Hiếm đến mức chỉ có anh là duy nhất
Tùng Dương - cái tên đến bây giờ có vẻ như đã quá quen thuộc với độc giả - nhưng khai phá mãi vẫn chưa hết sự độc đáo, kỳ lạ. Có vẻ như chưa ai hiểu hết tại sao Tùng Dương đã và đang làm khuynh đảo sân khấu biểu diễn âm nhạc đương đại Việt.
Kỳ lạ hơn, thứ âm nhạc mà Tùng Dương chọn không phải nhạc thị trường nghe xong quên luôn, không thời thượng như Dance, House, R'nB hay Hip hop, nhưng cũng không phải acoustic rất mộc hay cổ điển giao thoa crossover. Tùng Dương xuất hiện ở một lãnh địa khác - mới mẻ và độc đáo, và đương nhiên "khó nuốt" - ngay cả với những tai nghe nhạc quốc tế.
Đó là dân gian đương đại, là New Age và Electronic, là World music. Số lượng các ca sĩ trên thế giới chọn hát, hát thành công và được nhiều người biết đến ở những thể loại sau cùng, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nói vậy để thấy một lựa chọn như Tùng Dương hiếm đến cỡ nào tại Việt Nam. Hiếm đến mức chỉ có anh là duy nhất!
Tùng Dương độc chiếm một sân chơi khổng lồ về tiềm năng và sự phong phú, giàu có của nhân loại: khai thác cái vốn cổ xưa của dân gian Việt Nam, khai thác cái tận cùng của âm nhạc thổ dân, âm nhạc châu Phi đậm màu bản địa, thổ ngữ và những nhạc cụ lạ kì; khai thác tiềm năng của những âm thanh khơi gợi cảm hứng thiền, sự trầm tư, mặc tưởng...
Như thế, đứng cùng với các nghệ sĩ tài danh và ẩn danh như Xinh Xô, Nguyên Lê (gốc Việt)..., anh đã đặt chân vào vùng đất mới nhất của âm nhạc thế giới, đắm mình vào đó tìm tòi. Một ca sĩ như Tùng Dương vô cùng đáng quý, khi anh sinh trưởng trong bối cảnh nền âm nhạc Việt mới chỉ hình thành vỏn vẹn gần 80 năm từ khi nhạc mới manh nha bắt đầu.
Có một thế hệ các nhạc sĩ đi tìm tòi New Age, Jazz, dân gian đương đại, World music như Lê Minh Sơn, Ngọc Đại, Lưu Hà An, Quyền Văn Minh, Đỗ Bảo, Kim Ngọc, Quốc Trung, Xinh Xô, Nguyên Lê..; nhưng chỉ có vài ca sĩ sẵn sàng hồi đáp để hưởng ứng phần thanh âm của nhạc cụ (instrument) thành câu chữ. Lâm-Linh, Kim Ngọc mang nhiều màu sắc thử nghiệm, Ngọc Khuê, Hà Trần vẫn chưa vượt ra khỏi những bước chân khởi động của chính mình để ghi dấu ấn sâu đậm hơn trong lĩnh vực đương đại - hoặc là không đủ tham vọng hay đam mê để theo đuổi thể loại này đến tận cùng. Thế là chỉ còn lại một mình Tùng Dương, như thể "Độc cô cầu bại".
"Tôi được trời cho giọng hát, biểu cảm"
Những ai từng nghe Tùng Dương hát nhạc truyền thống sẽ nhận thấy khá rõ điều này: Dương hát cao mà ấm, ngọt, không khi nào gắt tai. Có thể lý giải bằng nhận xét: "Giọng Dương lạ, là nam cao (tenor II) nhưng lại mang màu sắc nam trung (baritone). Vì thế, Dương có thể thể hiện được nhiều sắc thái trong bài hát".
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Từ khi còn rất nhỏ, âm nhạc dân gian Việt Nam cũng như âm nhạc của người da màu đã ngấm vào Dương lúc nào không biết. "Lúc còn bé, tôi đã thích hát những bài của người lớn: những bài trúc trắc, có quãng giọng rộng, thường chỉ để cho những người giọng đã ổn định, đã trưởng thành hát thôi - như "Không thể và có thể", "Huyền thoại hồ núi cốc". Chúng luyến láy, có chất dân gian."
