LTS: Những tâm sự của một cô gái 9X - lứa tuổi vốn bị cho là "chỉ biết có Kpop" - trong dịp kỷ niệm 13 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hẳn khiến nhiều người hâm mộ nhạc Trịnh suy nghĩ. Trong thư gửi tòa soạn, cô gái nhiều lần nhấn mạnh mình không hề có ý định "dìm hàng" ai, mà chỉ muốn nói cảm nhận riêng của mình về nhạc Trịnh... Sau đây, chúng tôi đăng tải bài viết của bạn gái 9X này về các ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn:
>Đọc lại bài trước: Cô gái 9X thấy "ngu ngốc" khi nghe Quang Dũng hát nhạc Trịnh
Ngoài 3 người trên (Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng), có rất nhiều ca sĩ khác hát nhạc Trịnh. Là tôi không đủ hiểu để cảm được hay họ hát quá khác mà tôi thấy không có chút Trịnh nào trong những bản tình ca họ biểu diễn? Mỹ Linh kỹ thuật tốt, phát âm sáng, rõ, tròn tiếng nhưng chính vì quá rõ ràng nên tôi thấy nhạc Trịnh chị Linh hát như lột sạch cảm xúc vậy. Còn Thanh Lam đôi khi quá cháy bỏng trong cảm xúc mà thực sự thì phải nói là làm quá các ca khúc của Trịnh nên tôi không thể nào nghe được. Thực ra cả hai người họ đều là những ca sĩ có giọng hát đẹp, chỉ là giọng hát đó không phù hợp để truyền đạt chất Trịnh.
Nhưng có lẽ tệ nhất mà tôi phải nghe là Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng...
Tôi biết khi viết những dòng này có lẽ tôi sẽ bị ném đá bởi các fan của họ, nhưng thực sự nhiều khi tôi cầu mong họ đừng hát nhạc Trịnh. Đàm Vĩnh Hưng giọng khàn nhưng không ấm, cũng không vang nghe như kiểu bức bí khó chịu, thực lòng tôi thấy Đàm Vĩnh Hưng hát như tên say rượu, tuy không lè nhè nhưng cứ khiến người ta mệt mỏi. Nhiều bài anh hát gằn mạnh lên, tôi chỉ thấy xót.
Đàm Vĩnh Hưng làm người nghe mệt mỏi khi hát nhạc Trịnh.
Xót bởi một ca khúc vốn nhẹ nhàng, buồn mang mác, lắng đọng trong tâm hồn con người thì nghe anh hát tôi chỉ thấy nỗi bực mình muốn được trút giận. “Biển nhớ” ơi, sao không còn thấy bóng dáng của anh chàng si tình khắc khoải trông ngóng cô nhân tình đã đi xa, mà chỉ thấy một anh chàng thô kệch uất ức kêu gào cô người yêu cũ lỡ bỏ anh mà đi...
Còn Mỹ Tâm thì để nói về chị có vô khối thứ: chị xinh đẹp, giọng của chị vang sáng, chị cũng thuộc chất giọng khá lạ và hay. Nhưng nghe chị hát nhạc Trịnh, tôi cảm thấy vô cùng mơ hồ. Giọng của Mỹ Tâm khá nam tính, đáng ra nó phải tạo được hiệu ứng như Khánh Ly bởi chất giọng của Khánh Ly không phải trong veo, cao vút như giọng cả nữ khác. Nhưng có lẽ nó hoàn toàn ngược lại. Tôi luôn cảm giác những điều tinh tế nhất, ngọt ngào nhất và những chất buồn rủ đặc trưng nhất của nhạc Trịnh bị cái sự nam tính trong giọng của Mỹ Tâm chèn ép hết cả.
Sự nam tính trong giọng Mỹ Tâm "chèn ép" nhạc Trịnh.
Tệ nhất của Mỹ Tâm là khi chị hát “Đóa hoa vô thường”!
Tôi không hiểu mọi người nghe làm sao, nhưng tôi thấy kinh khủng nhất là chị nhảy tưng bừng khoảng nửa bài hát mà đoạn đó tôi đã từng yêu cái lí lắc đáng yêu mà chị Bống từng hát. Thực lòng mà nói, cái vô thường siêu thực của đóa hoa mong manh mất hoàn toàn khi nghe qua giọng ca Mỹ Tâm.
Gần đây tôi lại nghe báo chí đưa tin về đêm nhạc Trịnh mà Mỹ Tâm hát sai lời trầm trọng. Không hiểu mọi người nghĩ sao, nhưng nhạc Trịnh hay bởi phần lớn lời ca ý nghĩa. Rõ ràng phải cảm, phải hiểu và biết mình sẽ truyền lại cho người nghe điều gì. Nhưng Mỹ Tâm thì ôi thôi, chị hát sai quá nhiều với một “Hạ trắng” tuyệt phẩm như vậy. Chỉ cần sai lời, mạch cảm xúc sẽ hoàn toàn thay đổi.
Tôi không hiểu “Gọi tên em mãi chết trên sông dài“ có liên quan gì với “Gọi tên em mãi suốt cơn mê này”, hay đáng lẽ là “Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi” thì Mỹ Tâm “sửa” thành “Gọi nắng cho tay em dài gầy thêm nắng mai”. Hát sai lời như việc lái một con tàu đi chệch hướng vậy, vốn là dẫn người nghe đi đến vùng đất mơ thì nay lại đưa người ta vào chỗ tối tăm mịt mù để rồi bối rối không biết bản thân đang ở nơi đâu.
Tôi đã thực sự thấy giận vì Mỹ Tâm tham gia một chương trình lớn như vậy, lại hát những bài hát của một người nghệ sỹ có tầm ảnh hưởng bao thế hệ như vậy mà chị không thể học thuộc lời và truyền tải trọn vẹn bài hát.
Trịnh Công Sơn lúc sinh thời thường nói: "Để có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong âm nhạc và riêng trong những ca khúc của tôi, cần có một linh cảm nhạy bén và vốn kiến thức nhất định”. Vì thế, không phải ai cũng hát được nhạc Trịnh. Nếu không thể cảm nhận, không thể hiểu thì hát nhạc Trịnh sẽ trở thành thảm họa.
Ông cũng nói: “Giọng ca, kỹ xảo chỉ mới là phân nửa, phân nửa là do sự cảm nhận, tri thức và rung cảm của người hát quyết định". Sự cảm nhận của mỗi nghệ sĩ là khác nhau, cách truyền đạt sự cảm nhận ấy đến với công chúng cũng là khác nhau. Nhưng với một người yêu mê đắm nhạc Trịnh như tôi, có lẽ những cảm xúc tuyệt vời nhất mà nhạc Trịnh mang lại sẽ chỉ sống trong giọng ca của Khánh Ly, Hồng Nhung và Quang Dũng mà thôi.
Tôi chỉ hi vọng bất cứ ai sau này hát nhạc Trịnh đầu tiên hãy hiểu lời của Trịnh, hãy cảm lời của Trịnh. Để rồi sau đó truyền tải trọn vẹn câu từ của bài hát, cảm xúc bài hát. Xin đừng bóp méo, biến hóa những tuyệt phẩm của Trịnh. Bởi với người yêu nhạc Trịnh, đôi khi nó còn hơn cả lẽ sống.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.