Chị Trịnh Thị Hằng, con gái trưởng của nghệ sỹ xác nhận tin buồn: “Cha tôi, ông Trịnh Văn Thịnh, sinh năm 1927 mất ngày 12.4.2014.”
Tang lễ nghệ sỹ Trịnh Thịnh sẽ được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ Ba ngày 15.4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Gặp vợ và con gái nghệ sỹ Trịnh Thịnh tại nhà riêng, gia đình cho biết, mọi người rất đau buồn trước sự ra đi của NSND Trịnh Thịnh.
Con gái nghệ sỹ Trịnh Thịnh chia sẻ: “Hơn chục năm nay, bố tôi ốm nặng, trải qua hai lần thập tử nhất sinh, ông không đi diễn được. Năm 2007, ông phải vào viện phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Năm 2011, ông bị ngã và bị gãy xương đùi. Năm 2012, bố bị nhồi máu cơ tim. Ông nằm trên giường từ đợt đó.”
Là người gắn bó với Trịnh Thịnh hơn 63 năm cuộc sống hôn nhân, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh tâm sự, ở ngoài đời, Trịnh Thịnh là một người thật thà, cẩn thận, chu đáo. Bà không bao giờ quên giai đoạn khó khăn thời kinh tế bao cấp, hai vợ chồng đùm bọc, đồng cam cộng khổ để nuôi dạy 5 cô con gái nên người.
Giờ đây, 5 người con trưởng thành và lập gia đình, vợ chồng ông bà sống riêng trong một căn hộ thuộc khu nhà tập thể ở phố Nguyễn An Ninh. Tuy nhiên, các con sống ở tầng trên vẫn thường xuyên xuống thăm và chăm sóc bố mẹ.
Nói đến người chồng quá cố, bà Khanh nghẹn ngào: “Ông ấy đã vào viện được 20 ngày rồi. Những ngày đầu ông vẫn nói chuyện được bình thường. Nhưng mấy ngày gần đây, ông không nói được. Bệnh viện tận tình cứu chữa nhưng ông đã không qua khỏi”.
Trước đó, nghệ sỹ Trịnh Thịnh từng bốn lần vào viện cấp cứu và tưởng đã không qua khỏi. Nhưng lần này, người diễn viên sống qua nhiều thăng trầm đã ra đi mãi mãi.
Trịnh Thịnh sinh ra ở Hà Nội, thuở nhỏ được theo học trường Tây. Đam mê điện ảnh từ thời thơ ấu nhưng Trịnh Thịnh lại trở thành nhân viên của Ngân hàng Đông Dương.
Sau năm 1954, ông bén duyên điện ảnh. Nam diễn viên nổi tiếng với nhiều bộ phim dấu ấn như Chung một dòng sông, Vợ chồng anh Lực, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ...
Sau năm 1975, không chỉ là một nghệ sỹ quen thuộc trên màn ảnh lớn và nhỏ trong nước, Trịnh Thịnh là gương mặt được nhiều đạo diễn Việt kiều và các nhà làm phim nước ngoài để mắt. Ông từng vào vai nhà thơ trong phim Xích Lô (Cyclo) của Trần Anh Hùng và vào một vai phụ trong phim Đông Dương (Indochine) của Régis Wargnier.
Phim cuối cùng ông vào vai chính là Tết này ai đến xông nhà do Trần Lực đạo diễn, ra rạp năm 2002. Kể từ đó, sức khỏe của ông yếu dần và vắng bóng khỏi màn bạc.