Sống xa gia đình hơn 10 năm, quãng thời gian đó, bố mẹ gửi về cho Tùng Dương những băng cassette của Whitney Houston, Nat King Cole, ABBA... Cậu bé chỉ hơn 10 tuổi nghe và bắt chước những bậc thầy. Khả năng bắt chước là một trong những thế mạnh, nó giúp anh có thể đứng được nhiều vai, thêm nhiều kiến thức cho mình trong nghề nghiệp.
"Tôi thấy mình là một người may mắn vì ông trời cho sự nhạy cảm với bài hát. Nhìn bản nhạc là muốn hát, có cách khai thác riêng với bài hát. Điều đó cứ lặp lại với những gì tôi cầm lên sau này như Đồng hồ treo tường, Con cò, Giăng tơ, Quê nhà, Mưa bay tháp cổ... Không hiểu giác quan nào đã nói rằng "Đây là bài hát mà mình phải hát và nó sẽ có sức sống với công chúng". Tương tự như với "Chiếc khăn Piêu", tôi mường tượng nó sẽ thành công, nhưng không ngờ sức công phá lại lớn như vậy"
Tinh ý ra, sẽ thấy trong giọng hát của Dương có sự hỗn hợp của nhiều màu da khác nhau. Từ châu Phi, Ấn Độ đến cách hát ả đào, từ dân gian Việt Nam đến cách hát gospel của người da đen. "Trong số thần tượng của tôi có những ca sĩ da màu như Erykah Badu chẳng hạn. Tôi yêu thích nhạc bác học của người da đen, lắng nghe những âm thanh có từ khởi nguồn xa xưa của họ. Nhưng tôi ý thức được mình là người da vàng - những gì nằm trong dòng máu của mình là mạnh mẽ nhất".
"Tôi cần một ý chí xuyên suốt"
Lý giải về sự phát triển không ngừng của Tùng Dương, ngoài tài năng bẩm sinh, gu nghe nhạc lạ lẫm từ khi còn nhỏ; còn một bí mật khác mà không phải ai cũng biết. Nó không hiển lộ, nó nằm sâu ở bên trong con người anh như thể lớp trầm tích không bao giờ mất đi. Nó giúp Dương duy trì ngọn lửa không lụi tàn với âm nhạc, nghệ thuật, và hơn cả - là lối sống.
Điều này nghe thật kì lạ và có thể không quen tai chút nào, khi mà ở Việt Nam người ta đang hiểu "ca sĩ nổi tiếng" là ca sĩ thị trường, không có gì đặc biệt ngoài nghề đi hát và thời gian rảnh dành cho các thú vui đắt tiền, tiêu khiển khác người và thu hút sự chú ý cá nhân. Người ta không bao giờ nói đến tư tưởng của ca sĩ. Đó là thứ xa xỉ, khó kiếm hơn bất cứ nhãn hàng mắc mỏ nào - lại không thể phô bày, không thể dùng để đánh bóng, không phải ai cũng hiểu được về giá trị hay quan tâm - thì tìm cách sở hữu làm gì cho tốn kém thời gian, tâm sức?!
Nhưng đó lại là cái đích của của Tùng Dương, là điều mà anh hướng tới: "Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ có tư tưởng".
"Tất cả các bài hát, các dòng nhạc, các cách hát chỉ là tiểu tiết để biểu hiện tư tưởng của người nghệ sĩ. Tôi ngưỡng mộ tư tưởng và nền triết học của người Đức. Chúng thật đồ sộ, trường tồn mặc dù nước Đức không phải không có những sai lầm. Tôi tin rằng khi con người nằm xuống, quan trọng nhất không phải là sản phẩm để lại - mà là sự ảnh hưởng nhất định đến thời kì mà anh ta đang sống".
Tôi hình dung về một Bob Marley hay John Lennon và hỏi Tùng Dương về điều đó. "Họ là những bậc vĩ nhân và là cũng là một trong những thần tượng của tôi. Trong dòng nhạc của mình, họ trở thành những người tiên phong, những tấm gương có sức ảnh hưởng lớn đến con người, nhân sinh quan bấy giờ và sau này nữa."
"Tôi đang cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện mình, để tìm kiếm một lý tưởng. Nó chi phối tất cả hoạt động của tôi. Và tôi biết mình cần một ý chí xuyên suốt để làm điều đó".