động cơ, chủ động được nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào các quốc gia sản xuất kim loại đất hiếm và nam châm".
Theo bài báo, động cơ công nghệ mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian sạc pin do sử dụng điện áp 800 V thay vì 400 V. Dòng xe này dự kiến sẽ giao cho khách hàng từ năm 2027.
Một trong những mẫu xe ô tô điện giá rẻ được quan tâm đặc biệt trong năm nay là Citroën C3. Tuần báo Le Point cho biết hãng xe Pháp cam kết giá bán chỉ 19.990 Euro đối với một chiếc xe to, rộng mang phong cách thể thao đa dụng, mức giá thấp khó tưởng đối với một chiếc ô tô chạy điện dài 4 m cao 1,57 m.
Trong nỗ lực giảm chi phí ở mọi công đoạn, hãng xe Pháp sản xuất dòng xe này tại Slovakia, một trong những nước có chi phí nhân công thấp nhất châu Âu.
Kéo giá bán xe ô tô điện xuống dưới 20.000 Euro là một thách thức thực sự đối với các hãng xe châu Âu. 20.000 Euro (khoảng 500 triệu đồng), chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá trung bình của một chiếc xe hơi chạy điện trên thị trường châu Âu lúc này.
Tờ Kleine Zeitung hồi tháng 10 vừa qua cho biết hãng Volkswagen của Đức đã thông báo sẽ ngưng sản xuất dòng xe điện có giá thấp nhất của hãng là e-Up, vì vẫn chưa đủ rẻ để khách hàng quan tâm. Hãng xe Đức cũng đặt mục tiêu sản xuất cho được một chiếc ô tô điện cấp thấp với giá khoảng 20.000 Euro.