Quách Ngọc Ngoan: "Với bạn gái, luôn chung thủy"

Trong chương trình "Chuyện đêm muộn", Ngọc Ngoan cho rằng, anh là người rất chăm chút cho gia đình nhưng hay bị hiểu lầm.

Sau ly dị, người phụ nữ thường thiệt thòi”

Tên là Ngoan nhưng có bao giờ Ngoan nghĩ mình hư chưa?

Em không biết mọi người nghĩ về em như thế nào nhưng nhiều người gặp em thì hay hỏi: Tên thì ngoan nhưng không biết có ngoan không? Em trả lời là: Tên là ngoan còn thực tế con người thì quá ngoan.

Ông nổ quá ông ơi. Ông ngoan gì thì ông kể cho tôi nghe đi, tôi nói trước là tôi rất biết ông đấy nhé.

Với bạn gái, em luôn chung thủy.

Chung thủy với hết người này rồi người kia chứ gì?

Không. Em chỉ chung thủy với bạn gái em thôi. Còn những người khác, không phải là bạn gái em thì em không chung thủy. Trong tình yêu em luôn có ưu ái đặc biệt dành cho người yêu của mình. Ngoài ra, em không rượu bia, chơi bời.

Vâng. Có những người không rượu bia là do đạo đức. Nhưng Ngoan không rượu bia là do dị ứng, vì thế, không thể liệt vào điểm tốt được.

Không phải em không uống được rượu do dị ứng mà em không thích uống rượu. Em thấy nhiều trường hợp có những hành động không đẹp sau khi uống rượu vì thế em tránh xa rượu bia. Và em còn rất nhiều điểm tốt nữa, chỉ không tốt trong một số điểm thôi.

Hôm nay, chúng ta bàn về một chủ đề khác. Thông thường một đám cưới sẽ là cha mẹ hai bên đến gặp nhau rồi bàn về ngày lành tháng tốt, xem xét đặt tiệc. Nhưng cũng có nhiều đám cưới không thế, tức là họ cưới chạy. Đôi khi cưới chạy không phải là xấu đâu. Có thể họ cưới vì sắp phải đi xa, sợ mất một cơ hội gì đó. Ngoan nghĩ gì về việc này?

Theo em, chuyện cưới gấp cũng là một việc hết sức bình thường.

Ngày xưa thì các cụ hay có đám cưới chạy tang. Tức là đáng lẽ ra chưa diễn ra đám cưới đâu nhưng mà do trong nhà có một người sắp mất. Nếu trong nhà có người thân mất thì phải sau ba năm, hết thời gian chịu tang mới được cưới.

Trường hợp này cũng chính đáng vì cần thiết phải làm việc đó. Quan trọng họ phải yêu thương nhau.

Có những người họ sống với nhau không cưới thì họ chẳng chạy gì cả. Theo Ngoan thì sao?

Trước kia, “ăn cơm trước kẻng” là chuyện hết sức kinh khủng nhưng giờ thì người ta thấy bình thường. Các bạn sinh viên ở các miền quê khác nhau, cùng lên thành phố trọ học. Khi họ gặp nhau, họ có cảm tình và yêu nhau. Lúc đầu họ ở riêng nhưng về sau họ dọn về ở cùng. Có thể, một số người có cái kết đẹp nhưng một số người thì không.

Trong giới nghệ sỹ cũng vậy, nhiều người ở với nhau, thậm chí có con với nhau nhưng không cưới. Quan trọng khi sống phải chia sẻ, quan tâm với nhau. Một số người nghĩ họ chưa có điều kiện kinh tế để làm đám cưới.

Đàn ông thì dễ còn phụ nữ thì bị thiệt thòi, trừ những cô gái cực kỳ hiện đại mới chấp nhận chuyện đó.

Với định kiến và suy nghĩ hiện nay thì làm cái gì phụ nữ cũng chịu thiệt. Khi lập gia đình, có đám cưới đẹp, có với nhau một, hai mặt con, nhưng ly dị thì người phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Còn nếu chỉ sống thử với nhau thì người phụ nữ còn thiệt thòi hơn. Và người đàn ông sống kiểu ấy cũng phải coi lại mình. Gia đình của người phụ nữ cũng rất nặng nề nếu con gái của mình sống với đàn ông mà không cưới, hoặc có con trước khi cưới. ở dưới quê em, người phụ nữ có thai trước khi về nhà chồng thì không được bước vào cửa chính. Họ không vô tư như trên thành phố.

