Quýt là một con lợn nhưng nó không phải là một con lợn bình thường. Nó là diễn viên. Quýt được NSƯT Tống Toàn Thắng - Trưởng đoàn 3 thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam - đưa về rạp xiếc khi còn nhỏ.
Tính đến nay, nó đã ở rạp xiếc được 4 năm. Chỗ của Quýt là một căn phòng nhỏ ngay ở bãi xe. Mọi người trong đoàn rất quý nó, đi đâu về cũng có quà.
Quýt khá thân thiện, tuy nhiên nó rất ít khi mỉm cười hay tỏ ra gần gũi với người lạ. Ngược lại, nếu nghe tiếng người quen, nó lập tức chạy ra, khoe cái mặt hớn hở để chờ được thăm hỏi.
Bài phỏng vấn một con lợn nằm trong Tuyến bài "PHỎNG VẤN GIẢ TƯỞNG" của Báo Trí Thức Trẻ/Soha.vn, đăng mỗi tuần 1 bài. Tuy nhiên, nội dung và các biến cố của "nhân vật" được nhắc tới trong bài, hoàn toàn có thật.
Ở đây, bằng 1 hình thức phỏng vấn khác lạ, chúng tôi cố gắng truyền tải 1 góc nhìn đặc biệt về cuộc sống vất vả, đầy khó khăn của các diễn viên Xiếc.
- Chào diễn viên, lâu lắm mới gặp bạn?
Chị cứ gọi tôi là Quýt cũng được. Ở đây, mọi người hay gọi tôi bằng tên.
- Tôi ấn tượng với bạn lắm, kể từ khi anh Thắng (NSƯT Tống Toàn Thắng) cứ lặp đi lặp lại với tôi rằng, bạn không phải là một con lợn bình thường đâu, một diễn viên đấy!
Tôi cũng ấn tượng với chị, kể từ khi tôi nhìn thấy chị vô tư quên chìa khóa trên xe rồi tung tăng vài tiếng đồng hồ sau mới hớt hải quay lại tìm kiếm.
- Chà chà, hình như chẳng việc gì trong rạp xiếc này qua được mắt bạn. Lần đó, tôi ở rạp xiếc suốt một tuần liền để tìm hiểu về cuộc sống của các diễn viên.
Chị thấy sao?
- Một từ thôi: Cực!
Chị biết con đom đóm không, đời xiếc cũng giống vậy, sáng một lần rồi tắt. Tắt rồi thì chẳng ai buồn nhớ. Mấy anh chị ở đây, ai cũng vào nghề từ thuở thiếu niên, sống xa gia đình, khổ luyện mấy năm trời mới đến được với nghề.
Vậy mà sống bằng nghề chưa bao giờ là dễ. Xiếc không thì đói nhăn răng, họ còn phải múa rồi làm nhiều thứ khác để thu hút khán giả.
Cát-xê chẳng được bao nhiêu vậy mà mấy cái tên bầu sô trời đánh còn “treo đầu dê, bán thịt chó”, làm mất lòng tin của khán giả ở tỉnh.
Trước, mỗi lần diễn tỉnh, các anh chị chỉ cần chuẩn bị đạo cụ rồi lên đường, bữa nay họ còn phải về trước vài ngày để phát tờ rơi, quảng cáo rồi bán vé, đủ cả. Thương lắm.
Nói đến đây tôi lại sôi máu, chị cho tôi chửi thề cái đám người vô lương tâm kia nhé. Cái đồ người vô lương tâm, cái đồ người mất dạy.
Diễn viên Quýt.
- Thôi, chửi thế thôi. Ý mà tôi tưởng bạn chỉ quanh quẩn xó này, hóa ra chuyện gì cũng biết...
Anh Thắng là người đưa tôi về với rạp xiếc này, anh cưng tôi lắm, mọi người ở đây cũng xem tôi như một thành viên của gia đình. Tôi không nói nhưng vẫn dõi theo từng bước chân của họ.
Nửa năm nay, tôi thấy anh Thắng đi đi về về như con thoi, gương mặt lo lắng còn thần sắc thì phờ phạc. Tôi thương anh, thương cả những cố gắng anh đang làm để giữ lấy tình yêu của khán giả với xiếc.
Anh không nói nhưng tôi hiểu, thời điểm này đối với mọi người rất khó khăn.
- Hai chữ khó khăn, tôi đi đâu cũng nghe nói đến, đâu phải chỉ mỗi nơi này?
Tôi đồng ý với chị, mỗi nghề có một đặc thù riêng nên tôi cũng không định than thở hay so sánh. Tôi chỉ là một con Lợn, có sô thì diễn, không có sô thì nằm đây, nhìn ngắm mọi người qua lại.
4 năm đủ dài để tôi thuộc tiếng xe, tiếng bước đi của từng người. Chỉ cần hôm nào âm thanh nghe nặng nề hơn chút xíu, tôi đã biết lòng ai có nhiều tâm sự.
Cơm áo gạo tiền đó, đề tài muôn thưở. Có nhiều người cũng chỉ vì bốn chữ này mà bỏ nghề, kiếm kế sinh nhai khác. Có người đi một thời gian rồi trở lại, có người chẳng thấy tăm hơi.
Tôi nhớ, mọi người nhớ, chứ chẳng ai trách móc bởi làm gì có ai sống giúp được cho ai.
Chị biết tôi sợ nhất điều gì không? Đó là tiếng bước chân gấp gáp. Có lần, tôi đang nằm thì nghe dồn dập, hóa ra có chị bị ngã từ trên dây cách mặt đất 3 mét xuống mặt sàn. Gương mặt ai cũng sợ hãi, biến sắc.
Sau lần ấy, tôi không nghe thấy tiếng bước chân chị nữa, thay vào đó là tiếng xe lăn cót két. Đau lắm.
- Đáng sợ như thế thì còn ai dám làm nghề?
Vẫn làm chứ chị. Chuyện ngã từ trên dây xuống đâu phải chỉ một, hai lần. Một người rơi xuống, cả đoàn sợ hãi nhưng rồi sau đó, các diễn viên vẫn lao vào tập luyện, biểu diễn.
Một khi đam mê đã ăn vào máu thì dù thế nào, họ vẫn muốn được hết mình trên sân khấu.
Anh Tống Toàn Thắng và Quýt.
- Nhưng như thế để được gì cơ chứ?
Để tôi kể chị nghe câu chuyện của anh Thắng. Nghe xong, tôi nghĩ chị sẽ biết họ được gì.
Anh Thắng tên đầy đủ là Tống Toàn Thắng. Mọi người thích gọi anh là lực sĩ, nghệ sĩ ưu tú nhưng với tôi, anh Thắng “trăn” là người đàn ông 4 lần thoát chết.
Anh là diễn viên xiếc trăn đầu tiên của Việt Nam. Tính tới thời điểm này, anh đã làm nghề được 25 năm. Bạn diễn thường xuyên của anh là 7 con trăn cực lớn. Bọn nó đôi lúc không nghe lời được như tôi nên sự cố xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Có lần đang diễn, bọn chúng bỗng nhiên trở chứng, siết chặt cổ khiến anh gục xuống, mắt mờ, môi khô. Những người xung quanh sợ hãi gào thét trong khi anh chẳng có phản ứng gì.
Tất cả phải xúm vào mới gỡ được con trăn ra để đưa anh vào bệnh viện. Sau lần chết hụt đó, ai cũng sợ, cũng nghĩ là anh sẽ bỏ nghề nhưng không. Thấy trong người ổn hơn, anh tiếp tục quay lại sân khấu.
Một lần khác, anh bị cắn ở sân vận động Thái Lan, máu me phun đầy người, khán giả sợ xanh mặt. Thế nhưng anh vẫn cố gắng diễn hết tiết mục.
Khi quay vào hậu đài, anh cho hai con trăn vào hòm nhưng con đang cắn kiên quyết không nhả.
Cảnh sát cầm dùi cui điện định dí vào nhưng anh Thắng cản vì anh biết, mồ hôi đầm đìa nếu họ dí vào anh sẽ là người bị giật đầu tiên.
Mất một lúc, nó mới chịu nhả, tay anh Thắng máu phun tứ tung còn anh thì gục xuống. Những người xung quanh kinh hãi, cô giám đốc còn hét lên: “Thắng ơi, đừng chết, cháu ơi, đừng chết”.
Vậy mà chỉ sau một mũi tiêm, anh kiên quyết quay lại sân khấu, mặc một chiếc áo dài tay và chạy ra chào khán giả như chẳng có chuyện gì. Lần ấy, khán giả Thái gọi anh là người hùng đến từ Việt Nam.
Người hùng, nghe cũng oách nhưng đó không phải là sự đền đáp xứng đáng cho những đánh đổi của người nghệ sĩ. Khi họ làm việc bằng tất cả đam mê, được mất liệu có xá gì.
- Có khi nào họ đang nhầm lẫn giữa đam mê và dại dột không?
13 tuổi bước vào trường xiếc, chịu đựng mọi sự đau đớn và chấn thương khi luyện tập, khóc thầm từng đêm vì nhớ nhà.
Vì cơm áo gạo tiền, nhìn những người bạn của mình lần lượt bỏ nghề để kiếm kế sinh nhau trong khi bản thân vẫn cố chấp bám trụ.
Quýt - 1 thành viên đặc biệt của đoàn xiếc 3 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Sợ hãi nhìn đồng nghiệp ngã từ trên dây xuống đất, chấn thương phải ngồi xe lăn trọn đời rồi sau đó tiếp tục đánh đổi.
Làm nghệ sĩ kiêm luôn dựng sân khấu, trèo lên trần nhà cao vút để gắn cáp mà không có bảo hiểm, bê từng thùng đạo cụ nặng trịch giữa đêm, ăn những bữa cơm tạm bợ để chờ đến giờ diễn...
Chịu đựng những cơn đau vì thái hóa đốt sống cổ khi về già. Tôi nghĩ, tất cả mọi thứ không đơn giản chỉ là dại dột.
- Ừ, nhưng nghề mà, biết phải làm sao...
Thế nên tôi cũng chẳng mong gì nhiều, chỉ hy vọng mỗi suất diễn của các anh chị đều đông khán giả. Có như vậy, người nghệ sĩ mới vững lòng để bước tiếp.