Những ngày cuối đời và kỷ vật đặc biệt của NSND Trịnh Thịnh

Cẩm Giang |

(Soha.vn) - Chiếc đài buộc chéo dây chun là thứ duy nhất ngoài tình yêu cố NSND Trịnh Thịnh để lại cho người vợ hiền và con cháu.

Nhà cố NSND Trịnh Thịnh nằm trên tầng 3 tại một khu tập thể cũ ở Hà Nội. Ông đã dọn về đây sống được hơn 30 năm - tính tới ngày nói lời vĩnh biệt với cuộc đời.

Kể từ bây giờ, lối cầu thang khó đi sẽ không còn bóng người nghệ sĩ già run rẩy với từng bậc cấp, cũng chẳng có ai để vợ ông ra vào nhắc nhở: "Ông đi chậm thôi, ngã đấy".

Con gái thứ tư của cố NSND Trịnh Thịnh.

Con gái thứ tư của cố NSND Trịnh Thịnh.

Từ ngày ông mất, vợ ông - bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh chẳng ăn uống được gì. Bà mệt, một phần vì thương ông, một phần thấy trống vắng. Ngồi bên cạnh bà, cô con gái thứ 4 của cố NSND Trịnh Thịnh - chị Trịnh Minh Hạnh - chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ hôm đó là ngày thứ 7 cách đây ba tuần. Chiều hôm ấy, ông nói thèm ăn phở nên các con mua phở cho ông. Đến tối, ông than mệt, đau ngực. Bà đã nhờ chị giúp việc xoa ngực cho ông nhưng được một lúc, ông bảo thôi, đau lắm. Đến đêm thì ông đau nhiều nên các con đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Ở đó, bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim. Đây là lần thứ ba ông bị như thế. Những lần trước ông cũng bị nặng, tưởng không qua khỏi nhưng ông vẫn chống chọi được. Thế nên cũng chẳng ai ngờ lần này ông đã ra đi mãi mãi.

Ông nằm viện khoảng 21 ngày thì qua đời. Lúc nhập viện, sức khỏe của ông đã rất yếu nhưng vẫn có thể nói chuyện với người thân trong gia đình. Khi còn nói được, ông gặp riêng từng đứa con để nhắc nhở.

Với tôi, ông nhắc: 'Con vất vả đấy. Vì bốn đứa cháu, phải cố gắng. Bố mệt lắm'. Lúc ấy, tôi đã trấn an bố:'Con biết, con biết. Ông cố gắng lên. Các bác sĩ sẽ chữa khỏi cho ông và ông sẽ về nhà với chúng con'.

Nhưng sau đó, các bác sĩ nhận định tình hình của ông ngày càng nguy kịch và đặt ống thở máy cho ông. Từ khi đặt máy thở, ông rơi vào trạng thái hôn mê, không thể nói được gì. Thế nên, mỗi khi vào thăm và vệ sinh cho ông, chúng tôi thường ghé sát vào tai bố và nói chuyện để ông nhận thức được vẫn đang có người thân ở bên cạnh.

Đến ngày 11/4, người ông bắt đầu phù dần, da thịt không còn săn chắc như trước nữa. Anh em chúng tôi nhìn bố rồi nhìn nhau, tất cả đều rất thương bố nhưng chẳng biết phải làm cách nào. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào các bác sĩ.

Ngày 12/4, các bác sĩ thông báo với chúng tôi ông nguy kịch rồi. Ở những khoảnh khắc cuối đời, dù biết có con cái ở bên cạnh nhưng ông không thể nói được gì".

Nghe hết lời tâm sự của con gái, bà Ngọc Khanh hướng đôi mắt buồn về phía tôi nhưng không khóc. Bà bảo, bà thương ông lắm nhưng đã là con người thì làm sao thoát khỏi quy luật sinh tử.

"Những ngày này, các con luôn khuyên tôi nên hết sức bình tĩnh. Tôi thương ông nhưng nghĩ cho cùng, người nào già rồi cũng phải chết, tôi cũng sẽ như thế. Mình sống được ngày nào thì tốt ngày ấy, năm nay tôi cũng 83 tuổi rồi", bà tâm sự.

Rồi bà nhớ lại: "Ông cũng nhiều bệnh lắm. Ông bị thận, u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đường, sỏi mật, viêm tụy. Khi ông nhập viện để hút dịch trong cơ thể ra vì viêm tụy, ông đã hôn mê suốt 8 ngày trời. Thời gian đó, ông không ăn gì, các bác sĩ chỉ cho phép lấy bông chấm ít nước lên môi ông thôi. Ai cũng tưởng ông mất thế nhưng đến ngày thứ 8 ông lại tỉnh. Dần dần, sức khỏe của ông hồi phục. Có thể nói, nghị lực sống của ông cũng rất lớn.

Sau khi ông ra viện, ngày nào hai ông bà cũng dắt nhau đi vài vòng quanh phố. Thế nhưng một ngày, cách đây 4 năm, khi đang ngồi, ông đứng dậy thì bị khuỵu chân, gãy xương quai. Khi gia đình đưa ông vào viện, các bác sĩ từ chối không bó bột nên gia đình phải nhờ một ông lang xuống bó xương cho ông. Khoảng 6 tuần thì xương liền lại và ông bắt đầu đi lại được. Từ đó, mỗi sáng ra, ông lại đi từ từ ra phía cửa, tay bám vào đó còn chân thì dậm nhẹ để tập".

Chỉ kém ông 5 tuổi, bà Ngọc Khanh cũng phải đối mặt với những triệu chứng của tuổi già. Khi ông còn sống, ông ốm, bà chăm, bà ốm ông lại chăm. Hai ông bà lúc nào cũng có nhau.

"Lúc còn sống, tôi bị ốm ngày nào ông cũng vào bệnh viện. Dù không biết làm gì, ông cũng vào với tôi rồi lại loanh quanh hỏi bác sĩ xem tình trạng của vợ thế nào. Bây giờ già rồi, hai ông bà không còn nói chuyện hay tâm sự nhiều như trước nữa, chỉ lẳng lặng xem phim cùng nhau thôi. Ông thích xem phim nước ngoài lắm. Titanic, Samson and Delilah, Cuốn theo chiều gió... là những phim ông rất thích xem. Ông xem nhiều, tôi ngồi xem cũng nên cũng thích", bà Ngọc Khanh chia sẻ.

Chiếc đài buộc chéo dây chun mà NSND Trịnh Thịnh vẫn nghe.

Chiếc đài buộc chéo dây chun mà NSND Trịnh Thịnh vẫn nghe.

Suốt cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, NSND Trịnh Thịnh chưa bao giờ đòi hỏi sẽ nhận lại được điều gì. Thế nên cho đến khi ra đi, thứ ông để lại cho gia đình chính là tình yêu thương, nỗi trống vắng không gì có thể bù đắp được và một cái đài buộc chéo dây chun.

Khi còn sống, ông thường để nó gần tai để nghe tin tức vì không muốn xem phim Việt Nam, sợ bản thân sẽ bị buồn bực bởi lối diễn xuất dễ dãi của giới trẻ. Nó gắn bó với ông như thế nên khi ông mất, bà cũng định để ông mang nó xuống dưới cửu tuyền. Nhưng các con đã khuyên bà nên giữ lại và xem đó như một kỷ vật để luôn nhớ về ông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại