Trong khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ còn hơn 3 tuần nữa là sẽ diễn ra thì việc xem xét chiến lược phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên nào là thích hợp nhất hiện là nhiệm vụ quan trọng mà các đồng minh của Mỹ phải thực hiện.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã phát biểu với kênh truyền hình Fox News hôm 29/4 rằng Mỹ đã “suy nghĩ nhiều về chuyện áp dụng mô hình đối với Libya trong trường hợp của Triều Tiên”.
Các mô hình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên
Các nước phương Tây đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nặng nề và đưa Libya ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ cho các tổ chức khủng bố sau khi cố lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi hoàn thành cam kết của ông từ bỏ vũ khí hạt nhân trong 2 năm 2003-2004.
Và nếu áp dụng tương tự thì Mỹ sẽ yêu cầu Triều Tiên hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này trước khi nhận được bất kỳ sự bù đắp nào. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ không cho phép Mỹ lặp lại lịch sử một cách quá dễ dàng đến vậy bởi cái chết kinh khủng của ông Gadhafi, xảy ra chưa đầy 10 năm sau khi Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân, giờ đây là một câu chuyện cảnh báo Triều Tiên phải thận trọng. Triều Tiên bấy lâu nay luôn coi trọng sự đảm bảo an ninh cho chế độ ở nước này.
Koh Yu-hwan, một chuyên gia về Triều Tiên làm việc tại trường Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul, người đã cố vấn cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, phát biểu với tờ The Korea Herald:
“Triều Tiên có thể sẵn sàng theo các bước đi cơ bản mà Libya đã thực hiện như đánh đổi việc phi hạt nhân hóa lấy sự đảm bảo an ninh song không như Libya, nước này sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi nhận được những sự đảm bảo vững chắc. Sẽ cực kỳ khó áp dụng hoàn toàn mô hình Libya cho Triều Tiên nếu Mỹ không đưa ra những sự đảm bảo an ninh ‘rõ ràng và không thể đảo ngược’ cho chế độ ở Triều Tiên”.
Trường hợp đối với Libya cho thấy rõ quyết tâm của Mỹ đạt được sự phi hạt nhân hóa một cách “hoàn toàn và không thể đảo ngược” thông qua một tiến trình nhanh chóng (mất chưa đầy 2 năm để thực hiện việc xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Libya với sự thanh sát, kiểm chứng, dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân và đưa các “thành phần” trong chương trình hạt nhân của nước này về Mỹ).
Bolton cũng thừa nhận rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên phức tạp hơn trường hợp của Libya vì nó còn liên quan tới “các tên lửa đạn đạo, vũ khí sinh-hóa học, các con tin người Mỹ, và các công dân Nhật bị bắt cóc” trong quá trình đàm phán.
Ngoài mô hình giống với Libya, mô hình giống với Iran cũng là một lựa chọn đáng xem xét. Năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận với 6 cường quốc trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc chấp nhận hạn chế làm giàu urani trong 10 năm để đổi lấy hàng tỷ đô la Mỹ có được khi các lệnh trừng phạt nước này được nới lỏng.
Ngoài việc đóng cửa các cơ sở hạt nhân chính, Iran còn bật đèn xanh cho việc thực nhiện một cơ chế giám sát nghiêm ngặt, cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tiếp cận bất kỳ địa điểm nào nghi ngờ có các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân, trong đó có các cơ sở quân sự.
Thỏa thuận này cũng cho phép Iran tiếp tục chương trình hạt nhân vì các mục đích hòa bình của nước này, điều mà một số người coi như “mồi câu” có thể kéo Bình Nhưỡng tới chỗ hợp tác nhiều hơn nữa trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, những người hoài nghi cho rằng việc Trump gọi thỏa thuận với Iran là “điên rồ”, là lý do vì sao có ít khả năng một mô hình tương tự sẽ được lựa chọn đối với Triều Tiên.
Mặc dù rõ ràng nước Iran giàu dầu mỏ sẽ được nhiều, riêng từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, song ông Kim Jong-un – nhân vật mới đây đã chuyển hướng mối quan tâm của ông tới việc vực dậy nền kinh tế ốm yếu của Triều Tiên – có thể đòi hỏi sự bù đắp lớn hơn để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình.
Trong khi đó, mô hình áp dụng đối với các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine, Kazakhstan và Belarus dường như cũng không thích hợp với tình hình hiện nay xung quanh Triều Tiên, vì nước này không có bất kỳ lý do rõ ràng nào về an ninh để giữ vũ khí hạt nhân.
Các quốc gia thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, song đã bị Mỹ thuyết phục chuyển giao các thiết bị hạt nhân cho Nga để đổi lấy sự hỗ trợ về kinh tế và đảm bảo an ninh.
Koh bình luận: “Việc đưa ra một mô hình riêng và chưa từng có cho phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là cần thiết bởi Triều Tiên khác biệt các nước Trung Đông về mặt địa lý”.
Triều Tiên đã cam kết đóng cửa cơ sở thử hạt nhân của mình cách đây vài tuần và mời các chuyên gia vũ khí của Mỹ tới kiểm chứng sự đóng cửa này trong một động thái táo bạo tiếp sau tuyên bố ngừng thử tên lửa và đóng cửa cơ sở thử hạt nhân quan trọng này.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục hoài nghi ý định thực sự của Triều Tiên và việc liệu nước này sẽ thực hiện các lời cam kết của mình hay không./.