Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là người luôn tham gia góp ý và theo dõi tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành. Mới đây, ông Đức nói: “Trình độ cài cắm của nhiều bộ, ngành bây giờ đã đạt đến trình độ thượng thừa!”.
Trình độ “cài cắm” thượng thừa
Ông Đức dẫn chứng: “Nghị định 81/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại có thành phần hồ sơ rất đơn giản. Chỉ cần điền vào mẫu đơn, ngoài ra không phải thêm hồ sơ nào khác.
Thế nhưng đến khi đọc phụ lục các mẫu đơn mới tá hỏa: Các mẫu đơn số 01, 02 và 07 đều có thêm một dòng ghi thêm tài liệu nộp kèm mà đều là những tài liệu tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị”.
Cụ thể, tại mẫu “đăng ký thực hiện khuyến mãi” quy định phải có “tên của các thương nhân cùng thực hiện khuyến mãi, nội dung tham gia cụ thể và trách nhiệm cụ thể của từng thương nhân tham gia thực hiện trong chương trình (văn bản thỏa thuận/hợp đồng gửi kèm)...
Một doanh nghiệp (DN) hay khuyến mãi nhận định: Việc nộp hợp đồng/văn bản thỏa thuận kèm theo hồ sơ sẽ gây ra những khó khăn lớn cho DN. Bởi mỗi lần khuyến mãi, DN phải ký số lượng hợp đồng khổng lồ với các nhà phân phối.
Bình thường lâu nay thì chỉ cần làm một thông báo về thể lệ, cách thức thực hiện là xong. Nay việc ký hợp đồng/văn bản thỏa thuận sẽ cần rất nhiều thời gian để soạn thảo, ký kết và giao nhận với các nhà phân phối.
Đại diện DN này dẫn chứng: Nếu DN có 100 nhà phân phối sẽ phải làm 100 hợp đồng kèm theo hồ sơ thông báo/đăng ký khuyến mãi.
Một năm DN tổ chức khuyến mãi 10 lần sẽ phải thực hiện 10 lần ký 100 hợp đồng. Số lượng công việc, thời gian, chi phí cho hoạt động này sẽ vô cùng lớn. Chưa kể có những công ty có cả trăm ngàn nhà phân phối thì con số hợp đồng cũng tăng theo.
“Quy định này rất rất tồi. Vì nó vừa làm tăng thủ tục hành chính vừa làm tăng gánh nặng về chi phí, thời gian, công sức của DN” - vị đại diện công ty trên nhận xét.
Quy định về khuyến mãi vừa làm tăng thủ tục hành chính, vừa làm tăng gánh nặng của doanh nghiệp. Ảnh: HTD
Khuyến mãi một cây kem cũng khổ
Chưa hết, Nghị định 81/2018 quy định: Việc xác định trúng thưởng trong chương trình khuyến mãi mang tính may rủi phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng và phải được lập thành biên bản…
Đương nhiên, quy định này phải kèm theo một mẫu biên bản tổ chức xác định kết quả trúng thưởng.
Từ quy định này, VCCI đưa ra kịch bản: Giả sử một công ty khuyến mãi 10.000 que kem thì phải làm 10.000 biên bản (sic). Đại diện một DN thì phân tích theo kịch bản của Nghị định 81, nếu một cửa hàng bán lẻ kem có khuyến mãi theo hình thức: Khách hàng ăn một que kem, trúng thưởng thêm một chiếc và được trao thưởng ngay thì phải lập một biên bản cho việc trúng thưởng này.
“Quy định không nói rõ là lập một biên bản cho một lần trúng thưởng hay không nên cửa hàng bán lẻ kem có thể sẽ phải lập từng biên bản cho từng lần trúng thưởng kem; hoặc lập một biên bản dưới dạng danh sách các khách hàng trúng thưởng” - DN này nói.
