“Giải trình có “biệt phủ” từ nuôi lợn, trồng rau là không hợp lý“

Ngọc Chi - K.Anh |

Theo ông Đinh Văn Minh, việc quan chức giải trình về nguồn gốc khối tài sản lớn bằng cách ở nhà nuôi lợn, trồng rau… là không hợp lý.

Cùng với những ồn ào về biệt phủ của quan chức, dư luận quan tâm nhiều hơn đến việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ có liên quan đến một số cán bộ cấp cao ở cả Trung ương và địa phương.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Văn Minh – Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, thuộc Thanh tra Chính phủ về nội dung này.

Biện pháp về minh bạch tài sản còn nặng hình thức

PV: Thưa ông, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức được xem là giải pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra trên thực tế, có vẻ như nó lại là công cụ kém hiệu quả nhất?

Ông Đinh Văn Minh: Đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nhiều biện pháp vừa toàn diện, vừa đồng bộ.

 Trong đó, vấn đề kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ công chức, viên chức là một trong những biện pháp, giải pháp quan trọng.

Những biện pháp này đã được thực hiện khá nghiêm túc, tuy nhiên hiệu quả lại không cao, thậm chí trong nhận định, tổng kết 10 năm thực hiện phòng chống tham nhũng nói rằng biện pháp về minh bạch tài sản của cán bộ công chức còn nặng tính hình thức. 

Đó là điều đáng suy nghĩ.

PV: Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, có thêm nhiều quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức. 

Thế nhưng dường như càng quy định thì lại càng có thêm các khoảng trống khiến việc thực hiện trở nên hình thức hơn. Ông có bình luận gì về nhận định này?

Ông Đinh Văn Minh: Kê khai tài sản không phải là vấn đề mới, chúng ta đã bắt đầu làm từ khi có pháp lệnh năm 1998 và ngày càng được bổ sung để hoàn thiện. 

Tuy nhiên phải thấy rằng trong các quy định của pháp luật có những việc làm rất nhiều nhưng đôi khi mang tính hình thức.

 Trong khi vấn đề liên quan đến bảo đảm tính trung thực trong kê khai tài sản, kiểm soát tài sản cán bộ công chức, viên chức lại thiếu và làm chưa đến nơi đến chốn.

Ví dụ chúng ta quy định nhiều về trình tự, thủ tục kê khai nhưng lại thiếu việc quy định cán bộ kê khai phải trung thực, ai là người đánh giá, kiểm soát việc đó; việc giải trình nguồn gốc tài sản, công khai bản kê khai tài sản cũng không được làm đến nơi đến chốn…  

Có thể nói những việc đó vừa đầy đủ nhưng lại vừa thiếu những cái căn bản.

PV: Chưa khi nào từ "biệt phủ" lại có tần suất xuất hiện trên các báo nhiều như gần đây và gây chú ý bởi nó là của quan chức.

Lý giải về nguồn gốc tạo ra biệt phủ, có quan chức đã trả lời đó là công sức lao động mồ hôi, nước mắt, là do chăn nuôi, làm vườn, hay đi buôn mà có được. Ông có suy nghĩ gì về cách lý giải này?

Ông Đinh Văn Minh: Kê khai trung thực là vấn đề đang cố gắng để thực hiện, nhưng quan trọng hơn nữa là việc giải trình nguồn gốc tài sản.

Pháp luật hiện nay và kể cả Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, đã đặt vấn đề giải trình tài sản đặc biệt là tài sản tăng thêm. 

Tuy nhiên, việc phải chứng minh nguồn gốc tài sản chưa được đặt ra mà mới dừng lại ở việc giải trình một cách hợp lý.

Nói một cách công bằng là cũng có những người có tài sản và họ hoàn toàn giải trình được. Ví dụ, nhiều đồng chí lãnh đạo đi học ở nước ngoài ở thời kỳ trước mua đồ về bán lấy tiền mua đất vì đất ngày xưa rất rẻ. 

Mà vài trăm mét đất ngày đó đến bây giờ có thể có giá trị vài trăm cây vàng. Tuy nhiên, anh giải trình bằng cách: tôi ở nhà nuôi lợn, trồng rau… thì lại không hợp lý.

