Dù biết sẽ có ngày phải viết ra những lời này nhưng tôi không ngờ lại sớm đến vậy. Đầu óc của tôi bây giờ chẳng tìm ra được từ ngữ nào để diễn tả cho trái tim đang bấn loạn và khối óc mơ hồ.
Nhưng chắc chắn sẽ không phải là những dòng quá thê lương bởi cho đến những ngày cuối cùng, chưa bao giờ tôi thấy Trần Lập mất đi hy vọng, mất đi sự mạnh mẽ.
Một người bạn, một người đồng nghiệp của tôi chỉ biết thốt lên: "Đau đớn"... khi biết tin anh đã từ giã cõi tạm. Một từ thôi nhưng có lẽ đã là quá nhiều cho sự mất mát.
Cách đây hai tháng, tôi thấy họ, những người vốn dĩ chỉ quen biết anh qua âm nhạc đã khóc nức trong đêm liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Họ khóc không phải bởi thấy anh sút cân sau những ngày chiến đấu miệt mài với bệnh tật.
Họ khóc vì lại được nhìn thấy anh trên sân khấu, lại được nghe anh hát những ca khúc cũ mèm của một thời tuổi trẻ.
Họ khóc vì lại được nhìn thấy một Trần Lập mạnh mẽ dù căn bệnh ung thư trực tràng đang vô tư hành hạ người nghệ sĩ.
Họ khóc vì nhìn thấy tình cảm của anh dành cho vợ - người chiến binh dũng cảm đang sát cánh cùng anh chống lại thử thách cuộc đời.
Họ khóc vì anh và cả vì họ...
Khoảnh khắc đó, ai cũng hiểu có thể đây là lần cuối được nghe anh hát. Nhưng hiểu và chấp nhận là hai chuyện hoàn toàn khác biệt.
Khoảnh khắc đó, bên cạnh âm nhạc, trong đầu chúng tôi vẫn tiềm ẩn một sự lo lắng. Chúng tôi lo cho sức khỏe của người thủ lĩnh.
Ở trên sân khấu, anh vẫn nói cười, vẫn cố tỏ ra như mình vẫn ổn nhưng chúng tôi hiểu rằng bệnh tật không bao giờ biết cách khoan nhượng. Nụ cười trên môi chỉ là cách anh khỏa lấp những đau đớn đang hoành hành bên trong cơ thể.
Sau tất cả những điều đó, cảm ơn anh vẫn chọn đứng trên sân khấu, vẫn hát vì anh, vì chúng tôi và vì âm nhạc.
Anh biết không, hôm qua, khi nghe tin dữ, chúng tôi giật mình. Một người em, một người từng ngồi chung bàn nhậu với anh để nói chuyện đời đã liên tục thốt ra: “Chán quá, chán quá, chán”.
Chúng tôi bối rối. Ranh giới sống và chết mỏng manh quá. Chỉ một ngày thôi, sao tất cả đã biến thành quá khứ?
Anh, hôm qua còn đứng trên sân khấu nay đã về cõi vĩnh hằng.
Anh, hôm qua còn rong ruổi trên những cung đường khó nay đã lạc đến thiên đường.
Anh, hôm qua còn sát cánh bên gia đình, đồng đội nay đã một mình trên con đường sắp tới.
Anh, hôm qua còn là niềm vui, niềm tự hào nay đã biến thành nỗi đau và sự mất mát.
Chúng tôi yêu anh. Đó là điều cả sự sống lẫn cái chết đều không đủ sức mạnh để phủ nhận.
Đau nhưng chúng tôi sẽ không khóc. Anh đã sống những năm tháng đầy kiêu hãnh trên cuộc đời này với tinh thầnh rock bất diệt, hà cớ gì chúng tôi phải dùng nước mắt để tiễn người đi xa.
Anh đã dùng tất cả sự lạc quan và mạnh mẽ để chống chọi lại với bệnh tật, hà cớ gì chúng tôi phải yếu mềm để nói một lời chào.
Ừ, dù rằng trong cuộc so găng này, anh là người thất bại nhưng sống ở đời, ai chẳng phải học ngã đôi lần.
Thôi thì mình cứ tạm biệt, cứ tự thương nhau từ nay những đớn đau sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ chẳng phải nhìn thấy nhau suy sụp, phờ phạc từng ngày.
Anh còn nhớ, khi kết thúc Đôi bàn tay thắp lửa, anh đã nói rằng: “Chúng tôi sẽ quay trở lại”. Khoảnh khắc ấy, nhiều người trong chúng tôi ngay lập tức đã quay lưng ra về vì chúng tôi tin, anh hứa thì sẽ trở lại và chúng tôi mong ngóng cho cuộc gặp tiếp theo.
Vậy mà bây giờ, anh.. lỡ hẹn.
Với tất cả sự yêu thương, chúng tôi có lý do để hờn giận, để trách móc, nhưng... chúng tôi tha thứ, tha thứ cho anh, cho lời hứa mãi mãi không bao giờ có thể thực hiện được.
Bởi: “Sóng gió cuộc đời chợt đến có ai chờ đợi. Biết đâu một ngày, phận người que diêm trước gió, lụi tàn trong một sớm, không ngoài ai...”
Còn nhớ không, ngày bước ra phòng mổ, anh đã khiến chúng tôi rớt nước mắt khi gắng gượng mà rằng:"Xin chào! Ca mổ thành công. Tôi ổn".
Vì câu nói đó, chúng tôi đi hết cuộc đời này sẽ tin là anh vẫn ổn.
Còn bây giờ: "Xin chào thủ lĩnh! Cuộc đời là thế. Và chúng tôi ổn".
Tiễn anh...