Khi nhân vật nam chính tỏa... sến
Vừa đi vừa khóc đã lên sóng được 6 tập, khán giả truyền hình cũng dần quen và nắm bắt được tính cách, hoàn cảnh sống của các nhân vật. Những thắc mắc về sự ly tán của gia đình nhân vật nam chính Hải Minh (do Lương Mạnh Hải đóng) và lý do bà nội Đông Dương không biết cháu đích tôn của mình là con gái cũng dần được lý giải. Tuy nhiên, bộ phim cũng không vì thế mà hấp dẫn và thú vị hơn.
Điểm cộng lớn nhất của tập 6 là sự giảm bớt những màn nói chuyện "thơ văn" dài dòng đầy trịnh trọng, đạo đức nhưng nhạt nhẽo, ê a, mất thì giờ của hai cha con Hải Minh. Có lẽ do nhịp điệu của phim khá chậm, chưa có nhiều biến chuyển mới, biên kịch đã "hết vốn" triết lý nên hai cha con Hải Minh không có thì giờ tiếp tục “tra tấn” khán giả bằng màn đối ẩm và chiêm nghiệm cuộc đời.
Nhiều khán giả nhận xét cha con Hải Minh đối thoại cứ như... tình nhân bởi vì nó quá kịch và thừa thãi tình cảm ủy mị, sướt mướt. Có lẽ nào vì trong phim, hai cha con Hải Minh là người gốc Bắc, nên đạo diễn và biên kịch cứ cố phải ép nhân vật nói những điều vĩ mô, cao siêu mới đúng chất tinh tế, sâu cay và sắc sảo của người miền Bắc?
Khán giả may mắn khi hai cha con đã bớt “đối ẩm” với nhau.
Nước mắt rưng rưng!
Dù bớt đi những màn nói chuyện rất kịch với bố, thì Hải Minh lại được phen... khóc lóc thút thít ra trò trong tập 6 khiến khán giả phải chào thua vì sến sẩm. Có lẽ trong suốt 6 tập phim đã chiếu thì Hải Minh là người duy nhất được khóc và cũng là người tich cực khóc nhất trong tất cả các nhân vật.
Mặc dù đời sống nội tâm của nhân vật này không có gì phức tạp, ngoài việc không có mẹ ra thì cuộc sống Hải Minh rất sung túc và giàu có. Đặc biệt, dưới sự giáo dục của một người cha thành đạt, nam tính và quyết đoán như ông Tùng thì việc Hải Minh sở hữu tính cách yếu đuối, đụng tí là sụt sịt không đáng mặt đàn ông khiến người xem cảm thấy vô lý và bực mình vì nhân vật này. Có lẽ đạo diễn muốn nhân vật Hải Minh có chút tính cách của những chàng trai đa cảm Hàn Quốc, nên mới đánh liều cho nhân vật khóc nhiều hơn đàn ông bình thường một chút, nhưng nếu như trai đẹp Hàn Quốc khóc rưng rưng nhưng vẫn đẹp rạng ngời thì "trai đẹp Việt Nam" nhà ta khóc phát nào khán giả phải ngán ngẩm phát đấy.
Ngay cả khi anh chàng gặp lại cô người yêu trơ trẽn - Quyên (Bảo Anh đóng) và bất thình lình tặng cho cô nàng một cái tát cũng bị chê là hành động quá đàn bà và đanh đá, không đáng mặt công tử nhà giàu. Diễn xuất gượng gạo, môi không một nụ cười, mắt không một ánh vui, nét mặt căng thẳng, cứng nhắc của Lương Mạnh Hải đã làm cho nhân vật Hải Minh đủ sức mạnh "tỏa sến" để chê khuất bớt phần tỏa sáng của những nhân vật phụ đa chiều, cá tính.
Hải Minh suốt ngày đi lang thang và tìm chỗ để khóc!
Không gây được sự đồng cảm và xúc động cho khán giả sau màn rơm rớm nước mắt, thậm chí Hải Minh còn bị khán giả giễu cợt là rảnh rỗi, vô công rồi nghề khi suốt ngày đi lang thang mấy chỗ nhếch nhác, nghèo nàn rồi khóc lóc nức nở. Có khán giả nhận đình rằng lẽ nào việc đi lang thang để khóc lung tung của Hải Minh là để lý giải cho tựa phim là Vừa đi vừa khóc chăng? Nhưng ngặt nỗi Hải Minh khóc không ra khóc nên nhiều khán giả phản hồi rằng tên phim nên đổi thành: Công tử nhà giàu vừa đi vừa mếu như vậy sẽ thu hút hơn rồi nhiều.
Dù lý giải khó tính hay hài hước thì vai diễn lần này của Lương Mạnh Hải trong Vừa đi vừa khóc đến lúc này vẫn được tạm tính là thất bại vì quá sến sẩm!
Lạm dụng sự “điên”, “khùng”
Có vẻ như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng rất thích sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng dễ gợi tả tính cách nhân vật theo chiều hướng châm biếm như: “Con điên”, “đồ khùng”, “đồ điên”. Và trong suốt 6 tập phim của Vừa đi vừa khóc, khán giả không biết phải nghe bao nhiêu lần những câu thoại được nhân vật mang từ điên, khùng ra để bốp chát vào mặt nhau. Sự lạm dụng này đã từng xảy ra ở những phim truyền hình trước của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đã có khá nhiều lời chê bai vì sự xào đi xào lại câu nói “khùng, điên” ở các phim trước, nhưng có vẻ như đạo diễn vẫn chưa ghi nhận mà tiếp tục nhồi nhét vào bộ phim mới này.
Nếu như “khùng” và “điên” được sử dụng một cách hợp lý thì sẽ gây được hiệu quả tốt là gây cười một cách nhẹ nhàng, sảng khoái, nhưng vì sự lạm dụng quá đà những từ ngữ bình dân này, mà khán giả dễ đoán biết rằng, nếu như nhân vật nào đó đang ghét hay tức tối một nhân vật khác thì chắn chắn câu thoại nhân vật ấy sẽ nói là: “Đồ điên” hoặc “Đồ khùng!” Chưa kể những từ ngữ này nếu sử dụng quá đà sẽ gây cảm giác khó chịu, vô duyên và bất lịch sự. Chính việc làm dụng “điên, khùng” để gây cười cũng thể hiện sự thiếu tinh tế của đạo diễn.
Có nhiều người dễ tính sẽ nói rằng, những từ ngữ như vậy chúng ta vẫn sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng thứ chúng ta đang xem là phim ảnh, mà phim ảnh thì phải có tính thẩm mỹ, giáo dục và định hương chứ không phải muốn nói bừa cái gì thì nói như ngôn ngữ đời sống vô thưởng vô phạt hàng ngày được...
Vừa đi vừa khóc đã đi được 1/6 chặng đường và đang dần trở thành món ăn quen thuộc vào ba buổi tối đầu tuần với nhiều người xem. Có lẽ do cơn khát phim Việt của khán giả vẫn chưa được lấp đầy nên khán giả có cái nhìn dễ chịu hơn với những hạt sạn to đùng trong phim.
Có một độc giả chua chát nhận xét rằng: ”Liệu rằng khán giả yêu phim truyền hình Việt Nam đói đến nỗi phải ăn món cơm nguội hấp lại mà vẫn thấy ngon?”