Đẻ thêm 85 giấy phép con Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 của Bộ GTVT bổ sung 85 điều kiện kinh doanh mới. Trong 85 điều kiện thì có 21 điều kiện được thể hiện bằng cụm từ “theo quy định của bộ trưởng Bộ GTVT” hoặc “bộ trưởng Bộ GTVT quy định”. Mặt khác, trong số 85 điều kiện đối với kinh doanh vận tải này còn có cả những điều kiện con, điều kiện cháu. 85 điều kiện này có bao nhiêu điều kiện cần thiết? 85 điều kiện này có bảo đảm cải cách thủ tục hành chính hay không? Bà NGUYỄN MINH THẢO, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Sửa cũng như không!?
VCCI mới đây đã tổng kết pháp luật về kinh doanh trong sáu tháng đầu năm 2018. Đáng chú ý, bên cạnh những sự tiến bộ như: Nghị định 15/2018 bãi bỏ tới hơn 90% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Nghị định 87 cởi trói hoàn toàn cho ngành gas, Nghị định 109 cởi trói cho xuất khẩu gạo… thì vẫn còn đó những sự nửa vời hoặc sửa đổi chưa thực chất.
Chẳng hạn, đa số điều kiện liên quan đến nhân thân như “có năng lực hành vi dân sự” đều được các bộ, ngành kiến nghị bãi bỏ.
Thực tế thì những điều kiện này có cũng như không vì theo lẽ thông thường, DN khi tuyển dụng lao động sẽ phải chọn lựa những người đủ tuổi, bình thường về nhận thức chứ không ai lại tuyển dụng một người chưa đủ năng lực hành vi vào làm việc.
“Đặc biệt, điều kiện kèm theo của nhân thân thường là các bằng cấp chuyên môn.
Để có được những loại bằng cấp này thì đương nhiên họ phải có năng lực hành vi dân sự, do vậy dù có bãi bỏ hay không thì mức độ tạo thuận lợi cho DN cũng… không đáng kể” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét.
“Tôi sợ lắm rồi, không dám nói nữa!” Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 ngày 17-5-2017 quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần nhằm giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho DN trong quá trình hoạt động. Tuy vậy, nhiều DN cho biết họ vẫn khổ vì bị thanh tra, kiểm tra. Song trong quá trình đi tìm hiểu về những khó khăn DN gặp phải, các DN mà chúng tôi liên hệ, gặp gỡ đều xin không nêu danh tính. Bởi mỗi khi họ xuất hiện công khai nói về những cách hành xử không đúng của công chức thừa hành thì họ lại tiếp tục… bị hành. Ví dụ, hồi tháng 4-2018, tại hội nghị lấy ý kiến về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, một doanh nhân đã phát biểu thẳng thắn về việc bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần. Vị doanh nhân này nói rằng không thể chịu đựng nổi bởi chỉ trong quý I-2018, các cửa hàng của công ty đã bị kiểm tra tới gần 20 lần, ấy là chưa kể những lần kiểm tra năm 2017. Mức độ kiểm tra liên miên khiến công ty phải thành lập riêng một bộ phận ba người chỉ để tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội phải kiểm tra về vấn đề này. Hy vọng thắp lên, vị doanh nhân nghĩ tiếng nói của mình đã vang được tới Chính phủ, chắc tình hình sẽ tốt lên. Nhưng khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đã có những bắt bẻ cười ra nước mắt. Chẳng hạn, cơ quan quản lý nhà nước nói năm 2018 (mà thực chất là chỉ quý I-2018 - PV) mới kiểm tra … 18 lần. Cuối tháng 5, cơ quan quản lý cũng hoàn thành báo cáo Thủ tướng. Có lẽ nhiều người sẽ không tin rằng lại có một báo cáo như vậy. Sau khi liệt kê tổng cộng 18 lần kiểm tra, báo cáo đưa một con số đáng suy nghĩ: Qua 18 lần kiểm tra, lực lượng chức năng đã “tiêu hủy 18 kg cam không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử trên 1,9 triệu đồng” theo quy định của pháp luật (!?) Cay đắng, doanh nhân kia thừa nhận Thủ tướng nói đúng: “Trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”. Cũng kể từ đó, vị doanh nhân này không muốn tham gia góp ý , phát biểu gì về những bất cập của các quy định pháp luật. “Tôi sợ lắm rồi…” - vị doanh nhân nói. |