Tháng trước, một người bạn buồn bã nói với tôi rằng anh ấy bị phá sản. Vì đầu tư thất bại, tài sản mà anh ấy dày công làm việc suốt nửa đời người đều bị mất đi. Hiện tại, anh thậm chí còn không thể trả tiền học phí cho con mình. Tôi tự hỏi liệu bạn có nhận thấy rằng các gia đình trung lưu xung quanh bạn đang dần biến mất hay không?
Cuộc sống của họ tưởng chừng như tươi sáng nhưng thực ra lại đầy rẫy nguy cơ mà nếu không cẩn thận sẽ quay về vạch xuất phát.
Một blogger cho hay: "Trong hai năm qua, tầng lớp trung lưu thông minh đã bắt đầu giảm mức tiêu dùng, chủ động thoát nghèo, mua nhà nhỏ hơn, lái ô tô với mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn, chuyển tài sản thành dòng tiền và sau đó đầu tư tiền vào chăm sóc y tế và giáo dục, bảo hiểm và các lĩnh vực chống rủi ro khác."
Đối mặt với tình thế khó khăn hiện tại, việc chủ động hạ thấp các chi tiêu trong cuộc sống của mình chính là con đường để bứt phá.
01
Giảm bớt chi tiêu cho giáo dục
Có người cho rằng, việc giáo dục của các cha mẹ tầng lớp trung lưu dựa vào hai từ: một là "đập" và hai là "thi". Việc "đập tiền" cho các lớp luyện thi dường như đã trở nên bình thường hóa.
Tham gia nhiều kỳ thi piano, cờ vua, thư pháp và hội họa, đăng kí cho con bất cứ lớp năng khiếu nào có thể.
Các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng nhận thức được rằng đầu tư vào giáo dục cho con cái giống như một khoản đầu tư có rủi ro cao.
Tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng có thể cuối cùng lại nuôi dạy nên một đứa trẻ tầm thường.
Cách đây một thời gian, cư dân mạng có tên Hà đã chuyển con trai mình từ trường tư sang trường công gần nhà. Trước đây, anh sợ con trai thua ngay từ vạch xuất phát nên đã bỏ tiền ra để tạo mối quan hệ và cho con theo học trường tư.
Vào cuối tuần, anh cũng đưa con trai đến lớp học năng khiếu để học Olympic Toán và Cờ vây. Kết quả là điểm số của con trai không những không tăng như mong đợi mà còn tụt dốc.
Bỗng nhiên năm ngoái, anh Hà bất ngờ nhận được thông báo sa thải. Sau một thời gian dài thảo luận, hai vợ chồng quyết định chuyển con trai đến một trường công lập ngay gần nhà. Nhưng trước sự bất ngờ của anh, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình trở nên thân thiết hơn, điểm số của cậu con trai cũng tiến bộ hơn trước rất nhiều.
Rất nhiều khi, những bậc cha mẹ luôn trong trạng thái lo lắng và nền giáo dục vị lợi, so sánh có thể sẽ nuôi dạy nên một đứa trẻ rỗng tuếch. Cha mẹ kiệt sức vì đủ các thứ tiền, còn con cái thì bị tra tấn bởi điểm số.
Các bậc cha mẹ thông minh sớm đã quyết định đầu tư vừa phải cho giáo dục. Cắt giảm các lớp học năng khiếu không cần thiết và giảm chi tiêu cho giáo dục.
Nếu bạn muốn nuôi dạy những đứa trẻ thực sự xuất sắc, tôi khuyên bạn:
1. Đầu tư cho giáo dục phải có giới hạn và không vượt quá 35% tổng thu nhập của gia đình.
2. Học cách cộng và trừ cho việc học tập của trẻ em, trừ các lớp năng khiếu tốn tiền và thời gian, đồng thời bổ sung các tài nguyên giáo dục trực tuyến miễn phí.
3. Đưa con ra khỏi lớp học và đi dạo giữa thiên nhiên, quan sát và lắng nghe từ chính những hoạt động thường ngày.
02
Giảm mức tiêu dùng
Anh Minh có một người bạn làm việc trong một công ty thương mại và kiếm được rất nhiều tiền. Anh ấy cũng thường tiêu rất nhiều tiền và thích mua những món đồ xa xỉ. Chanel và LV mà người khác không dám nhìn tới lần thứ hai, trong nhà anh có hàng dãy các loại khác nhau; ngay cả bật lửa anh dùng cũng đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên sau đó, công ty hoạt động không tốt và lương của người bạn bị giảm sút đáng kể.
