“Ông hoàng nhạc đỏ” là cách người ta đang gọi ca sỹ Trọng Tấn trước thềm liveshow của anh, diễn ra vào ngày mai 20.11 tại Hà Nội.
Danh xưng này được dùng phổ biến thay thế cho tên anh có lẽ chỉ xuất hiện trong khoảng một vài năm gần đây. Tuy nhiên Trọng Tấn không phải là trường hợp duy nhất trong làng nhạc Việt được phong tặng những danh xưng mĩ miều như vậy.
Trọng Tấn được phong "Ông hoàng nhạc đỏ" liệu đã thực sự xứng đáng?
Nhiều ông hoàng, lắm nữ hoàng
Nói đâu xa, chỉ mới đây thôi, Cung Văn hóa – Hữu nghị Việt Xô (nơi sắp chứng kiến ông hoàng nhạc đỏ cất cao tiếng hát), khán giả thủ đô có vẻ như quá hạnh phúc khi được chạm mặt được cả ông hoàng lẫn bà hoàng.
Danh xưng "ông hoàng" thuộc về ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, khi từ lâu lắm rồi, người ta thường gọi anh gắn với cụm từ: “ông hoàng nhạc Việt”, hay "ông hoàng chiêu trò".
Không bàn tới khái niệm "ông hoàng nhạc Việt" cao, xa và lắm mù mờ, nếu xét riêng khoản chiêu trò, họ Đàm có vẻ cũng “không phải dạng vừa đâu”.
Đêm nhạc Người tình mùa đông mới diễn ra vài ngày trước của Đàm cũng chứng minh phần nào điều thiên hạ nói về độ "lắm trò" của anh.
Bê vác một khối lượng lớn thiết bị từ TP.HCM về Hà Nội, nhập một loạt đèn led từ nước ngoài đưa qua, đem cả dàn mô tô khủng lên sân khấu… những điều đó không phải ca sỹ nào cũng bạo chi và dám làm.
Cũng trong chương trình này, một ca sỹ khác được gắn mắc nữ hoàng - Lệ Quyên. Ngoài cái tên “Nữ hoàng phòng trà”, đâu đó người ta còn gọi là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”.
Ở vế thứ nhất, có thể hiểu vì tiếng hát Lệ Quyên thường bay cao tại số đông địa điểm chị biểu diễn: các phòng trà.
Còn danh xưng thứ hai ra đời vào khoảng những năm 2000. Thời điểm đó, Lệ Quyên từng hoạt động tại Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương và được coi là một trong những ca sĩ nhạc nhẹ tiên phong tại Hà Nội.
Lệ Quyên sở hữu tới hai danh xưng: "nữ hoàng nhạc nhẹ" thời mới đi hát và giờ là "nữ hoàng phòng trà".
Chưa hết, đêm liveshow của Mr Đàm còn chứng kiến sự xuất hiện của “Nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà. Riêng về độ hoành tráng và chịu chơi trong các liveshow, Hà Hồ khiến không ít người phải ngả mũ thán phục.
Yếu tố giải trí được gắn với cái tên Hà Hồ cũng giống y như danh xưng mà Hà được gắn mác.
Đến với Hà Hồ, khán giả nghe bằng tai thì đã tai, xem bằng mắt thì nhức mắt, thỉnh thoảng có chút quay cuồng chóng mặt vì những màn vũ đạo sôi động, cộng thêm đôi chân dài miên man tỉ lệ thuận với “độ che phủ” của vải vóc... những tác nhân giúp cho tính giải trí của Hà Hồ được đẩy lên cao độ.
Vậy là ở một sân khấu nhỏ của Thủ đô, trong một đêm diễn mà có sự hội tụ của một ông hoàng với hai nữ hoàng.
Hai khách mời còn lại là Vicky Nhung và Phượng Vũ - hai học trò của Đàm Vĩnh Hưng bước ra từ The Voice - vì vẫn còn là người mới nên chưa có danh xưng.
Nói là thế nhưng thực tế, chỉ có Vicky Nhung chưa kịp “sắm” danh xưng cho mình, còn Phượng Vũ đã kịp có một nghệ danh không đụng hàng: “Cô gái vừa ăn vừa hát”.
Nghe có vẻ hơi dài hơi tốn chữ, nhưng dù sao, yếu tố dễ nhận diện ấy cũng trở thành một lợi thế để Phượng Vũ "găm" danh xưng của mình vào trái tim đang chật chội của người hâm mộ vì phải nhớ quá nhiều những "nữ chúa, ông
Ai "phong bảng" cho ông hoàng, bà
Nhẩn nha ngồi tính, làng nhạc Việt không hiếm ca sỹ được gắn với những danh xưng to tát như thế.
Dĩ nhiên danh xưng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên tồn tại mà thường thì do một sự công nhận âm thầm lâu dài của công chúng, hoặc nhẹ nhàng hơn là được ai đó có chút tiếng tăm đặt cho.
Tuy nhiên cũng chẳng loại trừ việc ai đó tự gắn cho mình, rồi o bế truyền thông để đẩy nó lên thành một điều tưởng chừng như tất yếu.
Hiểu theo nghĩa của từ, nữ hoàng hay ông hoàng nhằm để chỉ những người có ảnh hưởng lớn, dẫn đầu hoặc duy nhất.
Bởi thế người ta mới nói một nước không thể có hai vua, một nước không thể có nhiều hơn một ông hoàng, hay nhiều hơn một nữ chúa.
Nhưng làng giải trí Việt Nam thì khác.
Nếu ví làng nhạc như một vùng đất riêng biệt, thì những "ông hoàng, bà chúa" cũng mặc nhiên được xếp ở ngôi vị người đứng đầu.
Chỉ có điều tại Việt Nam, việc gắn danh xưng đáng lẽ phải là duy nhất cho nhiều người lại không phải là việc khó.
Đã có "ông hoàng chiêu trò" rồi thì cũng có thể có "ông hoàng nhạc đỏ", rồi biết đâu sau này lại có "ông hoàng nhạc tiền chiến", hay "nữ hoàng ngực trần"…thì sao.
Sẽ có ai trong tương lai soán ngôi "nữ hoàng giải trí" của Hồ Ngọc Hà?
Với những tên tuổi lớn được mặc định phong hoàng thật khó có thể truy rõ nguồn cơn xuất xứ từ đâu mà ra. Ngay danh xưng “ông hoàng nhạc đỏ” dành cho ca sỹ Trọng Tấn cho đến giờ vẫn còn lạ lẫm với không ít khán giả.
Không thể đặt Trọng Tấn khỏi dòng nhạc mà anh lựa chọn và cũng là miền đất làm nên tên tuổi của anh, tuy nhiên khi phong Trọng Tấn là ông hoàng, điều đó đồng nghĩa với việc “anh là một, là riêng, là duy nhất”.
Nếu nghĩ thế, có vẻ không công bằng lắm với những cây đại thụ vẫn ngày đang bền bỉ cống hiến sức mình cho dòng nhạc kén người nghe này.
Gần đây, người ta thấy rõ hơn nguồn gốc của những danh xưng, phổ biến nhất là ở các cuộc thi ca hát, nơi ban giám khảo hay huấn luyện viên rất hào phóng ban phát những cụm từ có cánh.
Ca sĩ Tuấn Hưng trong The Voice đã gọi thí sinh Ngọc Sang là “hoàng tử pop Việt Nam”.
Trước đó, trong cuộc thi Nhân tố bí ẩn 2014, một hoàng tử cũng được “khai sinh” ngay trên sân khấu: Loki Bảo Long.
Người phong tặng danh xưng "hoàng tử R&B mới của nhạc Việt" cho chàng trai này là “Nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà. Thôi thì nữ hoàng phong danh cho hoàng tử, âu cũng có chút hợp lý nào đó chấp nhận được dù còn lắm ngượng ngùng.
Thế giới không hẳn không có danh xưng mỹ miều, vẫn có những ông hoàng, bà chúa được gọi tên.
Nhưng họ hoặc là đạt đến “đỉnh cao chói lọi” trong lĩnh vực của mình, hoặc những cống hiến của họ đem lại giá trị xứng đáng về văn hóa trong tiến trình phát triển của âm nhạc của quốc gia. Xét ở yếu tố này, có vẻ như danh xưng ở xứ mình còn dễ dãi quá.
Hơn nữa, khi đặt lên ai đó một cái mũ quá lớn, người tuyên ngôn ra điều ấy cũng đang vô tình phủ nhận những nghệ sỹ khác bất chấp sự tận hiến của họ với nghề chẳng hề thua kém.
Đúng là thời "cứ xem show là được gặp các hoàng".