Hai ngày trước tôi xem được một bài viết, người đăng than thở về việc một giám đốc ngân hàng nước ngoài Hồng Kông (Trung Quốc) đã chi tới tổng cộng 16 triệu tệ (khoảng 55 tỷ đồng) cho ba đứa con nhưng cả ba người con lại không cho ra được thành tích.
Cả ba người con đều được ba mẹ cho đi du học tại những ngôi trường có tiếng tại Anh, nhưng người anh cả hiện tại 34 tuổi vẫn chưa thể sống độc lập, hiện vẫn đang sống cùng ba mẹ, công việc không thuận lợi, có ý định ra nước ngoài tiếp tục học lên cao hơn. Người con thứ hai 31 tuổi đi làm mức lương không cao nhưng cũng không có ý định đổi việc, hiện tại cũng vẫn ở cùng bố mẹ. Người con thứ ba 26 tuổi, lớn lên trong sự nuông chiều, thường xuyên than vãn áp lực học tập quá lớn…
Trên thực tế, cũng không thể nói là giáo dục đó là sự lãng phí, chỉ là chúng không thể đạt được thành tựu giống như cha mẹ, vậy nhưng, nếu chúng không sa vào các thói hư tật xấu, hủy hoại vận may của gia đình thì chúng cũng là những đứa trẻ ngoan.
Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh tại Trung Quốc, Từ Thanh Quân, hậu duệ của Từ Đạt (danh tướng, khai quốc công thần thời nhà Minh) nổi tiếng là người "sở hữu khối tài sản không lồ, nhiều thê thiếp", nhưng khi nhà Minh sụp đổ, tất cả tài sản tích lũy được của gia đình họ Từ đều bị tịch thu, bản thân Từ Thanh Quân lại không có khả năng sinh tồn nên chỉ có thể cùng nhóm người hầu, ăn mày kiếm tiền bằng cách chịu bị đánh phạt thay người khác.
Trên thực tế, nền giáo dục tốt nhất, ưu tú nhất không bằng trí tuệ sinh tồn.
3 người con của vị giám đốc ngân hàng người Hồng Kông chỉ đơn giản là tài chính bỏ ra và thành quả thu được không tương xứng, chúng chẳng qua cũng chỉ là không đáp ứng được kì vọng của xã hội mà thôi.
Hãy nói về điều này từ hai khía cạnh.
Trước hết, nhìn từ góc độ kỳ vọng của xã hội, "vượt lên phía trước" đôi khi chỉ dành riêng cho những "đứa trẻ không may mắn". Cảm giác thiếu thốn, tự ti trong xương tủy sẽ thôi thúc họ không ngừng vượt lên chính mình. Họ không có đường rút lui và không có sự lựa chọn trong cuộc sống, họ chỉ có thể ép mình phải thành công.
Còn những đứa trẻ có cuộc sống quá đủ đầy, quá vững vàng, phần lớn sẽ không có tinh thần chiến đấu, không có động lực để "đạt được thành công bằng mọi giá". Câu nói yêu thích của con trai tôi là "Sao cũng được."
Hai ngày trước, khi đang đi dạo trong một trung tâm mua sắm, chúng tôi bắt gặp một hoạt động dành cho trẻ em, con trai vốn dĩ đang ở hàng ghế đầu, nhưng chưa kịp giơ tay lên đã bị bọn trẻ phía sau ép ra phía sau. Con trai tôi thấy vậy cũng lùi ra đằng sau, bởi lẽ, "sao cũng được".
Nếu đã không phải lo lắng chuyện ăn uống mặc chơi, vậy thì về chuyện học hành, chúng cũng sẽ "sao cũng được".
Con trai tôi là một cậu bé lễ phép, tốt bụng, biết điều, chỉ cần không bàn tới chuyện học tập, trong nhà sẽ không bao giờ có sự to tiếng. Trong lúc học tập, thằng bé thường xuyên ở trong trạng thái mơ màng, không tập trung, nếu bị mắng, thằng bé sẽ mỉm cười và nói với bạn: "Ba/mẹ đừng giận mà!"
Dẫu sao thì cuộc sống hiện tại cũng rất no đủ rồi, vậy thì tại sao phải nỗ lực?
Con trai tôi không phải kiểu thích cạnh tranh, chỉ cần sau này tìm được một công việc ổn định, có một cuộc sống ổn định, vậy là đủ.
Thằng bé hiện tại đã biết đi đổ rác, đi lấy bưu phẩm, bán những đồ không dùng tới, mỗi lần ra ngoài cũng biết giúp tôi xách túi, cái miệng cũng rất dẻo, có một đứa con dẻo miệng, biết giúp đỡ cha mẹ như vậy, cá nhân tôi thấy đó cũng là một cái thành công.
