Không sợ bị "ném đá"
- Nổi tiếng trên ghế giám khảo “Vietnam Idol, lý do gì khiến anh gật đầu ngồi “ghế nóng” một show đối thủ - “The Voice 2013”?
Thực ra, nếu có gọi là đối thủ thì sự cạnh tranh đó cũng chỉ với mục đích mang lại những chương trình cố chất lượng cho khán giả. Một trong những lý do quan trọng nhất để tôi tham gia chương trình Giọng hát Việt năm nay này là muốn đóng góp nhiều hơn trong việc tạo điều kiện để các bạn trẻ có niềm đam mê với âm nhạc cí thêm cơ hội theo đuổi những cá tính âm nhạc riêng.
- Điều này đồng nghĩa với khả năng năm nay anh có thể không làm giám khảo “Vietnam Idol”?
Cho tới bây giờ tôi cũng chưa biết, vì không chắc chắn nhà sản xuất có tổ chức Vietnam Idol nữa không. Nói thật, tôi cũng muốn chương trình này dừng lại. Tôi đã làm 2 năm rồi nên không còn cảm hứng nữa. Tôi muốn thay đổi. Nếu có quay lại với Vietnam Idol thì tôi cũng sẽ làm nhiệm vụ khác chứ không phải ngồi “ghế nóng”.
- Theo anh, lý do nào khiến “Vietnam Idol” kém sức hút hẳn so với những show truyền hình khác hiện này?
Tôi không nói Vietnam Idol năm ngoái không thành công, bởi mỗi chương trình sẽ có tiêu chí riêng. Thành công hay không ở ban tổ chức và nhà sản xuất, vì họ sẽ có những đánh giá riêng.
Có một thực tế là ở việt Nam, bao giờ chương trình mới cũng sẽ được đón nhận nhiều hơn. Vietnam Idol đã qua mùa thứ 4 nên không thể mới như The Voice. Chương trình Vietnam Idol cũng có sự hấp dẫn riêng của nó đấy chứ. Nó là một trong những giấc mơ ca hát của rất nhiều người, không nhất thiết phải là ca sĩ. Đó là điểm mạnh riêng của chương trình.
- Riêng với trường hợp của Ya Suy, anh đánh giá sao khi có người cho rằng, Quán quân Vietnam Idol 2013 đã kéo thụt lùi nền âm nhạc?
Thứ nhất, nó là format và trong mọi nhìn nhận, chúng ta cần phải đánh giá 2 mặt. Có thể, một bạn không phải là ca sĩ lên ngôi thì việc đầu tiên chúng ta hãy nhìn nhận đó là sự lựa chọn của khán giả. Chúng ta phải hiểu khán giả đang cần, đang muốn thứ gì. Và từ đánh giá ấy, những nhà sản xuất hay những người làm âm nhạc sẽ có hướng đi và sự phát triển theo. Tôi nghĩ, Vietnam Idol là giấc mơ có thể đến với bất cứ ai.
Với trường hợp của Ya Suy, tôi nghĩ rằng, âm nhạc vốn không thể đánh giá theo bằng cấp, trình độ mà cần theo cảm xúc, sự hồn nhiên.
- Với chương trình “The Voice”, anh từng phản đối sự hợp tác giữa Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng. Thế mà giờ anh lại ngồi cùng hàng “ghế nóng” với họ đó thôi?
Việc tôi ủng hộ hay không ủng hộ là nằm trong tiêu chí phát triển của nghệ sĩ. Có thể với Thanh Lam không phù hợp nhưng đối với Đàm Vĩnh Hưng, tôi luôn tôn trọng cậu ấy trên phương diện của một đồng nghiệp, một ca sĩ đam mê và tâm huyết với nghề.
Tuy không cùng quan điểm nghệ thuật, về âm nhạc nhưng luôn tôn trọng đồng nghiệp về sự chọn lựa cũng như những quan điểm khác nhau.
- Sau khi danh sách 4 vị huấn luyện viên được tiết lộ, nhiều khán giả bắt đầu lo lắng khi cho rằng, việc đặt Quốc Trung - Mỹ Linh và Hồng Nhung bên cạnh Đàm Vĩnh Hưng chẳng khác nào đặt “Học viện Âm nhạc” bên cạnh “Lò luyện nghiệp dư”. Anh nghĩ sao về sự khập khiễng này?
Tôi nghĩ mọi người phải chờ chương trình diễn ra thì mới biết hiệu quả thế nào, còn ban tổ chức đã có những định hướng riêng của họ và muốn dung hòa giữa ca sĩ học thuật và một ngôi sao giải trí. Đấy là một điều cần thiết cho chương trình.
- Liệu rằng sẽ có khoảng cách giữa một vị huấn luyện viên được đánh giá cao về chuyên môn như anh với một ngôi sao giải trí?
Tôi tự tin về khả năng của mình. Tôi nghĩ các bạn hãy cứ chờ đón xem mới biết được.
- Đến với chương trình “The Voice” cũng đồng nghĩa với khả năng anh dễ bị “ném đá” hơn. Anh có lo sợ về điều này?
Tôi không sợ bởi tôi không phải là người thích tạo scandal (Cười).
- Anh hẳn sẽ là một vị huấn luyện viên khó tính trên “ghế nóng”?
Chưa chắc (Cười).
- Có phải vì có sự xuất hiện của Đàm Vĩnh Hưng nên Thanh Lam từ chối ngồi “ghế nóng” trong năm nay?
Cái này tôi không biết được.