Chưa được đánh giá
Khi sàng lọc phải đòi hỏi các tiêu chí không cho kết quả âm tính giả quá cao (bỏ sót dấu hiệu ung thư), không dương tính giả cao, phải xác định độ nhạy và độ đặc hiệu.
Khi thực hiện các biện pháp sàng lọc phải được thực hiện trên quy mô lớn vì thế chi phí không được quá cao, sàng lọc phải đảm bảo được giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư đó xuống.
Trong khi đó, hiện nay, vai trò chủ yếu của PET/CT là đánh giá giai đoạn ung thư hay mức độ lan tràn của bệnh, đặc biệt là đánh giá di căn, trên bệnh nhân đã có chẩn đoán mô bệnh học là ung thư.
Trên đối tượng chưa có chẩn đoán mô bệnh học ung thư, giá trị của PET/CT rất thấp. PET/CT cũng được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát, tiến triển sau kết thúc điều trị.
Ngay cả với các vai trò này, thì giá trị chẩn đoán của PET/CT cũng không phải là 100%, nghĩa là PET/CT có thể rất nhạy trong phát hiện các tổn thương, nhưng mức độ đặc hiệu chỉ tương đối, nhiều trường hợp vẫn cần phải sinh thiết tổn thương để khẳng định chẩn đoán.
Theo PGS Thuấn để sàng lọc ung thư dựa trên các tiêu chí của sàng lọc thì PET/CT không phù hợp là một phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư.
Trên thực tế cũng chưa có bất kì khuyến cáo nào liên quan đến sử dụng PET/CT trong sàng lọc ung thư của các cơ quan, tổ chức, cơ sở có uy tín trên thế giới về khám, chữa, nghiên cứu phòng chống ung thư, ngay cả ở các nước giàu có như Mỹ, Pháp, Nhật.
Mặt khác, theo PGS Thuấn, mỗi loại bệnh ung thư thường có các xét nghiệm sàng lọc riêng theo các tiêu chí và phải được lặp lại sau 1 khoảng thời gian xác định dựa vào lịch sử phát triển tự nhiên của bệnh ung thư đó vì nguy cơ tiềm ẩn ung thư có thể xuất hiện trong suốt cuộc đời mỗi người, ở nhiều thời điểm khác nhau.
Trong khi PET/CT là xét nghiệm khá đắt tiền, khó thực hiện, không thể thực hiện đại trà và không nằm trong khuyến cáo sàng lọc của bất kì loại ung thư nào.
Chỉ sắp xếp giai đoạn, phát hiện tái phát
Theo giới thiệu của GS.TSKH. Phan Sỹ An - Chủ tịch Hội Vật lý Y học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, từ những năm 1980, PET bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng.
Nhưng mãi đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước (sau 1997) nhờ sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ nhất là trong lĩnh vực chế tạo các đầu dò (detector) nhạy gồm các tinh thể BGO (Bismuth Germanat Oxy) hay LSO (Litetium Oxyorthosilicate) và trong sản xuất các dược chất phóng xạ mới với các hợp chất hữu cơ khác nhau, tiếp theo là sự ra đời của tổ hợp PET/CT gắn máy PET với CTscanner, kỹ thuật này mới tạo ra bước đột phá trong chẩn đoán bệnh và nghiên cứu khoa học.
Hình ảnh được chụp từ PET/CT
Từ đó, PET/CT đã giúp khắc phục một số khó khăn, hạn chế của SPECT trong tim mạch học, mở ra một triển vọng mới cho chuyên ngành thần kinh, tâm thần, đặc biệt đã mang lại lợi ích rất lớn trong ung thư lâm sàng và nghiên cứu sinh bệnh học ung thư.
Sở dĩ đạt được hiệu quả như vậy vì hình ảnh PET/CT với các dược chất phóng xạ thích hợp cung cấp các thông tin về hấp thu, vận chuyển và chuyển hóa của các phân tử sinh học như các acid amin, protein, gen, các tế bào, mô và phủ tạng.
Nhờ đó, từ hình ảnh PET/CT có thể nắm bắt được các thông tin về chức năng liên quan đến sinh bệnh học của phân tử, tế bào và mô ung thư cũng như cơ chế tác dụng của các tác nhân điều trị…
Cho đến nay, ứng dụng của PET/CT trong ung thư học khá rộng rãi kể cả trong lâm sàng cũng như nghiên cứu sinh bệnh học ung thư.
Kỹ thuật PET/CT ra đời đã mang lại những lợi ích rất to lớn bởi vì hình ảnh của PET/CT giúp xác định sớm tính chất, đặc điểm của khối u và di căn của nó, cung cấp thông tin chính xác để sắp xếp giai đoạn bệnh, phát hiện sớm tái phát bệnh sau điều trị, đánh giá đáp ứng điều trị và lựa chọn phương thức hoặc phác đồ điều trị thích hợp.
Đặc biệt có thể dùng hình ảnh PET/CT trong mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, nhất là trong kỹ thuật xạ trị điều biến liều.
Từ năm 2009, PET/CT đã phát triển ở Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta, số lượng máy PET/CT và các máy gia tốc vòng (cyclotron) để sản xuất các đồng vị phóng xạ dược chất phóng xạ cho các máy PET đang có xu hướng ngày càng tăng.