Nhìn từ góc độ kinh tế, các gia đình có điều kiện kinh tế bình thường, không nên đầu tư quá nhiều vào chuyện học hành của con. Cho con đi học, đọc sách, đây là điều hết sức cơ bản mà gia đình nào cũng nên có cho con. Nhưng tennis, cưỡi ngựa, piano, ballet, violin... thì không phải vậy, sự tồn tại của chúng chỉ để làm phong phú thêm trải nghiệm sống của bạn. Đối với những người thậm chí không đủ ăn, liệu họ có cần món tráng miệng?
Nếu gia đình khá giả và đủ điều kiện thì không sao, không tiêu tiền cho con cái vậy thì tiêu cho ai? Nhưng với tầng lớp trung lưu, tôi khuyên bạn nên thận trọng.
Giáo dục ưu tú là sản phẩm tiêu dùng chứ không phải sản phẩm đầu tư. Từ quan điểm kinh tế, khoản đầu tư vào giáo dục của hầu hết các gia đình hầu như không thu hồi lại được vốn chứ chưa nói đến lợi nhuận.
Quay trở lại câu chuyện của vị giám đốc ngân hàng, chính ông cũng đã thừa nhận: Việc giáo dục ôm đồm và áp kỳ vọng lên người 3 đứa trẻ của gia đình ông đã biến 3 người con của ông trở thành những đứa trẻ kém may mắn. Ông lấy tiêu chuẩn về sự thành đạt của xã hội để áp lên người chúng và buộc chúng phải phấn đấu cật lực. Kết quả là, cho tới hiện tại, 3 người con của ông vẫn quẩn quanh trong mớ bòng bong giữa kỳ vọng của những người xung quanh thay vì hiểu rõ bản thân cần gì.
Có những người học piano từ năm 3 tuổi, mỗi ngày luyện tập ít nhất 2 tiếng đồng hồ, suốt hơn 10 năm kiên trì, nhưng cũng không đạt được thành tựu ra sao.
Cây đàn piano chỉ là công cụ để họ kiếm sống, phần thưởng thu được hoàn toàn không tương xứng với thời gian và tiền bạc họ bỏ ra cho nó.
Hai ngày trước, tôi nói chuyện với một người bạn về một cô gái mà cô ấy quen, cô ấy tốt nghiệp cử nhân chương trình đào tạo chất lượng cao, sở hữu bằng thạc sĩ văn học của một trường danh tiếng ở Anh, sau khi về nước, cô ấy đi làm công việc biên tập viên, hiện đang làm nhân viên điều hành tại một địa điểm thu hút khách du lịch, cô ấy còn đảm nhiệm việc chèo thuyền và đổ rác khi vào mùa đông khách.
Hãy nói về một thực tế phũ phàng: rất nhiều những đứa trẻ được ba mẹ chi cho hàng tỷ đồng để đi du học, về nước, kiếm được công việc với mức lương tháng hàng chục triệu đã là không tồi rồi.
Có người sẽ nói rằng: học nghệ thuật và đi du học là để ra ngoài nhìn thế giới, để mở rộng tầm nhìn chứ không phải để kiếm tiền.
Không có gì là sai cả. Chỉ cần cả ba mẹ và con cái đều có những quan điểm đúng đắn, biết đủ, bỏ tiền ra cho con nhưng mục đích chỉ đơn giản là muốn con được vui vẻ thay vì trở thành ông nọ bà kia.
Tôi thường xuyên đưa con đi tham gia vào các hoạt động ở nông thôn, luôn muốn con tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, tất cả những gì tôi muốn là con được vui vẻ.
Đừng coi giáo dục như một khoản đầu tư, hãy coi nó như sự tận hưởng. Bạn sẽ không mua những chiếc váy mà mình thấy không đẹp, vậy thì cũng đừng đăng kí những lớp học mà con không thích, giáo dục cũng giống như các tiêu dùng khác, tiền tiêu đi rồi chưa chắc đã nhận lại được thành quả.
Nếu thu nhập của bạn chỉ ở tầm trung, và bạn phải vét hết tiền tiết kiệm để cho con đi học trường quốc tế hay nước ngoài, nhận được nền giáo dục tốt nhất, chỉ để nở mày nở mặt hay đổi vận, vậy thì tôi khuyên bạn nên dừng lại. Cuộc sống mà con bạn đang tận hưởng bây giờ có thể là đỉnh cao của cuộc đời chúng.
Bất cứ khi nào xung quanh có bạn bè lo lắng về chuyện học hành của con cái, tôi đều khuyên họ nên bình tĩnh và cởi mở hơn.
Chỉ cần đứa trẻ lớn lên trong môi trường được yêu thương nhưng không nuông chiều, không có thói hư tật xấu, cảm xúc ổn định, nội tâm điềm tĩnh, vậy thì dù lựa chọn cuộc sống ra sao, cuộc đời của chúng cũng sẽ không đến nỗi quá tệ.