Giảm cả chục nghìn tỷ tiền điện hỗ trợ khách hàng, lãi ròng của EVN vẫn tăng gấp rưỡi năm 2019

Đông A |

Lợi nhuận ròng của EVN tăng 49% so với năm 2019, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 13,5%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, qua đó ghi nhận doanh thu thuần 403.283 tỷ đồng, tăng 2%.

Lợi nhuận gộp 54.558 tỷ đồng với tỷ suất 13,5%, cải thiện so với mức 12,9% năm 2019. Cơ cấu chi phí không có nhiều thay đổi, lợi nhuận thuần của EVN 15.077 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 14.480 tỷ đồng, tăng 49%.

Kể từ năm 2012, lợi nhuận của EVN liên tục tăng trưởng. Biên lợi nhuận ròng năm ngoái tăng vọt lên 3,6%, so với năm 2019 chỉ 2,5%.

Giảm cả chục nghìn tỷ tiền điện hỗ trợ khách hàng, lãi ròng của EVN vẫn tăng gấp rưỡi năm 2019 - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2020, công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng gần 14.000 MW so với năm 2019.

Tăng trưởng này phần lớn đến từ việc lắp đặt điện tái tạo, cụ thể là các dự án điện mặt trời. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh, lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019.

Năm 2020, công tác vận hành hệ thống điện có nhiều biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phụ tải điện tăng trưởng thấp.

Bên cạnh đó, thủy văn diễn biến bất thường, khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng "thừa nguồn" trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, EVN cho biết đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Tại thời điểm kết thúc năm 2020, nợ phải trả trên vốn chủ của EVN hơn 2 lần, tỷ lệ này đang giảm dần nhờ doanh thu tăng trưởng mạnh và dòng tiền dương thu về trong những năm qua.

Trong một báo cáo phân tích của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) phát hành tháng 9/2020, tổ chức này nhận định EVN đang bước sang một giai đoạn với rủi ro tài chính gia tăng do cơ chế hoạt động của tập đoàn chuyển từ việc dựa vào các nguồn điện tự tay đầu tư sang các nhà máy điện than độc lập bên ngoài (IPP) đi liền với các khoản thanh toán công suất được đảm bảo, dẫn đến khả năng vận hành hệ thống thiếu linh hoạt hơn.

Các khoản thanh toán công suất được đảm bảo thường thấy trong các thỏa thuận mua bán điện (PPA) của các nhà máy điện than mới cũng sẽ làm ảnh hưởng đến các quyết định điều độ và làm hạn chế khả năng của EVN trong việc ứng phó với nhu cầu biến động, đặc biệt là bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, EVN cũng phải đối mặt với tình trạng thay vì đi vay để mở rộng tài sản nền của bản thân, nếu giá điện tăng không đủ nhanh, tập đoàn sẽ phải đi vay nợ để chi trả các khoản thanh toán IPP ngày một lớn.

EVN hiện đang thực hiện các bước của quá trình cổ phần hóa hai Tổng công ty Phát điện 1 và Tổng công ty Phát điện 2.

Tháng 1/2021, Tổng công ty Phát điện 1 do EVN nắm 100% đã hoàn thành việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động (ESOP) với lượng cổ phần đã bán là 1,335 triệu đơn vị (tương ứng 0,1125% vốn điều lệ).

Tháng 2/2021, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng Công ty Phát điện 2 với tổng số lượng cổ phần bán 262.500 đơn vị (tương ứng 0,0221% vốn điều lệ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại