Phạm Bằng: Tối là vua chúa, ngày kéo... xe bò

Ngoài giờ diễn, nhiều nghệ sĩ đều làm thêm để có thu nhập, phụ vào đồng lương ít ỏi.

Khởi đầu theo học trường Cao đẳng Giao thông - Công chính, tưởng rằng cái nghề kỹ sư cầu đường sẽ gắn bó với ông, vậy mà Phạm Bằng lại đột ngột rẽ sang một ngạch khác, hoàn toàn xa lạ với ngành giao thông.

Tối là vua chúa, ngày kéo... xe bò - 1
NSƯT Phạm Bằng cùng cố diễn viên Văn Hiệp trong phim “Cụ tổ hiển linh”

Tối làm vua chúa, ngày kéo... xe bò

Sau khi thi đỗ trường nghệ thuật, cuối năm 1959, chàng trai Phạm Bằng trở thành thành viên chính thức của Đoàn Văn công Hà Nội. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn túng thiếu trăm bề, không phải riêng Phạm Bằng, mà anh chị em nghệ sĩ cùng đoàn với ông, ai cũng vậy.

NSƯT Phạm Bằng kể, hồi đó sở dĩ ông chọn Đoàn Văn công Hà Nội, đơn giản chỉ vì do gia đình khó khăn quá, mà về đây vừa được diễn, lại vừa có lương.

Cuộc sống vật chất thiếu thốn là thế, nhưng bù lại anh chị em nghệ sĩ, diễn viên sống rất vô tư, trong sáng, luôn đùm bọc lẫn nhau. Ngoài giờ diễn, đa số nghệ sĩ đều phải làm thêm để có thu nhập, phụ giúp vào đồng lương ít ỏi.

Chí Trung “buôn” xe đạp. Minh Vượng làm công nhân ép nhựa. Phạm Bằng vốn có nghề bán bánh trôi Tầu thì mở hàng bán. Phạm Bằng nói vui rằng, có thời gian tối làm vua chúa (đóng các vai vua chúa) ban ngày lại đi... kéo xe.

Số là ở nhà hát, có những việc mà bây giờ ta vẫn gọi là “cửu vạn”, như di chuyển phông màn, đạo cụ. Thay vì thuê người ngoài, anh em “xin” với giám đốc cho nhận làm, kiếm thêm. Mà hồi đó, lấy đâu phương tiện cơ giới? Chỉ có xe ba gác là phương tiện chủ lực. Cực khổ thật, nhưng còn có thêm một khoản thu quí giá.

Tối là vua chúa, ngày kéo... xe bò - 2
NSƯT Phạm Bằng chia sẻ về quãng đời gian khó.

Kỷ niệm về Trọng Khôi

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một số diễn viên gạo cội, đầu đàn vừa đến tuổi nghỉ. Trong số đó, có Phạm Bằng.

Trọng Khôi đã đề nghị số anh chị em này ở lại nhà hát. Thế là Phạm Bằng ở lại. Phạm Bằng nói rằng về tuổi tác, ông hơn Trọng Khôi đúng một “giáp”, nhưng về “vị trí” thì Trọng Khôi là lãnh đạo, là “thủ trưởng”, còn ông là “lính”. Ấy vậy mà trong giao tiếp, lúc nào Trọng Khôi cũng gọi “anh” xưng “em”. Phạm Bằng gặp riêng Trọng Khôi, bảo: “Anh tuy kém tuổi tôi, nhưng anh là Giám đốc, là thủ trưởng. Giả dụ như chỉ có tôi và anh, xưng hô thế cũng được. Đằng này ở cơ quan, có khi khách khứa...”.

Trọng Khôi gạt phắt: “Câu nệ gì! Anh vẫn là anh, em vẫn là em. Có gì mà anh phải băn khoăn?”. Phạm Bằng bảo: “Trước cách cư xử ấy của Trọng Khôi, khiến tôi cũng phải tự nghiêm khắc hơn với mình. Không la cà. Không sai hẹn. Đã vào việc, là “đốt cháy” hết mình”.

Được bảo đảm bằng vàng

Tính đến nay (2013) thì Phạm Bằng không còn nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu vở kịch, tiểu phẩm. Ông nói, cỡ khoảng trên dưới 300 vai diễn, cả trên sân khấu và truyền hình. Thời gian đầu, Phạm Bằng thường đóng và cũng thích hợp nhất, là các vai phản diện, vai “tiêu cực”. Sau này, khi đài Truyền hình ra đời “Gặp nhau cuối tuần“ thì Phạm Bằng nổi lên như một ngôi sao trong các vai hài, tiết mục hài của Đài.

Tối là vua chúa, ngày kéo... xe bò - 3
Phạm Bằng tới tiễn đưa người bạn NSND Trọng Khôi về cõi vĩnh hằng.

Có một kỷ niệm trong đời diễn mà Phạm Bằng còn nhớ mãi. Khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Đài Truyền hình có phát một vở kịch có tên “Được bảo đảm bằng vàng” (Kịch bản nước ngoài) nói khá mạnh về các vấn đề tiêu cực, mà hồi đó, nói chuyện tiêu cực còn dè dặt lắm. Với nhãn quan tinh tế, Phạm Bằng linh cảm thấy vở kịch này sẽ gây được tiếng vang, nhất là sẽ rất “ăn khách”, nếu đưa lên sân khấu.

Thế là Phạm Bằng xin kịch bản về, rồi tự bỏ tiền và chỉ đạo dàn dựng. Để giảm bớt kinh phí, đồng thời cũng thuận tiện khi đi diễn lưu động, Phạm Bằng giản lược bài trí, tìm các diễn viên “ruột” tham gia. Thế là một vở kịch “tay trái” ra đời. Sau khi diễn thử ở Hà Nội, đoàn lập tức tìm về vùng mỏ Quảng Ninh.

Thật ngoài cả mong đợi, vở kịch được hoan nghênh nhiệt liệt, được lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện để đưa vở kịch đến phục vụ tận nơi cho thợ mỏ. Ông tâm sự: “Trong suốt thời gian biểu diễn ở vùng than, có ngày đoàn diễn tới ba buổi, anh chị em ai nấy mệt phờ, nhưng chưa bao giờ vui đến thế. Và, cũng xin nói nhỏ, chưa bao giờ “nặng túi” đến thế!”.

Sinh năm 1931, năm nay Phạm Bằng đã trải qua hơn tám chục xuân xanh, thuộc lớp người “cổ lai hy”, nhưng trông ông còn khá trẻ - nếu không muốn nói là rất trẻ - so với tuổi. “Tôi bây giờ chỉ có ba việc: Đi diễn, đọc sách và bán bánh trôi Tầu. Có thể mọi thứ rồi sẽ qua đi. Chỉ có “Vượt qua năm tháng bằng tiếng cười” là vẫn còn bền chặt và bất tận...”. Ông đã tâm sự với tôi như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại