Chủ tịch Interpol nghi mất tích tại Trung Quốc là mục tiêu lớn trong chiến dịch "đả hổ"?

Hồng Anh |

Vụ mất tích bí ẩn của Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ khiến dư luận thế giới xôn xao, nhưng đến nay chính quyền và truyền thông Trung Quốc vẫn không hé nửa lời.

Vụ mất tích bí ẩn

Cảnh sát Pháp đang tiến hành điều tra vụ việc ông Mạnh Hoành Vĩ, Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), đột ngột mất tích bí ẩn.

Thông tin trình báo từ phía gia đình cho biết ông Mạnh đã bặt tin hơn 10 ngày, và hiện nay lực lượng điều tra đang nghi ngờ ông này mất tích tại Trung Quốc.

Theo thông tin ban đầu của Bộ Nội Vụ Pháp, vợ ông Mạnh đã liên hệ tới sở cảnh sát thành phố Lyon, Pháp, sau hơn 1 tuần không nhận được bất cứ thông tin nào từ chồng, và hơn nữa bà này còn nhận được nhiều lời đe dọa trên mạng xã hội.

Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết, các nhà điều tra đã tạm đưa ra giả định rằng ông Mạnh đã 'gây thù' với một số quan chức Trung Quốc nên đã bị giam giữ trong thời gian qua.

Cảnh sát Pháp cho biết họ đang rất "bối rối", đồng thời nhận định đây là vụ việc rất "đáng lo ngại".

Chủ tịch Interpol nghi mất tích tại Trung Quốc là mục tiêu lớn trong chiến dịch đả hổ? - Ảnh 1.

Ông Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: Sputnik.

Theo Reuters, cho đến ngày hôm nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ thông cáo chính thức nào liên quan đến vụ mất tích của ông Mạnh, và các kênh truyền thông chính thức cũng không hề nhắc đến tên ông.

Bên cạnh đó, Bộ Công an Trung Quốc cũng giữ im lặng trong khi dư luận quốc tế xôn xao bàn tán về vụ việc này.

Reuters cho biết, trong những năm gần đây cũng có những vụ việc tương tự xảy ra đối với một số quan chức cấp cao của Trung Quốc, và mãi đến vài tuần, hoặc thậm chí là vài tháng sau, chính phủ nước này mới đưa ra thông báo về việc các quan chức đang bị thẩm vấn.

Thông thường những trường hợp trên đều thuộc diện bị nghi ngờ có liên quan đến tham nhũng.

Hiện chưa rõ vì sao ông Mạnh, người vừa giữ chức Chủ tịch Interpol 2 năm trước, lại trở về Trung Quốc hồi tháng 9.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) trích dẫn một nguồn giấu tên phỏng đoán rằng ông Mạnh đã bị tạm giữ ngay khi máy bay vừa hạ cánh tại Trung Quốc, và hiện đang bị cảnh sát thẩm vấn. Tuy nhiên người này không nêu rõ lí do ông Mạnh bị bắt giữ.

Theo New York Times (NYT), nhiều nghi vấn vẫn đang tiếp tục được đặt ra xung quanh vụ mất tích của Chủ tịch Interpol.

Deng Yuwen, trước đây từng là biên tập viên của một tạp chí thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết: "Nếu ông Mạnh Hoành Vĩ mất tích ở Trung Quốc, thì khả năng lớn nhất là ông ấy đang bị điều tra tham nhũng".

"Trên trường quốc tế, ông ấy là Chủ tịch Interpol, nhưng đối với các quan chức Trung Quốc thì trước hết ông ấy vẫn là một người mang quốc tịch Trung Quốc. Do đó họ sẽ không quan tâm quá nhiều đến danh tiếng quốc tế của ông ấy", nhà báo Deng nhận định.

Trước đó, theo NYT, chính quyền Bắc Kinh đã phát đi thông điệp cứng rắn đến các công dân Trung Quốc, rằng họ không thể coi danh tiếng quốc tế là bùa hộ mệnh.

