Thể loại phim kinh dị còn khá mới mẻ bởi một lẽ có nhiều yếu tố khách quan tác động lẫn về khâu kiểm duyệt, kĩ thuật sản xuất lẫn ý tưởng kịch bản văn học.
Lựa chọn ra một câu chuyện điển hình đủ để dựng một tác phẩm điện ảnh đòi hỏi rất cao. Làm thế nào phù hợp với thuần phong mỹ tục, những “rào cản” về mặt xã hội lẫn mức độ kinh dị được phép đó là điểm mà các nhà sản xuất phim hiện nay rất băn khoăn.
Gần đây, khán giả trong nước không ít phen hú vía khi thưởng thức những bộ phim kinh dị được dựng lại trên nền tảng câu chuyện có thật xảy ra ở các giai đoạn khác nhau của nước ngoài.
Sự tò mò về những bộ phim có dạng thức thế này đang khiến các rạp chiếu phim cháy vé, nhưng với phim Việt thì câu chuyện lại càng khó khăn hơn.
Nếu như những ai mê truyện tâm linh, truyện cổ có một chút ma mị thì không thể bỏ qua tác phẩm Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, thì trong khi tàng văn học Việt Nam có tác phẩm khá tương xứng đó là Việt điện u linh tập nhưng đa phần kể về những vị thần xa xưa. Rõ ràng, nguồn kịch bản văn học chúng ta không thiếu nhưng lấy yếu tố nào dựng thành phim đó là một thử thách không nhỏ cho các đạo diễn trót đam mê thể loại này.
Chúng ta chưa có những đạo diễn theo dòng, thể loại phim một cách rõ ràng. Ngay cả các thể loại điển hình như hành động, lãng mạn, hài hước, tâm lý… cũng khó có để có những cái tên chuyên sâu. Hầu hết các đạo diễn đều sẵn sàng “nhảy” từ thể loại này sang thể loại khác mà chưa kịp gây dấu ấn lớn để mỗi khi nhắc đến tên họ là khán giả sẽ nhớ mãi.
Vì vậy, trong vòng quay chung ấy ấn tượng về phim kinh dị Việt vẫn chưa rõ. Có thể điểm qua một vài phim có yếu tố ma mị đã góp phần dấy lên làn sóng phim kinh dị như Chết lúc nửa đêm của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín phát hành năm 2008, Nụ hôn thần chết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng năm 2007, Khi yêu đừng quay đầu lại của đạo diễn Võ Nghiêm Minh năm 2009...
Gần đây nhất thì có Lời nguyền huyết ngải, Cột mốc 23, Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp 3 (không được phép công chiếu) và sắp tới là Biết chết liền của đạo diễn Lê Bảo Trung. Một bộ phim đình đám suốt thời gian qua là Scandal – Bí mật thảm đỏ dù không thuộc thể loại kinh dị nhưng cũng đầy yếu tố tâm linh, bí ẩn.
Trong những bộ phim đó đã cho thấy một quá trình phát triển khá táo bạo của phim kinh dị trong nước. Dù còn rất nhiều khó khăn để kể một câu chuyện ma có thật, hay chỉ là hư cấu một yếu tố tâm linh trong cuộc sống nhưng ít nhiều các tác phẩm điện ảnh này phần nào thỏa mãn trí tò mò về phim kinh dị thương hiệu Việt.
Chết lúc nửa đêm dù có nhiều ý kiến đánh giá là không thành công, nội dung hơi nhảm nhưng nhà sản xuất khá táo bạo khi chọn những bối cảnh, câu chuyện rất sát với đời sống thực tế, phần nào khơi gợi được yếu tố kinh dị từ trong cuộc sống của khán giả.
Tương tự là Lời nguyền huyết ngải và Ngôi nhà trong hẻm cũng là 2 phim lấy 2 yếu tố tâm linh có thật để hư cấu thành câu chuyện điển hình đó là một loại bùa ngải trong dân gian và những hồn ma ám ảnh không siêu thoát...
Cột mốc 23 xen lẫn kinh dị và yếu tố tâm linh
Với Scandal, câu chuyện về bùa ngải cũng được đan cài một cách khéo léo tưởng thật mà chơi, có như không, không mà có. Chính cách làm này khiến các phim không bị “bắt thóp” ở khâu kiểm duyệt.
Rõ ràng, trong đời sống thực tế và văn chương, chúng ta không thiếu những câu chuyện huyễn hoặc đủ thú vị để đưa lên màn ảnh. Và sắp tới đây, thêm một bộ phim điện ảnh cũng có yếu tố kinh dị sẽ chính thức ra mắt là Biết chết liền của đạo diễn Lê Bảo Trung.
Vẫn lấy các nhân vật trung tâm là giới trẻ, yếu tố ma mị đã được thể hiện ngay trong đoạn trailer. Và điểm chung của rất nhiều bộ phim kinh dị Việt hiện nay chính là cái kết được giải thích dựa trên những hành động có yếu tố hoang tưởng hay chỉ là hù dọa của người còn sống để cảnh tỉnh.
Đây cũng là một phong cách làm phim kinh dị thuộc về mặt ý tưởng kịch bản. Tuy nhiên nếu cứ đi theo lối mòn đó càng ngày khán giả sẽ càng thấy nhàm chán và độ kinh dị không còn đủ mạnh để kéo khán giả đến với rạp. Và khi đó, trước sức ép sự phát triển như vũ bão của các phim nước ngoài, phim Việt sẽ dần dần chết yểu.
Trong khi, đa phần người xem đang có xu hướng thích những bộ phim được xây dựng trên các tác phẩm văn học lớn, những câu chuyện thu lượm được trong cuộc sống thực. Nếu cứ mãi đưa ra một lời giải thích có tính “giảm nhẹ” thì phim kinh dị chỉ còn có thể nói là phim “nhát ma” cho trẻ con.
Thực tế cho thấy, tại Hollywood rất nhiều phim kinh dị cũng như các thể loại khác đều được xây dựng trên các câu chuyện có thực. Những câu chuyện này hoặc đã được đưa lên báo chí, hoặc được chính người trong cuộc viết thành tự truyện. Yếu tố này trước hết đảm bảo cho tính chân thực. Và qua bàn tay nhào nặn của các nhà sản xuất, đạo diễn họ có thể “thêm, bớt” để câu chuyện cuốn hút hơn mà không hề vi phạm nguyên tác,
Làm phim kinh dị với nhiều đạo diễn hiện nay như “ngồi trên đống lửa” vì khâu kiểm duyệt ngày càng gắt hơn. Do đó, ở thể loại này vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, khi khán giả cũng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thể loại này. Sự tương quan giữa khán giả, hay các quy định hạn chế về độ tuổi khi vào rạp sẽ không bao giờ thiếu cho một bộ phim kinh dị hiện nay.
Tuy nhiên, với một thị trường điện ảnh còn khá non trẻ của Việt Nam, hệ thống rạp chiếu mới chỉ đáp ứng được một phần cũng như vấn đề liên quan đến bán vé thì việc cấm khán giả là điều khó thực hiện.
Yếu tố ma mị, kinh dị, tâm linh sẽ tiếp tục được các đạo diễn chọn lựa để làm phim hấp dẫn hơn nhưng thể loại phim kinh dị thật sự vẫn chưa tìm được “miền đất hứa” thật sự trong bối cảnh phim Việt hiện nay. Đó cũng là bài toán nan giải với hầu hết các thể loại phim khác của Việt Nam.