Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần, thinh lặng trong nhiều phút, kéo dài trong nhiều giờ, vì sự nghẹn ngào, xúc động của NSND Trà Giang. Bà rất cố gắng để không khóc nhiều. Thậm chí khi khóc, bà còn than thở “Khóc nhiều thật là mệt”. Nhưng xen giữa những lời kể, xen giữa những hồi ức khó quên, luôn là nước mắt nghẹn ngào…
Nói về sự ra đi của NSND Hải Ninh, phải lấy bình tĩnh nhiều lần, NSND Trà Giang mới lặng lẽ nói: “Với tôi, sự ra đi của anh Hải Ninh còn lớn hơn cả đau buồn, mất mát. Có điều gì đó, còn lớn hơn cả sự đớn đau..”
NSND Trà Giang kể lại “Khi tôi còn trẻ, còn là một thiếu nữ mới 16-17 tuổi, vào học trường Điện ảnh VN, tôi đã gặp và làm việc với đạo diễn Hải Ninh. Khi ấy, anh Ninh vừa là một đạo diễn, vừa tham gia viết kịch bản. Tôi học năm thứ nhất, Hải Ninh viết kịch bản cho một tiểu phẩm có tên Một ngày đầu thu. Đạo diễn Hải Ninh mời tôi tham gia đóng tiểu phẩm. Sau này kịch bản được phát triển thêm thành kịch bản phim truyện, Hải Ninh và đạo diễn Huy Vân cùng là đạo diễn phim Một ngày đầu thu, và hai đạo diễn mời tôi tham gia. Đây là bộ phim đầu tiên của tôi. Chính nhờ thành công ban đầu của vai diễn trong Một ngày đầu thu, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mới mời tôi đóng Chị Tư Hậu… Nói như vậy để thấy, ngay từ những bước đi đầu tiên chập chững vào nghề, tôi đã làm việc với đạo diễn Hải Ninh”.
Theo NSND Trà Giang, “Anh Hải Ninh là người giúp tôi từ bước đi đầu tiên đến sự trưởng thành sau này. Năm 1972, chúng tôi làm Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, khi ấy tôi 27-28 tuổi. Anh Ninh đưa kịch bản cho tôi và nói tôi hãy đọc về vai chị Dịu. Chúng tôi đã quay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm trong những ngày tháng vô cùng thiếu thốn và gian khổ. Nhưng cũng là những ngày tươi đẹp, đầy ắp kỷ niệm. Với vai chị Dịu trong phim, tôi đã đoạt giải thưởng quốc tế đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam là giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973”.
NSND Trà Giang nhấn mạnh, đạo diễn-NSND Hải Ninh không chỉ giúp bà trưởng thành trong nghề diễn, còn giúp bà có được những bài học trong cuộc sống, hiểu hơn về con người.
Nhắc đến những câu chuyện “đồn thổi” về mối tình giữa NSND Hải Ninh và NSND Trà Giang. NSND Trà Giang cho biết “Chúng tôi làm việc với nhau trong thời gian dài. Tôi tham gia 4 phim của anh Hải Ninh là Một ngày đầu thu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội và Mối tình đầu. Chúng tôi là những người hiểu nhau, cảm thông, và có chung quan điểm về nghề nghiệp. Chính sự hiểu biết lẫn nhau, nên chúng tôi quý trọng nhau. Tôi quý trọng anh Ninh, và anh ấy cũng vậy. Giữa chúng tôi là tình quý mến giữa những người nghệ sỹ với nhau và không bao giờ đi quá giới hạn cho phép”.
Dừng lại một phút, NSND Trà Giang xúc động “Bây giờ, anh ấy đã đi rồi. Tôi nhớ anh ấy rất nhiều. Dù anh Ninh đã ngoài 80 tuổi, nhưng với tôi, sự ra đi của anh ấy vẫn là quá sớm… Sự ra đi của anh để lại mất mát quá lớn với gia đình, người thân, và với cả điện ảnh Việt Nam, với cả khán giả yêu điện ảnh”.
Những ngày trước khi nhập viện, trên bàn làm việc của đạo diễn- NSND Hải Ninh là những trang bản thảo đang viết dang dở về NSND Trà Giang. Trước thông tin này, NSND Trà Giang lặng đi, và chia sẻ “Trước đây, anh Ninh đã viết một cuốn về anh Hồng Sến. Hồng Sến là bạn thân nhất của anh Ninh. Họ gắn bó với nhau vô cùng. Mấy năm nay, anh Ninh có nói, muốn viết một cuốn sách về nghề diễn viên, trong đó nhắc đến tôi. Anh ấy không viết bằng cảm tình cá nhân đâu. Anh ấy viết chung về nghề diễn, về diễn viên Việt Nam, trong đó có những phần chính về tôi. Anh chăm chỉ lắm. Suốt mấy năm đi tìm tài liệu. 2-3 năm nay, bác sỹ đã phát hiện anh Ninh bị ung thư. Anh ốm yếu nhưng vẫn làm việc cần mẫn, kiên cường. Anh quyết liệt đấu tranh với bệnh tật từng giờ… Điều đó khiến tôi càng quý trọng anh hơn”.
NSND Trà Giang nén nước mắt bày tỏ nỗi tiếc nuối khi những trang viết của NSND Hải Ninh dang dở, mãi mãi không bao giờ hoàn tất. “Hôm anh Ninh hôn mê trong viện, chị Liệu- vợ anh có kể với tôi, mọi đêm khi viết, anh Ninh thường để tài liệu bừa bộn trên bàn. Nhưng tự nhiên đêm ấy, sau khi viết xong, anh xếp tất cả lại ngay ngắn. Chị Liệu đã linh tính như có chuyện gì xảy ra. Đúng giữa đêm ấy, anh Ninh hạ đường huyết. Anh vào viện đã hôn mê. Và rồi, anh không bao giờ tỉnh lại nữa…”
Xen giữa những ký ức, những kỷ niệm đẹp về NSND Hải Ninh, NSND Trà Giang kể, Tết năm nào đạo diễn Hải Ninh cũng gửi thiệp chúc mừng năm mới cho bà. Năm nay cũng vậy. Bà vừa ở Anh trở về đã nhận được thiệp chúc mừng của đạo diễn. Và rồi, bà ngồi đọc cho phóng viên nghe, nguyên văn những lời đạo diễn Hải Ninh đã viết cho bà, lúc này, bà để cho mình khóc… “Anh ấy viết, “Anh hy vọng, thiệp chúc Tết này sẽ đến tay em khi em về tới Sài Gòn. Em khỏe không?... Anh vẫn viết. Có thể nói, viết trong những cơn đau đớn… Không biết thế nào. Thôi, cuộc đời còn dài. Cứ ăn Tết cho vui đã”. Vậy mà anh ấy đã không kịp ăn Tết với gia đình..”.
NSND Trà Giang nhớ mãi kỷ niệm hồi tháng 10 vừa qua, Viện phim tổ chức lễ kỷ niệm mừng bà 70 tuổi, cả gia đình NSND Hải Ninh đã đến. Ngày hôm đó, NSND Hải Ninh và NSND Trà Giang đã cùng khán giả ôn lại những ngày gian khổ làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. “Hình ảnh anh Ninh hôm ấy gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn kiên cường, lạc quan. Ngày tháng 10 hôm ấy sống mãi trong tôi như một kỷ niệm đẹp. Không ngờ, đó lại là ngày cuối cùng tôi gặp anh ấy..”.
Theo NSND Trà Giang, với người nghệ sỹ, điều quan trọng nhất khi ra đi là họ đã để lại được gì cho khán giả. Đạo diễn-NSND Hải Ninh đã để lại quá nhiều, những thước phim quý giá của ông sẽ còn sống mãi với nhiều thế hệ khán giả. Sẽ không ai có thể quên NSND Hải Ninh. Và đó là niềm an ủi lớn nhất của NSND Trà Giang khi chia tay người bạn nghề tri kỷ.
Sáng sớm hôm nay, 6/2, NSND Trà Giang sẽ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. NSND Trà Giang nói, bà ra để tiễn đưa NSND Hải Ninh. Và sẽ khóc để nhớ lại tất cả những kỷ niệm tươi đẹp trong đời, họ đã có với nhau.