Đặc biệt, hai ngày trước khi thông tin ông Mạnh mất tích được công bố rộng rãi, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã đưa tin về việc nữ diễn viên nổi tiếng Phạm Băng Băng, người cũng từng 'mất tích bí ẩn' suốt gần 2 tháng trời, cuối cùng đã chịu hợp tác với các cơ quan thuế của nhà nước và chịu mức phạt gần 70 triệu vì trốn thuế.

Đặc biệt, nữ diễn viên họ Phạm cũng là gương mặt nổi tiếng trên trường quốc tế, bởi cô từng xuất hiện trong một số bộ phim Hollywood khá đình đám.

Chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc

Theo NYT, kể từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên năm quyền vào năm 2012, chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào đối tượng các quan chức từ cấp cao tới cấp địa phương đã được đẩy mạnh hơn nhiều.

Năm nay, một cơ quan điều tra chống tham nhũng đã được thành lập. Với quyền lực sâu rộng, cơ quan này được phép bí mật bắt giữ các quan chức bị nghi ngờ có hành động sai phạm.

Các quan chức Trung Quốc thuộc diện điều tra thường 'mất tích' vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi chính phủ đưa ra thông cáo chính thức.

Nếu quả thực ông Mạnh bị cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc bắt giữ, thì điều đó cho thấy chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của chính phủ Bắc Kinh đang được tiếp tục tiến hành.

Năm 2013, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh đã bị bắt giữ để thẩm vấn, và sau đó bị kết án 15 năm tù vì tội nhận hối lộ.

Tháng trước, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã tuyên bố đang điều tra ông Bạch Khắc Lực, vị quan chức hiếm hoi của Trung Quốc có xuất thân từ tộc người Duy Ngô Nhĩ. Ông Bạch hiện giữ chức vụ cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia, trước đây là tỉnh trưởng Tân Cương.

Chủ tịch Interpol nghi mất tích tại Trung Quốc là mục tiêu lớn trong chiến dịch đả hổ? - Ảnh 4.

Từ trái qua phải: Ông Tôn Chính Tài, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang - những con "hổ" nổi bật trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của chính quyền Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Ông Andrew Wedeman, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Bang Georgia chuyên nghiên cứu về vấn đề tham nhũng của Trung Quốc, cho biết chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập có vẻ đã hạ nhiệt kể từ sau khi đạt đỉnh vào năm 2015, và hiện nay chính quyền Bắc Kinh đang tập trung hơn vào nhiệm vụ "đả hổ" - tức các quan chức cấp cao của nước này.

"Theo tính toán của tôi, thì năm nay họ đã khiến 17 quan chức cấp cao "ngã ngựa", và ông Mạnh có thể sẽ là người thứ 18", ông Wedeman cho biết.

Ông Mạnh đang giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc khi nhận chiếc ghế Chủ tịch Interpol.

Khi ông Mạnh được lựa chọn vào vị trí ấy, các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã hết lời khen ngợi và thể hiện sự tự hào về ông.

Tuy nhiên, hồi tháng 4 vừa qua, bộ này lại thông báo rằng ông Mạnh đã không còn là thành viên đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc.

Thông tin trên đã khiến các trang tin Trung Quốc hải ngoại liên tục đồn đoán rằng có thể ông Mạnh đã gặp rắc rối với chính phủ Trung Quốc.

Trước những đồn đoán ấy, truyền thông Trung Quốc không hề đăng tải bất cứ cáo buộc nào đối với ông Mạnh, và tháng 8 vừa qua, vị Chủ tịch Interpol vẫn đón các đoàn quan chức Bắc Kinh như thường lệ.

Reuters dẫn lời ông Roderic Broadhurst, giáo sư tội phạm học tại trường Đại học Quốc gia Australia, cho rằng đây là vụ việc rất "kì lạ". 

Ông Broadhurst dự đoán sự mất tích của Chủ tịch Interpol sẽ gây hoang mang đối với những tổ chức quốc tế đang hợp tác với Trung Quốc, đồng thời gây ảnh hưởng đến những nỗ lực phát triển hợp tác trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý của nước này với các quốc gia khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại