Thành Lộc: 10 năm trả giá vì nhân vật

NSƯT Thành Lộc nói hy sinh vì nghệ thuật không bao giờ phải hối hận. Dù nghệ thuật đã vắt kiệt sức anh nhưng anh không thể xa và chưa từng nghĩ tới ngày sẽ chia tay nghệ thuật.

Nghe nói anh vẫn uống rượu, hút thuốc lá để làm nghệ thuật?

- NSƯT Thành Lộc: Tôi vẫn duy trì thói quen đó để khi tái hiện nhân vật trên sân khấu, khán giả thấy mình không bắt chước một cách gượng gạo. Dĩ nhiên, những thói quen đó không tốt cho sức khỏe nhưng là nghệ sĩ thì phải biết, phải trải qua. Đó là vì nghệ thuật.

Nghệ thuật không có cái chết

Có phải vì vậy mà càng ngày sức khỏe của anh càng không được tốt lắm?

- Thời gian không còn khoan nhượng với sức khỏe của tôi nữa. Tôi đã bước vào cái tuổi chẳng còn trẻ, khỏe. Có lẽ suốt mấy chục năm vắt kiệt sức trên sân khấu, tôi phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe của mình. Đó là cái giá phải trả.

Tôi nhớ có năm Sân khấu Kịch Thể nghiệm (còn gọi là Sân khấu 5B trên đường Võ Văn Tần) quyết định lấy vở Dạ cổ hoài lang diễn ròng rã từ mùng 1 đến rằm tháng giêng, vở kéo dài 3 giờ, mỗi ngày diễn 3 suất. Tôi diễn đến suất thứ 2 của ngày mùng 5 thì bị tắt tiếng, không nói được do khóc quá nhiều lại không dùng micro. Tôi phải nhờ đồng nghiệp chở đi gõ cửa phòng mạch để lấy thuốc. Tôi được chích 2 mũi thuốc vào cổ họng và uống nhiều thuốc để diễn tiếp suất tối. 10 năm liền sống chết với nhân vật ông Tư đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của tôi. Thị lực kém, giọng khản đi, tóc rụng nhiều.

NSƯT  Thành Lộc, cái giá phải trả

Anh đang tiếc nuối vì sự hy sinh đó?

- Không. Hy sinh vì nghệ thuật không bao giờ phải hối hận. Kể cả việc chấp nhận rượu chè, tôi cũng xem đó là sự hy sinh xứng đáng. Tôi đã nợ nghệ thuật quá nhiều. Tôi chỉ nuối tiếc về thời gian. Mặc dù năng lực làm việc của tôi đến thời điểm này vẫn còn rất sung sức, tôi vẫn có thể đứng trên sàn tập, làm việc như một thanh niên nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra, không ai nói trước được điều gì.

Xem ra tuổi tác và sức khỏe đang là nỗi lo sợ ghê gớm đối với cuộc đời anh?

- Đứng trên phương diện nghệ thuật, tôi không thấy mình già, không sợ mình già hay sợ bệnh tật, cái chết. Một nhân vật trong vở kịch Tiếng hát thiên nga mà tôi đã từng được tham gia diễn có nói rằng: “Nghệ thuật không tuổi già, không có bệnh tật, kể cả không có cái chết. Nếu có thì chỉ là một nửa mà thôi”. Tức là khi nghệ sĩ lìa xa cõi đời, tác phẩm của họ vẫn ở lại, giá trị vẫn tồn tại mãi với thời gian. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn không quên những tên tuổi nghệ sĩ lớn như Phùng Há, Bảy Nam, Ba Vân, Trọng Khôi… mặc dù họ đã ra đi.

Khi người ta càng lớn tuổi, họ luôn muốn rời xa cuộc sống đô thị, đi tìm một nơi yên tĩnh nào đó để “ở ẩn”, còn anh?

- Có lần, tôi từng nói vui với bạn bè rằng nếu tôi đi ở ẩn, tôi sẽ xây một cái chùa nào đó trên nóc của… một khách sạn để sau khi tụng kinh xong, tôi sẽ đứng nhìn cảnh thành phố náo nhiệt hoặc đi nhảy đầm (cười). Nói như vậy để thấy rằng tôi không thể xa thế giới giải trí được. Tôi chưa từng nghĩ tới ngày sẽ chia tay nghệ thuật. Sau này, nếu sân khấu không chấp nhận tôi với vai trò diễn viên thì tôi cũng có một công việc khác là đạo diễn. Khi ấy, tôi sẽ gửi gắm vào tác phẩm của mình những tư tưởng mang tính triết lý cuộc đời.

Gửi nỗi cô đơn vào nhân vật

Nghệ thuật làm anh hạnh phúc. Vậy nghệ thuật đã từng làm anh đau đớn chưa?

- Người ta hay bảo tôi sinh ra là một ngôi sao, đó là định mệnh và chịu sự cô độc cũng là định mệnh. Đối với một con người, khi không thể chia sẻ cảm xúc cho bất kỳ một người nào khác thì đó là một bất hạnh lớn.

Anh luôn nói mình cô đơn, cô độc. Hóa ra anh là người bất hạnh?

- Nếu ai từng đọc tác phẩm Trăm năm cô đơn của nhà văn Gabriel García Márquez thì sẽ thấy rằng là con người ai cũng cô đơn, không riêng gì nghệ sĩ. Chẳng qua người nghệ sĩ quá nhạy cảm nên họ thường nâng lên tầng, nấc khác. Ở tuổi này, tôi chẳng còn muốn khoe nỗi cô đơn của tôi bằng lời nói. Nếu ai đã xem những vai diễn và tác phẩm của tôi sẽ thấy tôi gửi gắm nỗi cô đơn, sự đau thương, khắc khoải, u hoài của mình vào tác phẩm, nhân vật. Nếu cô đơn là bất hạnh thì tôi quá hạnh phúc vì tôi có thể chia sẻ nó cho hàng triệu khán giả biết qua nhân vật của mình.

Một người đàn ông có nhiều gương mặt nhất trên sân khấu có tạo nên một Thành Lộc đầy màu sắc ở ngoài đời?

- Tôi được mọi người ưu ái gọi là “phù thủy” trên sân khấu, có khả năng biến hóa nhân vật. Để được khán giả yêu mến đến ngày hôm nay, ngoài tài năng, tôi khá may mắn khi được giao nhiều vai diễn có tính cách khác nhau để thử sức. Chính vì diễn đa dạng vai nên ngoài đời, mọi người cũng nói tôi thuộc kiểu người đa nhân cách. Tôi chơi với ai cũng được, nhiều đẳng cấp khác nhau từ trí thức, người lao động, giàu, nghèo, tốt, xấu…

Là người rất khó chịu

Anh nói mình có tài nhưng cũng có tật. Cái tật của anh là khi làm việc, rất khó chịu, dễ gây xung đột?

- Tôi thuộc dạng người đã ghét cái gì là ghét cay ghét đắng. Tôi rất ghét những người có suy nghĩ nghệ thuật là “nghề chơi ” hay “làm cho vui”. Ai bảo làm nghệ thuật là chơi, là cho vui. Đó là nghề khó khăn, vất vả, đổ mồi hôi sôi nước mắt, thậm chí cả máu, chứ đâu dễ dàng gì.

Ai làm việc chung với tôi mà có tư tưởng vừa làm vừa chơi hay tỏ thái độ “chảnh” là tôi nói thẳng liền. Tôi không bao giờ coi thường lao động của người khác nên rất ghét những người coi thường nghệ thuật của mình. Một khi tôi đã bất phục là tôi không bao giờ nể và hợp tác nữa. Đó là suy nghĩ không được tử tế cho lắm! Bởi vậy theo tôi, nghệ thuật sống để trở thành một con người tử tế rất khó, khó gấp trăm lần so với nghệ thuật diễn kịch trên sân khấu.

Trong cuộc sống, anh có quá nguyên tắc như vậy không?

- Không. Tôi rất thoải mái. Thậm chí còn… giỡn cợt nữa. Con người không ai hoàn thiện, kể cả thiên tài cũng không hoàn hảo. Sống là một quá trình hoàn thiện nhân cách.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại