Hãy cùng so sánh hai bộ phim cùng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Vừa đi vừa khóc và Bỗng dưng muốn khóc.
1. Tên phim cùng có “khóc”
Hình ảnh này được lặp lại trong Vừa đi vừa khóc, chỉ khác Tăng Thanh Hà được thay bằng Minh Hằng (Đông Dương).
Thay vì tạo ra cụm từ mới lạ gây sốt Bỗng dưng muốn khóc như cách đây 6 năm, bộ phim mới cũng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với tên gọi Vừa đi vừa khóc chỉ khiến cho khán giả... “bỗng dưng” được nhớ lại bài hát từ thuở… thiếu nhi là “Ngày đầu tiên đi học”, với giai điệu đáng yêu và quá đỗi thân thuộc: “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay tới trường. Em Vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương…”.
Chính vì quá quen thuộc với cụm từ "Vừa đi vừa khóc” nên tên bộ phim mới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng không còn tạo được hiệu ứng “nhại theo” tên phim như Bỗng dưng muốn khóc đã làm được trước đây.
Nhiều khán giả truyền hình cho rằng: Vừa đi vừa khóc đơn giản chỉ là một cái tên phim ăn theo “người anh cùng cha" nổi tiếng của mình là Bỗng dưng muốn khóc. Bởi vì những người làm nghệ thuật rất yêu thích sự sáng tạo và rất sợ sự lặp lại (nhất là lặp lại chính mình thì càng không nên). Nhưng việc đạo diễn chọn một tựa phim na ná với một bộ phim cũ ăn khách và nhiều dấu ấn của chính mình về “từ ngữ” cho đến “ngữ điệu” đã cho thấy ý đồ ăn theo tên tuổi của bộ phim trước khá rõ ràng.
2. Chung mô-típ về vai nữ chính
Hai bộ phim đều có một điểm chung là hoàn cảnh, xuất thân và cuộc đời, tình yêu của nhân vật nữ chính.
Nếu như Trúc trong Bỗng dưng muốn khóc mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống chật vật, nghèo khó trong một căn nhà hoang ẩm mốc, cũ kỹ, thì Đông Dương của Vừa đi vừa khóc cũng mồ côi cha mẹ từ năm mười hai tuổi, cũng sống khốn khó và không mấy giàu sang trong một ngôi nhà tuềnh toàng, ọp ẹp trong ở khu lao động nghèo.
Có vẻ như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng rất thích chọn những bối cảnh nghèo khó để tạo phong cách riêng biệt. Điểm sáng tạo duy nhất “cứu vớt” Vừa đi vừa khóc chính là Đông Dương còn có bà nội chăm sóc, yêu thương và nương tựa, không như Trúc cô đơn, lủi thủi một mình.
Bối cảnh nhà hoang trong Bỗng dưng muốn khóc.
Và căn nhà xập xệ của Đông Dương.
Và có lẽ vì cùng hoàn cảnh mồ côi, cùng sống nghèo khó trong những ngôi nhà cũ kĩ nên cả Trúc và Đông Dương cũng có chung luôn một ước mơ nghe có vẻ giản dị nhưng cũng “khá đặc biệt” đó là được mặc áo dài trắng!
Chiếc áo dài trắng tinh khiết của Trúc trong Bỗng dưng muốn khóc 6 năm trước đã từng giúp Tăng Thanh Hà xây dựng thành công hình tượng ngọc nữ của mình trong lòng người hâm mộ. Thế nhưng "xào" lại hình ảnh này trong Vừa đi vừa khóc có lẽ chỉ khiến người xem nghĩ "chàng trai" Đông Dương như một cô Trúc phiên bản 2 mà thôi.
Thế nhưng, nếu Trúc có nhiều “động cơ” để được mặc chiếc áo dài trắng thì Đông Dương lại chỉ có thể viện vào lý do “giả trai” nên mới khát khao được mặc áo dài, trong khi cô có thể mặc áo dài ở một nơi nào đó không có sự xuất hiện của người quen thay vì cứ phải mơ ước một điều... dễ ợt. Chính vì lý do khá gượng ép của nhân vật nên việc lồng hình ảnh áo dài trong câu chuyện phim Vừa đi vừa khóc không được nhiều khán giả nhớ tới.
Ngoài ra, hai nhân vật chính trong cả hai bộ phim đều cùng gặp phải một tình huống chung tréo ngoe là “cứu một chàng trai lạ hoắc nhưng nhà giàu”, và sau này trở thành người yêu của họ! Đặc biệt chàng trai đó chẳng phải ai xa lạ, 6 năm trời vẫn là một người: Lương Mạnh Hải!
Mặc dù không sở hữu vẻ ngoài đẹp trai sáng láng, diễn xuất chưa bao giờ được đánh giá cao, nhưng Lương Mạnh Hải vẫn luôn được trọng dụng trong tất cả các các phim của Vũ Ngọc Đãng. Có lẽ vì sự ưu ái quá đà của đạo diễn mà vai diễn lần này của Lương Mạnh Hải trong Vừa đi vừa khóc lại chính là nguyên nhân góp thêm viên gạch để những khán giả khó tính "ném đá" bộ phim.
Bảo Nam cũng được Trúc cứu và...
Hàng ngày cùng nhau đi bán sách.
Đông Dương cứu "trai đẹp"...
Và cùng trai đẹp đi làm!
3. "Bê nguyên xi" nhân vật cũ
Không chỉ giống ở motip phim, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng còn "bê nguyên xi" gia đình nhà Bảo Nam và anh Hều bán chong chóng từ Bỗng dưng muốn khóc sang Vừa đi vừa khóc khiến khán giả cảm thấy bị rối loạn, không hiểu mình đang xem bộ phim nào của Vũ Ngọc Đãng đây?
Vì các nhân vật quen thuộc ở bộ phim “khóc” trước và bộ phim “khóc” sau giống nhau về cả ngoại hình, nghề nghiệp, xuất thân và tính cách nên chỉ tạo được hiệu ứng nhanh chiếm được sự gần gũi, yêu mến của khán giả, những người đã từng xem và yêu thích bộ phim Bỗng dưng muốn khóc trước đây mà thôi.
4. Nhiều tình tiết vô lý
Nhưng không được như "người anh" Bỗng dưng muốn khóc, tình huống trong phim Vừa đi vừa khóc bị cho là khá phi lý, gượng ép. Khán giả cho rằng việc bà của Đông Dương không biết cháu mình là con gái là một việc khá nực cười và rất vô lý.
Nếu như Đông Dương là “bóng” thì việc che giấu thân phận sẽ dễ dàng hơn là việc “nữ cải nam trang” của cô, đặc biệt là trong việc sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, việc đóng giả là con trai trước một người phụ nữ có kinh nghiệm sống là một việc vô cùng khó.
Đặc biệt, tình huống bà của Đông Dương ép cháu đi tập thể hình cũng bị cho là tình tiết ngớ ngẩn, gây cười quá liều đâm ra lố bịch. Vì đa phần những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó sẽ chẳng có hứng thú với việc bỏ tiền để đến phòng tập thể hình, đặc biệt họ không quan tâm đến vấn đề ngoại hình của mình nhiều bởi vì ăn còn chưa đủ no, lấy đâu ra là mơ mộng có body xấu hay đẹp.
Kế đến là câu chuyện tình yêu siêu khiên cưỡng của Lương Mạnh Hải và Bảo Anh khiến khán giả phát sợ, khi họ chia tay lãng xẹt với câu nói huyền thoại của Ngọc Trinh: “Không tiền cạp đất mà ăn”! Có vẻ như biên kịch phim đã bí từ nên phải đi mượn một câu nói đã hết khả năng gây cười của một cô người mẫu thích gây scandal để đưa vào phim.
Tình yêu siêu lãng xẹt của Bảo Anh và Lương Mạnh Hải bị ném đá khá nhiều.
Tình tiết Bà Nội bắt Đông Dương đi tập thể hình cũng khiến khán giả cảm thấy vô lý.
5. Lời thoại "sến sẩm"
Một điểm thua kém nữa của Vừa đi vừa khóc so với Bỗng dưng muốn khóc đó chính là thoại. Nếu như Bỗng dưng muốn khóc có lời thoại khá chân thật, tự nhiên thì Vừa đi vừa khóc lại quá tham lam vào những câu thoại dài dằng dặc như sách trong thư viện, khiến khán giả phát hoảng vì “củ chuối” và “sến sẩm”. Chính vì vậy, các nhân vật trong phim tạo cảm giác cho khán giả như chỉ vừa mới chui ra từ chuyện cổ tích hay đến từ hành tinh khác.
Có nhiều bộ phim khán giả có thể không nhớ được hết nội dung nhưng các chi tiết thành công của bộ phim thì luôn được nhớ tới. Chính vì việc sử dụng quá nhiều chi tiết đã thành danh của Bỗng dưng muốn khóc nên Vừa đi vừa khóc chẳng khác nào bản nhái vụng về của bộ phim nổi tiếng kia.
Có khán giả đã nhận xét rằng: “Kiểu phim của Bỗng dưng muốn khóc cách đây 6 năm rất hot, nhưng bây giờ nó đã trở nên cũ và lỗi thời rồi!”. Nhưng có vẻ đạo diễn thì vẫn còn mơ về ánh hào quang năm nào?