Những ngày qua dư luận lên tiếng về việc TP.HCM đồng ý xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến nhiều người bức xúc.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cho rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng là đúng, và cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại của TP.HCM.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch cho biết việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm là bước đi tầm xa, nhìn về tương lai.
Dàn nhạc giao hưởng của nhà hát HBSO trình diễn ở Nhà hát TP HCM. Ảnh: Trần Vương Thạch.
Theo ông Thạch, nhận định của dư luận hiện nay bị võ đoán, chưa hiểu hết vấn đề về những tồn tại, khó khăn của nghệ thuật nhạc và vũ kịch ở TP.HCM, nhu cầu về sự phát triển nghệ thuật và thị hiếu của khán giả.
Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở TP.HCM cho biết, sự phát triển của nghệ thuật giao hưởng nhạc kịch và vũ kịch của TP.HCM được hình thành từ năm 1993, nhưng đến nay không có nhà hát. Tất cả nơi hoạt động làm việc chỉ là tạm bợ nên rất thiếu thốn.
"Đội ngũ Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được giao chỗ làm việc tạm lần đầu tiên ở rạp Khải Hoàn (đường Cống Quỳnh, quận 1) để tập luyện.
Hiện nay lại được giao ở rạp Thanh Vân (đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3) để làm phòng tập cho dàn nhạc, kho nhạc, thư viện; đoàn múa thì mướn ở Thư viện khoa học tổng hợp. Riêng văn phòng lãnh đạo nhà hát giao hưởng lại nằm ở dưới tầng hầm nhà hát thành phố.
Ông Trần Vương Thạch.
Việc hoạt động nhiều chỗ, tạm bợ gây tốn chi phí vận chuyển, tổ chức khó khăn. Nhiều trường hợp nghệ sĩ vì quá chán nản đã xin nghỉ.
Ông Thạch cho hay, ngay từ đầu thành phố đã có kế hoạch đề nghị xây dựng nhà hát giao hưởng rồi chứ không phải mới đây mới đề cập.
"Với sự phát triển của nền văn hoá nghệ thuật của thành phố thì nhu cầu xây dựng nhà hát rất cần thiết bởi vì thành phố thiếu nhà hát và một số nhà hát cũ quy mô nhỏ, xuống cấp trầm trọng không sử dụng được.
Cụ thể, Nhà hát thành phố được xây dựng từ năm 1900, quy mô so với sự phát triển hiện nay là quá nhỏ. Nhà hát thành phố được trùng tu nhiều lần nhưng nhiều hội nghị, buổi biểu diễn không sử dụng được.
Nhà hát Hoà Bình khá rộng nhưng bên trong sân khấu, đèn, âm thanh, khán phòng, ghế ngồi đều hư hỏng, không sử dụng được. Còn Nhà hát Bến Thành đúng nghĩa chỉ là rạp nên không đủ tiêu chuẩn", ông Thạch thông tin.
Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch chỉ rõ, dư luận gay gắt việc xây dựng nhà hát giao hưởng là tranh luận về việc xây dựng khi nào, ở đâu? Và vấn đề nóng gây tranh cãi là là nhà hát được xây dựng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Dư luận nên hiểu việc xây dựng nhà hát và những sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm là tách biệt, không liên quan đến nhau.
Sai phạm ở Thủ Thiêm sẽ được xử lý, những thiệt hại của bà con sẽ được đền bù chính đáng. Còn trong phát triển văn hoá, xã hội của thành phố thì việc xây dựng nhà hát là bước đi tầm xa, nhìn về tương lai lâu dài", Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch lí giải.
Ông Thạch kì vọng, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch sẽ phục vụ tốt cho những chương trình vũ kịch, nhạc kịch, giao hưởng lớn đầy đủ âm thanh, ánh sáng, cảnh chiếu… Tiền sảnh sẽ là sân khấu ngoài trời,
Ngoài ra, nhà hát sẽ đáp ứng tất cả các loại hình sân khấu khác của bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, kịch, chèo…