Tuy nhiên, anh ấy vẫn tiếp tục chi tiêu xa xỉ như thường lệ và không có ý định hạn chế tiêu dùng. Chỉ trong vòng một năm, người bạn nợ ngân hàng một số tiền khá lớn và bị ngân hàng khởi kiện. Cuối cùng, không chỉ mất việc mà vợ anh cũng muốn ly hôn, gia đình hạnh phúc vốn dĩ trong phút chốc tan vỡ.
Người ta nói rằng phẩm giá của người lớn được trao bằng tiền.
Nhưng khi không có tiền, thắt chặt chi tiêu không có gì là đáng xấu hổ, đáng xấu hổ là bạn vẫn luôn mang trên mình chiếc mặt nạ mang tên "sĩ diện".
Học cách giảm mức tiêu dùng, không tiêu số tiền không nên chi và tiết kiệm những gì có thể.
Trong một thế giới không chắc chắn, việc giảm ham muốn tiêu dùng và bảo vệ ví tiền của mình là những cách chắc chắn nhất để đối phó với mọi rủi ro.
1. Phát triển thói quen ghi chép tài khoản, ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày của bạn và xem xét chúng hàng tuần để xem khoản nào nên chi và khoản nào không nên chi.
2. Hãy tự hỏi bản thân ba câu hỏi trước khi mua thứ gì đó: Tôi có thực sự cần nó không? Xác suất tôi sẽ sử dụng nó là bao nhiêu? Có thứ gì tôi đã có có thể thay thế nó không?
3. Sau khi nhận được tiền lương, hãy tiết kiệm 1/3 thu nhập của bạn và cố định số tiền tiêu dùng hàng tháng.
03
Giảm kì vọng về công việc
Tôi từng nghe một câu chuyện từ một cư dân mạng: Anh ấy năm nay 41 tuổi, là giám đốc bộ phận của một công ty Fortune 500 với thu nhập hàng năm hàng trăm triệu. Sau nửa năm thất nghiệp, anh chọn đầu quân cho một công ty nhỏ với mức lương chỉ bằng một nửa trước đây.
Lúc đầu, anh nghĩ rằng dựa vào sơ yếu lý lịch của mình, anh sẽ sớm tìm được một công việc với mức lương tương đương như trước.
Nửa năm sau, chỉ có một số công ty nhỏ mời anh. Và tất cả hàng chục CV mà anh ấy gửi đều chẳng có kết quả. Anh lo lắng đến mức tóc rụng rất nhiều nhưng anh không muốn cứ như vậy chấp nhận số phận.
Trong thời gian đó, anh ấy sống trong lo lắng, anh ấy sẽ mở máy tính và làm mới trang mỗi ngày ngay khi thức dậy, và nộp sơ yếu lý lịch ngay khi nhìn thấy một công ty.
Sau này, dưới sự thuyết phục của gia đình, anh gia nhập một công ty nhỏ. Tuy không bằng công việc trước nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình.
Trong thế giới của những người trung niên, điều cần thiết nhất chúng ta có thể làm là hạ thấp kỳ vọng của mình, sinh tồn trước rồi mới nói về tương lai.
Giống như một nhà giáo dục đã nói: "Khi một người đối mặt với vấn đề sinh tồn, trước hết anh ta phải sống sót. Chỉ cần công việc đó không làm hoen ố nhân cách của bạn và có thể mang lại thu nhập cho bạn thì hãy cứ làm trước đã."
Trong vài năm tới, sự không chắc chắn về việc làm vẫn sẽ rất lớn. Bạn cần tuân theo ba quy tắc:
1. Dưới tiền đề là không quá ảnh hưởng tới công việc chính, hãy tạo đường cong nghề nghiệp thứ hai để mở rộng việc làm của bạn.
2. Đánh bóng kỹ năng của bạn lên đỉnh ngành. Chỉ khi có khả năng cạnh tranh không thể thay thế, bạn mới có thể có được công việc ổn định.
3. Giữ tâm lý số 0 khi tìm việc, hãy quên đi những thành tích, hào quang trong quá khứ, sinh tồn trước đã rồi hãy chờ đợi cơ hội.
▽
Rothschild từng nói:
Cần phải vô cùng can đảm và đủ thận trọng để tạo ra khối tài sản khổng lồ, nhưng để giữ được khối tài sản khổng lồ này, bạn cần phải bỏ ra gấp 10 lần trí tuệ khi tạo ra của cải đó.
Trong thời đại bất ổn này, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu rất nhiều khi chỉ cách hai chữ "phá sản" một bước.
Hãy chủ động làm phép trừ cho cuộc sống của bạn kể từ hôm nay. Mỗi lần bạn cúi đầu là một lần lấy đà để tiến về phía trước nhanh hơn.