Chúng ta mới dừng lại ở việc giải trình một cách hợp lý mà vẫn chưa nói đến việc chứng minh tính hợp pháp của tài sản. Theo tôi, việc này chúng ta có thể làm được.

Phải quản lý được thu nhập của cán bộ

PV: Theo ông, cần làm gì để giải quyết được bài toán khó này?

Ông Đinh Văn Minh: Để làm được việc này cần quay lại nền tảng quản trị, phải quản lý được đầu vào, tức là thu nhập. 

Hiện nay, đầu vào hay thu nhập của cán bộ công chức có rất nhiều nguồn, lương chỉ là một phần, ngoài ra còn có các khoản, phụ cấp khác. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không kiểm soát được thu nhập của cán bộ công chức, viên chức kể cả từ nguồn ngân sách lẫn nguồn khác.

Không ai cấm cán bộ công chức mua nhà rồi bán đi, thậm chí tham gia cổ phần, cổ phiếu, nhưng tất cả những việc đó cần phải được kiểm soát, minh bạch, từ đó nguồn gốc cũng như dòng tiền "chảy" vào trở thành tài sản của cán bộ công chức mới rõ ràng. Khi đó việc giải trình không còn là vấn đề khó.

PV: Chúng ta đã có quy định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ công chức và từng bước công khai tài sản. Nhưng quy định mới chỉ nằm trong văn bản, thưa ông?

Ông Đinh Văn Minh: Vấn đề giải trình và công khai tài sản là vấn đề phức tạp nhất trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

 Hiện nay mới có quy định giải trình khi có tài sản tăng thêm, tuy nhiên việc này mới dừng lại ở chỗ nếu giải trình không được tức là anh không trung thực trong kê khai tài sản thì phải chịu kỷ luật cao nhất là cách chức; tài sản tạm gọi là không rõ ràng đó thì cũng chưa thể kết luận ngay đó là tài sản liên quan đến tham nhũng để thu hồi. 

Việc này liên quan đến nghĩa vụ chứng minh của nhà nước, liên quan đến việc có hay không có quy định về tội làm giàu bất chính.

Ở điều 20 Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng quy định nếu tài sản không giải trình được thì có nghĩa là anh làm giàu bất chính, tài sản đó sẽ bị tịch thu, bị xử lý hình sự.

 Nhưng ở Việt Nam, điều 20 Công ước của Liên Hợp Quốc còn băn khoăn và bảo lưu.

Về công khai bản kê khai tài sản hiện nay cũng mới chỉ công khai nội bộ, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Thậm chí trong kết luận số 21 ngày 23/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X, trong đó nói rõ phải xem lại các quy định để tiến tới công khai minh bạch tài sản, thậm chí công khai ở nơi làm việc và nơi cư trú.

 Từ đó đến nay đã 5 năm nhưng việc này vẫn chưa tiến thêm một bước nào, vẫn công khai trong nội bộ. Đã công khai trong nội bộ thì sự kiểm tra, giám sát, phát hiện của người dân sẽ bị hạn chế.

PV: Khi việc minh bạch tài sản cán bộ, công chức còn phụ thuộc vào sự tự giác và khi cán bộ, công chức, đặc biệt là quan chức cấp cao lại thiếu sự trung thực trong kê khai thì theo ông, cần phải thay đổi như thế nào trong giải pháp, biện pháp?

Ông Đinh Văn Minh: Chúng ta đã đưa việc kê khai tài sản đi vào nề nếp, các cơ quan thực hiện tốt, tuy nhiên vấn đề là làm sao kiểm soát được sự minh bạch, tính trung thực.

Vì vậy cần có các nguyên tắc và đưa ra quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát đó. 

Ví dụ hiện nay các bản kê khai chỉ đưa vào tổ chức cán bộ, là một thủ tục và cũng không có quy định nào nói các thủ trưởng phải đọc, xem có trung thực hay không trung thực…

 Vậy thì phải có ít nhất một cơ quan, đơn vị không chỉ nhận mà còn đọc xem đúng hay không đúng, khi nhận được phản ánh thì phải có xác minh ban đầu với các cơ quan.

Cần phải có mối quan hệ với các cơ quan quản lý để có thể nhận định ngay từ đầu tài sản có dấu hiệu hay không có dấu hiệu của sự minh bạch./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại