Đúng ba tuần sau khi cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi công văn hỏa tốc (số 131 ngày 7-3) đề nghị tất cả sở VH-TT&DL các tỉnh thành “Tạm dừng cho phép bà Lưu Thị Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đẹp, người mẫu”, lệnh cấm đã được chính đại diện của cục này tuyên bố hủy bỏ.
Trước đó, công luận đã lên tiếng về những bất cập của lệnh “tạm dừng” trên. Và ngày 31-3, khi bàn về tính hợp pháp của văn bản số 131, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã khẳng định văn bản này thiếu căn cứ pháp lý. Ông cục trưởng Lê Hồng Sơn còn ví von là cục đã “dùng dao bầu mổ chim sẻ” khi nói về cái văn bản đã “cấm cửa”, “cấm vận”, “tiệt hết đường kiếm sống, hành nghề trên phạm vi toàn quốc” đối với một con người - cũng theo cách nói của ông Sơn.
Câu chuyện như vậy có vẻ đã ngã ngũ. Áp lực lên quyền làm nghề của một người - một hoa hậu có lỗi lầm trong một cuộc chơi hoa hậu - có vẻ đã được giải tỏa. Cô sẽ bị xử phạt nghiêm khắc vì đã khai gian tình trạng hôn nhân trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2012, nhưng luật pháp cũng đã chỉ ra: không thể vì lỗi nơi này mà xử phạt cô nơi khác. Các đơn vị, các nhà sản xuất đã “lỡ ký” hợp đồng biểu diễn, đóng phim với cô hoa hậu có vẻ cũng đã trút được một gánh nặng lo âu khi lệnh cấm của cấp có thẩm quyền sẽ bị hủy bỏ.
Vậy mà, Cát Tiên Sa - nhà sản xuất của bộ phim Mỹ nhân Sài thành, nơi bị ảnh hưởng trực tiếp vì “sự cố” Diễm Hương - lúc này mới thật sự lúng túng. Với họ, sau khi gửi văn bản xin ý kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc xử lý Diễm Hương mà không được trả lời, lại được tin ông cục trưởng gửi văn bản đến Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tạm ngừng các hoạt động quảng cáo, đóng phim của hoa hậu Diễm Hương thì số phận của vai diễn coi như đã được định đoạt.
Giờ thì “mọi chuyện đã rồi” là tuyên bố mới nhất của ông Nguyễn Quang Minh - tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa. Bởi trước đó vài ngày, diễn viên Ngân Khánh đã được chọn lựa để thay vai diễn của Diễm Hương. Cũng đã nhiều ngày, bối cảnh mới cho vai diễn của người mới đã được chuẩn bị. Đoàn phim cũng đã lên đường đi tỉnh xa, đang quay những cảnh quay mới với Ngân Khánh. Nay đùng một cái nghe “lệnh rút”, tiến thoái đều lưỡng nan. Hỏi ứng xử thế nào, ông tổng giám đốc bảo: “Tôi còn phải xin ý kiến của đài truyền hình (ở đây là VTV - nơi đặt hàng), phải hỏi ý kiến đạo diễn, phải hỏi cả người trong cuộc là Diễm Hương và Ngân Khánh, chứ không thể hôm nay thế này mai thế khác được...”.
Là nhà sản xuất khôn ngoan thì rõ là rất thận trọng, và càng thận trọng khi nghe hỏi về những thiệt hại vì phải thay diễn viên sau 20 tập phim đã quay. “Chưa tính được, chưa nên nói, mà cũng không nên nói” - nhà sản xuất của nhiều chương trình biểu diễn đình đám dè dặt nói vậy khi thấy chiều hướng câu chuyện đang đụng đến trách nhiệm của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ngại va chạm với công quyền, sợ mếch lòng cơ quan quản lý, hay “đường xa nghĩ nỗi sau này”... đều là chuyện có thể hiểu được!
Nhưng đó là chuyện của nhà sản xuất, còn trách nhiệm của cơ quan quản lý thì không thể không nói đến. Trước đó, tại một hội nghị của Bộ VH-TT&DL, báo Tuổi Trẻ cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự: Ai xử phạt người xử phạt sai? (“Quản lý để phát triển, không phải để ngăn cản”, Tuổi Trẻ ngày 29-3).
Đằng sau việc thu hồi một văn bản chưa đúng quy trình và thiếu cơ sở pháp lý, quả thật còn có nhiều việc phải làm. Không chỉ là chuyện xử lý ra sao đối với những vi phạm của cá nhân người biểu diễn, mà còn phải là chuyện chế tài thế nào với những sai sót của chính cấp quản lý biểu diễn? Cụ thể hơn nữa, những thiệt hại (tinh thần và vật chất) vì những sai phạm này ai sẽ có trách nhiệm đứng ra giải quyết, đền bù?
Câu trả lời sẽ tìm ở đâu?