1/4 người trưởng thành mang bệnh
GS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, theo thống kê tại Việt Nam có 25,1 % dân số tuổi từ 25 trở lên bị bệnh lý cao huyết áp. Điều này tương đương với tỷ lệ cứ 4 người trưởng thành có 1 người cao huyết áp.
Đặc biệt, GS Tuấn đưa ra con số đáng bàn đó là, theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai 3 năm trước bệnh nhân trưởng thành tới khám bị bệnh lý tăng huyết áp còn lên tới trên 40 %.
"Rõ ràng cao huyết áp đang gia tăng nhanh dù ta có tuyên truyền, có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tăng huyết áp nhưng bệnh vẫn tăng lên" – GS Tuấn nhấn mạnh.
GS Nguyễn Quang Tuấn thăm khám cho bệnh nhân
Tăng huyết áp ảnh hưởng tới cả cộng đồng chứ không riêng gì sức khoẻ người mang bệnh lý này, bởi những khoản chi tiêu cho y tế như tiêu tốn tiền điều trị, biến chứng.
Đặc biệt, nhiều người còn chủ quan với bệnh cao huyết áp, GS Tuấn gặp nhiều bệnh nhân khi phát hiện ra thì huyết áp lúc đo đã lên đến trên 200.
Bệnh tăng huyết áp được xem là kẻ giết người thầm lặng vì không có triệu chứng gì. Chính vì không có triệu chứng người bệnh mới chủ quan không thăm khám, sàng lọc chỉ đến khi có biến chứng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận mới biết do huyết áp cao gây ra.
Thực tế thì tăng huyết áp không phải bệnh lý diễn ra 1 ngày mà bệnh âm thầm từ nhiều năm trước, nhưng người mang bệnh không biết và nó trở thành nỗi ám ảnh mang tên "giết người thầm lặng".
Hãy thay đổi thói quen sống từ hôm nay
Để phòng bệnh lý tăng huyết áp, GS Tuấn cho biết, chỉ có cách đưa ra các biện pháp can thiệp lối sống ngay từ hôm nay.
Phòng ngừa tăng huyết áp tiên phát để không bị bệnh, còn khi bị bệnh rồi bệnh nhân nên phòng thứ phát tránh biến chứng. Khi có bệnh, bệnh nhân có thể dùng thuốc nhưng thuốc tốt vẫn có tác dụng phụ, nên chúng ta cần phòng tiên phát không chỉ riêng bệnh lý này mà cả các bệnh không lây nhiễm khác.
Tăng huyết áp gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận
Các yếu tố gây tăng huyết áp
Thứ nhất: Tuổi tác người dân ngày càng cao hơn, người bệnh cao tuổi nhiều. Thực tế, người Việt tuổi thọ cao nhưng thời gian sống khoẻ thấp. Người lớn tuổi đều mang 6 – 8 bệnh, trong đó có bệnh tăng huyết áp.
Thứ hai trong sinh hoạt. Ngày càng nhiều người có thói quen lười vận động. Nếu trước đây mọi người đi xe đạp, đi bộ còn giờ xe máy, ô tô vận động ít và các hoạt động thể lực cũng ít đi.
Thứ ba: Thừa cân béo phì, trước kia ai bụng to đều cho là có tướng làm quan còn. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như ai cùng bụng to ra và đây là biểu hiện của rối loạn chuyển hoá. Đây là một trong các yếu tố gây ra tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, tăng đường máu, tăng mỡ máu
Thứ tư hút thuốc lá: Dù nước ta có tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhưng thực sự ở Việt Nam người hút thuốc lá còn cao, đặc biệt người trẻ. Hiện nay, nhiều phụ nữ cũng theo xu hướng hút thuốc.
Thứ năm - Bia rượu. Xét về yếu tố này, Việt Nam là "thủ khoa" bia rượu của khu vực. Uống bia rượu giãn mạch và ảnh hưởng đến huyết áp, lâu ngày gây nên tăng huyết áp.
Thứ sáu - Stress. Cuộc sống quá nhanh, quá gấp gáp khiến con người stress. 30 năm trước cuộc sống chậm, không được ăn ngon, mặc đẹp nhưng ít stress còn giờ thì ngược lại và nó gây ra tăng huyết áp.
Dấu hiệu tăng huyết áp:
GS Tuấn cho biết khi có các biểu hiện chóng mặt, nhức cũng có thể là dấu hiệu cần kiểm tra huyết áp.
Khi đo huyết áp không phải đo 1 lần huyết áp cao đã là bệnh lý tăng huyết áp mà phải đo nhiều lần. Mỗi ngày nên đo 2 lần ở hai thời điểm khác nhau đều thấy cao thì mới là tăng huyết áp.
Huyết áp sẽ thay đổi nếu trong người cảm giác lo lắng hay vừa vận động cần nghỉ ngơi để đưa huyết áp về huyết áp sinh lý bởi huyết áp sẽ tăng lên nếu có các yếu tố tâm lý, thời tiết, dông bão….
Ngoài ra, GS Tuấn cũng cho biết khi có các triệu chứng khác thì đã xuất hiện biến chứng cho tăng huyết áp cụ thể như:
- Não và mắt: đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, cơn thiếu máu não thoáng qua, thiếu hụt về thần kinh cảm giác hoặc vận động, đột quỵ, tái tạo động mạch cảnh.
- Tim: đau ngực, khó thở, phù mắt cá chân, nhồi máu cơ tim, tái tạo động mạch vành, ngất, tiền sử hồi hộp, rối loạn nhịp, đặc biệt là rung nhĩ.
- Thận: khát, đái nhiều, đái đêm, đái máu.
- Động mạch ngoại biên: lạnh chi, cơn đau cách hồi, khoảng cách đi được mà không bị đau, tái tạo động mạch ngoại biên.
- Tiền sử ngủ ngáy/bệnh phổi mạn tính, ngừng thở khi ngủ.
- Rối loạn nhận thức.
- Đặc biệt, xuất hiện triệu chứng cao huyết áp đe doạ tính mạng: Đau đầu, tê nửa người, đau ngực, buồn nôn, bắt buộc phải cấp cứu đó là tình trạng cấp cứu nội khoa khẩn cấp cần vào viện để được cấp cứu chứ không phải đi khám. Nếu huyết áp an toàn họ sẽ làm xét nghiệm để chẩn đoán biến chứng thay vì người bệnh đi tới các phòng khám kiểm tra.
Điều trị tăng huyết áp các chuyên gia đưa ra chỉ số huyết áp mục tiêu cụ thể với người từ 60 tuổi trở lên: < 150/90 mmHg, người dưới 60 tuổi: < 140/90 mmHg, người có bệnh đái tháo đường và/hoặc bệnh thận mạn với bất kỳ tuổi tác: < 140/90 mmHg.
Xem thêm:
Bài thuốc quý chữa bệnh cao huyết áp, mỡ máu kỳ diệu chỉ từ 2 nguyên liệu có sẵn trong bếp