Hôm nay, ông Patrick Chung – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (thuộc tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) xác nhận, người dân phản ứng mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy giấy là có.
Ông Patrick Chung – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam
“Sự cố về mùi hôi vừa qua là do nhà máy sản xuất bao bì từ các nguyên liệu giấy tái chế. Khi tái chế giấy sẽ có 2 loại giấy khác nhau là sợi giấy dài và ngắn.
Trong đó, giấy dài là giấy đủ tiêu chuẩn sản xuất các sản phẩm bao bì có chất lượng cao, còn giấy ngắn dùng sản xuất bao bì chất lượng thấp hơn.
Khi dây chuyền đang sản xuất giấy phẩm chất cao thì giấy sợi ngắn phải để sang một bên, lúc cần mới dùng.
Giấy này thường ướt, trong ngành công nghiệp gọi là bả giấy.
Khi giấy ướt, để bên ngoài, chờ tái sử dụng lại gặp nắng ngắt đột ngột trong nhiều ngày nên lúc bới ra để vận chuyển đi sử dụng đã bốc mùi và phát tán”, ông Patrick Chung lý giải và khẳng định, mùi hôi này hoàn toàn không gây hại nhưng làm cho người dân xung quanh khó chịu nên đã cho nhân viên dọn sạch toàn bộ, đến thứ 6 tuần rồi đã không còn mùi hôi.
Nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang thời gian qua khiến người dân rất bức xúc vì để xảy ra sự cố về mùi hôi, bụi... |
Khi báo chí nêu, đến ngày thứ 2 vừa qua, người dân xung quanh nhà máy giấy phản ánh mùi hôi vẫn còn. Ông giám đốc nói, không muốn đặt mình vào thế tranh cãi về việc này.
Tuy nhiên, ông lại cho rằng, nhà máy giấy đã nhận được rất nhiều thông tin phê phán không đúng từ người dân.
“Tôi khẳng định là thứ 2 tuần rồi đã không còn mùi hôi thối, nhưng các bạn thấy đó, họ cho rằng nước thải của chúng tôi làm tổn hại đến nguồn nước trên sông nhưng thực tế hoàn toàn không có”, ông Patrick Chung nói và cho biết, có thể mọi người có thành kiến với nhà máy giấy Lee&Man.
Ông Patrick Chung cho biết thêm, nhà máy có gần 1.000 cán bộ, nhân viên và đa số là người dân tại địa phương. Nhà máy cũng sử dụng nước từ sông Hậu cho việc sinh hoạt hàng ngày bình thường như người dân xung quanh.
Nhà máy có 3 hệ thống quan trắc tự động về nước thải, chất khí thải và kết nối trực tiếp vào hệ thống quản lý của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang. Đến nay vẫn chưa nhận được kết quả bất thường nào về môi trường.
“Bên trong nhà máy giấy đang xây dựng khu ký túc xá cho toàn bộ nhân viên sinh sống. Tôi muốn nhấn mạnh, chúng tôi chỉ sống ở đây khi an toàn.
Tôi muốn mọi người nên nhìn rộng hơn như hiện nay trong nhà máy có rất nhiều người dân địa phương đang làm việc.
Ngoài chuyện làm việc tại đây, họ cũng gửi con cháu mình tham gia các khoá học do nhà máy tài trợ...”, ông Patrick Chung cho biết.
Nước thải từ nhà máy sau khi xử lý được xả ra sông Hậu |
“Tôi muốn nói thêm, trên thực tế chúng nhận được rất nhiều đánh giá thiên kiến, cũng như lời than phiền không đúng thực tế.
Chúng tôi tự hào là nhà máy có thống thiết bị xử lý môi trường tốt nhất trong ngành giấy ở Việt Nam...”, vẫn lời Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam.
Nói về việc vào tháng 11/2016, tại Hà Nội, ông Patrick Chung hùng hồn tuyên bố, nhà máy đang sử dụng hệ thống xử lý nước thải “hiện đại bậc nhất và tuyệt đối an toàn với môi trường".
Tuy nhiên, sau đó người dân liên tục phản ánh mùi hôi, bụi… do nhà máy gây ra. Ông Chung khẳng định, đến thời điểm này ông vẫn cho rằng phát biểu của mình vào năm ngoái là đúng.
“Những sự cố vừa qua đơn giản là khi nhà máy vận hành thử có vấn đề gì mà người dân cho rằng ảnh hưởng đến họ thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư xử lý", ông Chung biện minh.