Nhưng tỉ lệ đàn ông ở quê có vợ bé cực kỳ cao. Trong khi ở trên thành phố, bỏ một cô vợ không đơn giản, thậm chí, nhiều người không dám bỏ hẳn vợ để ở cùng vợ bé. Trong khi tôi tâm sự với nhiều sinh viên, cô ấy cho rằng, từ khi bỏ mẹ con cô ấy xong thì ông bố không ngó ngàng gì đến.

Ở quê, sự thông thoáng và hiểu biết của người đàn ông bị bó buộc, trong khi đó lại du nhập nhiều trò giải trí như karaoke, bia… Lúc đầu, một người đàn ông có bốn mặt con và một người vợ sống rất bình thường. Nhưng đến khi có các trò giải trí như trên về, họ cũng thử vào xem như thế nào. Rồi đến khi trong các quán đó có thêm một số hình thức khác nữa như karaoke ôm, bia ôm, có em gác tay, gác chân… Dần dần người đàn ông đó bị ảnh hưởng, thậm chí có những quyết định rất táo bạo. Họ không xem nặng vấn đề trách nhiệm. Họ thích là làm. Đôi khi suy nghĩ của họ hơi cục.

“Tôi là người xem trọng gia đình”

Thế nên, con trai ở quê lên thành phố thì sống có trách nhiệm hơn, phải không Ngoan?

Cũng tùy người anh ạ. Nhiều người đàn ông luôn có suy nghĩ về gia đình nhưng cũng có nhiều người không xem trọng gia đình.

Em tự xếp mình vào loại nào?

Khi em sống một mình thì sao cũng được nhưng khi có gia đình thì em rất lo cho gia đình.

Tôi nghi ông lắm nhé. Ông là người… hơi nhẹ dạ.

Em không thích khoe khoang và không muốn cho nhiều người biết chuyện tình cảm. Nhưng khi báo chí hỏi thì em chỉ trả lời cho xong. Mọi người lại nghĩ là em thờ ơ với vợ, em không tốt. Khi em làm đám cưới thì đó là một sự giải thích, một câu trả lời ngắn gọn nhất cho những xì xào kể trên.

Chú thì mắc lỗi hồn nhiên, không hiểu cái lắt léo của chữ nghĩa nên trả lời báo chí hay bị lỗi, hớ.

Em chưa có kinh nghiệm. Và em chỉ ước sau này có được 1/4 khả năng ngôn ngữ của anh Hoàng.

Như Ngoan đã nói, đám cưới đôi khi không quan trọng bằng chuyện tình yêu. Nhưng chúng ta nghĩ gì về chuyện đám cưới lo xa, ví như ngày xưa có chuyện đám cưới chạy hộ khẩu ấy. Ngày xưa, ở Sài Gòn chuyện nhập hộ khẩu khó lắm. Nếu một người phụ nữ tỉnh ngoài muốn có hộ khẩu ở Sài Gòn thì phải lấy chồng Sài Gòn… Vì thế mới có nhiều câu chuyện rất thương quanh cái sổ hộ khẩu.

Bây giờ còn có cả đám cưới chạy bệnh nữa anh ạ. Em từng đọc một bài báo nói về đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Anh con trai bị bệnh nặng, cô gái quyết định cưới để giữ lời hứa.

Bây giờ còn có cả đám cưới chạy nhập tịch, đám cưới chạy tiền (vì không cưới nhanh thì người chồng chết).

Vậy em hỏi bác, hồi bác cưới thì chạy gì?

Hồi ấy mình chỉ cưới chạy tuổi thôi. Ngày ấy cả hai người đã 28 tuổi. Ngày ấy thì là cao nhưng hiện nay thì là bình thường. Mình cưới vì sợ già. Giờ thì thấy đứa con sao mà lớn thế. Con mình lớn thì không sao nhưng chỉ thấy là nó kém dễ thương so với lúc nó còn bé. Mình cũng cưới chạy nhưng nó đơn giản hơn giờ nhiều.

Cảm ơn Quách Ngọc Ngoan về cuộc trò chuyện ngày hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại