Sau những ồn ào vừa qua của âm nhạc underground, mà điển hình là vụ việc ca khúc Phiếu bé ngoan của Yanbi và Mr.T gây bức xúc lớn trong cộng đồng nhưng cả hai đều không chịu lên tiếng. PV có cuộc trò chuyện với Kimmese - nữ ca sĩ thành danh trong thế giới underground của nhạc Việt nhằm làm rõ những góc nhìn và quan điểm khác biệt từ thế giới âm nhạc còn lạ lẫm với đa số này.
Nghệ sĩ underground thường có cái tôi rất lớn
Nhiều người trong xã hội hiện nay có một cái nhìn thiếu thiện cảm với underground. Là một đại diện nổi lên từ những ngày đầu, Kim có thể làm rõ những vấn đề của dòng nhạc này?
- Mọi người vẫn nghĩ underground là một cái gì đó không chuyên nghiệp, vì vậy mình và SpaceSpeakers muốn lội ngược dòng. Nhìn một cách tổng thể, hiện tại Kimmese thấy underground có tiềm năng hơn là mainstream (dòng nhạc chính thống). Thứ nhất vì họ chịu khó học hỏi, cập nhật âm nhạc thế giới, nên những sản phẩm của họ rất mới lạ và theo kịp thời đại. Thứ hai, họ có sự táo bạo - đây là một yếu tố quan trọng, là điểm khởi đầu để có sự sáng tạo trong âm nhạc.
Nói thẳng ra với underground, tính nghiêm khắc, tính say mê trong âm nhạc của họ rất cao, cao hơn so với âm nhạc thị trường. Thế nên khi họ đã làm ra một bài nào đó thì thường rất mới, rất chất. Còn chính thống, chính vì sự cập nhật, sự táo bạo trong âm nhạc của họ bị tiết chế khá nhiều nên rất nhiều ca sĩ "nửa nạc nửa mỡ" trong cách định hình âm nhạc của chính mình
Dòng chính thống hiện nay cũng đã có nhiều người kêu là nhàm, cũ, nhưng điểm yếu của underground có phải là sẽ không có một ekip lớn, không có được sự đầu tư như dòng chính thống?
- Nghĩ sâu xa hơn một chút thì sự thiệt thòi của underground chính là cái tôi quá lớn. Nhưng cái tôi quá lớn trong nghệ thuật lại quyết định cho sự khác biệt và tính "thật" trong nghệ thuật.
Vì cái tôi quá lớn nên những nghệ sĩ underground có sự chọn lựa kĩ lưỡng trong các chương trình tham gia, và trong quan hệ ngoại giao với giới làm nhạc chính thống, có sự phân biệt khá tiêu cực không chỉ có ở những nghệ sĩ underground mà còn cả ở fan của giới underground nữa. Thứ hai là vì họ cổ súy cho niềm đam mê, cho âm nhạc của mình nhiều hơn đặt nặng vấn đề tài chính.
Thế nên nói đơn giản cái họ thiếu là tiền đầu tư chứ ekip họ đã có sẵn từ A-Z trong nhiều năm trở lại đây rồi.
Có phải các nghệ sĩ underground thường chú trọng đến việc truyền tải những thông điệp sống kiểu: "tôi theo cách của tôi" hơn là những vấn đề khác của nghệ thuật như ca từ đẹp hay giai điệu hay?
- Điều đó tùy vào cá tính mỗi người. Chính vì âm nhạc underground mang đậm tính cá nhân của nghệ sĩ, nên họ thường tập trung sáng tác những cái mà họ thực sự quan tâm. Ở Việt Nam đã có quá nhiều ca từ đẹp rồi và khi ca từ đẹp trở nên sáo rỗng và sến với khán giả nghe nhạc thì cũng là lúc các nhạc sĩ nên tiết chế lại và có cái nhìn thật hơn về đời một chút vì đời không phải lúc nào cũng đẹp.
Không cổ súy cho những ca từ tục tĩu
Một trong những vấn đề khiến underground bị kì thị ở thời kì đầu và giờ lại nổi lên một lần nữa - đó là ca từ tục tĩu. Kim nghĩ sao?
- Kim không cổ súy cho những ca từ tục tĩu. Tuy nhiên phải xét xem tục tĩu ở đây được đặt vào bối cảnh thế nào, nghiêm túc, giải trí hay cợt nhả. Có những ca từ tục tĩu để người nghe bật cười, giải trí hay những ca từ chứa những ca từ chửi thề để giải tỏa những sự ức chếtrong cuộc sống thì đó là điều hết sức bình thường.
Chửi thề trong âm nhạc sao?
- Thực ra âm nhạc là một trong phương tiện xả stress, xả bức bối, những nỗi đau trong tâm trí mình vì chúng ta đều có quyền được sống thật với cảm xúc của chúng ta.
Đời đầu của âm nhạc underground Kim cũng không thích vì họ chửi bậy khá nhiều. Nó chứng tỏ sự kiêu ngạo và kiêu căng, thách thức với ý nghĩ ta là nhất. Nhưng đến đời thứ hai mình lại đặt hy vọng hơn. Đây là lớp mà underground đã trải đời, họ biết chứng tỏ những cái mà họ thực sự muốn chứng tỏ. Lối cảm nhận của họ thiết thực hơn, sâu hơn, bớt kiêu ngạo hơn.
Thời gian gần đây một số bạn underground đã vào top Bài hát yêu thích - đây là một sân chơi âm nhạc có sự công nhận của giới chuyên môn. Chuyện này khá là khác so với các BXH của Zing hay Xonefm thời gian trước, nó giúp underground cải thiện nhiều về hình ảnh trong mắt người nghe nhạc nói chung. Nhưng sau khi sự việc về bài hát "Phiếu..." của Yanbi hay scandal đạo nhạc của Sơn Tùng dư luận lại bắt đầu có những cái nhìn tiêu cực về dòng này.
- Kim không cổ súy cho việc chỉ nhìn vào một con sâu mà đánh giá cả nồi canh với công sức của bao nhiêu người tạo thành.
Riêng về lời bài hát "Phiếu...", Kim thấy đây là bài rap nhằm mục đích giải trí, cợt nhả về tình dục là chủ yếu, còn nếu đăng lên kênh mạng chính thống như Zing thì bị chỉ trích là đúng. Bài này lên mạng thì Mr. T, Yanbi bị "ném đá" là phải rồi.
Đây cũng là kinh nghiệm không chỉ cho Yanbi, Mr.T mà còn cho mình và các nghệ sĩ Underground khác, phân chia sản phẩm của mình cái nào nên là chính thống, cái nào chỉ là truyền tay underground và bớt PR đi. Kim mong hai bạn sẽ có tinh thần mạnh mẽ để vượt qua và rút kinh nghiệm cho mình. Nó phụ thuộc vào việc Yanbi và Mr.T có đủ trách nhiệm để đối mặt và đủ sự cứng rắn lẫn mềm mỏng để giải quyết sự việc hay không.
Cảm thông với thế giới Underground
Với tư cách là một nghệ sĩ, bạn có ngại bài hát của mình qua kiểm duyệt không?
- Mình khá là ngại, vì chưa nắm được rõ cách nhìn của người kiểm duyệt về âm nhạc ra sao. Liệu nó có bị nghiêm quá hay không, có sự thông cảm với nghệ sĩ hay không? Liệu họ có nhìn vào bài hát và xem tình huống trong bài hát có sự giả tạo và vô duyên, hay nó được ra đời từ cảm xúc chân thật của nghệ sĩ không. Mình nghĩ những gì đi từ cảm xúc thật thì nên để cho nó được thở một chút. Biết đâu trong cuộc sống cũng có những người bị rơi vào tình huống như vậy. Họ nghe để họ được đồng cảm với cảm xúc từ những người viết nhạc, vì cung bậc cảm xúc lẫn sự phản ứng của con người với con người khá là giống nhau có khác là chỉ khác về sự xuất thân và hoàn cảnh.
Trường hợp của Yanbi, Kim thấy sự kiểm duyệt có hợp lý không?
- Kim thấy sự kiểm duyệt lần này là hợp lý. Họ đã đặt lại bài hát về nơi mà nó nên ở như Soundcloud, Youtube và các trang nghe nhạc Underground khác. Như thế thì sẽ tốt hơn. Vì bản thân bài hát cũng không có ý nghĩa sâu xa gì, cảm xúc và chủ đề cũng là khá là cợt nhả, thiên về chứng tỏ bản thân hơi quá lố, thế nên không quá ngạc nhiên khi nó đã gây khó chịu với những người có cái nhìn nghiêm túc về âm nhạc.
Khi một nghệ sĩ bắt đầu bằng underground nhưng trở nên nổi tiếng và được thương mại hóa, họ có còn được coi là thuộc dòng underground nữa hay không?
- Thực ra mọi người cứ nghĩ underground phải là hiphop hay rap nhưng không phải. Underground là những người hoạt động âm nhạc độc lập và tự đi lên bằng chính khả năng của họ, dòng nhạc hay thể loại không quan trọng. Từ underground hay mainstream ở Việt Nam mình chỉ là tên gọi thôi, còn chất lượng và định hình còn rất mông lung. Sự thật là cũng có những ca sĩ chính thống với chất lượng âm nhạc của họ tung ra khá tệ, rất nghiệp dư và lỗi mốt so với underground. Chủ yếu là mình xuất thân từ đâu thì phải nhớ đến nó và đừng quay lại cốc đầu nó khi mình ở trên cao.
Bản thân Kimmese, đã từng là ca sĩ chính thống ở độ 14 tuổi và sự quay trở lại làm ca sĩ Underground là việc làm mà Kimmese cảm thấy hài lòng và chắc chắn nhất, Touliver đã thay đổi cách nhìn tiêu cực về Underground của Kimmese do sự ghẻ lạnh từ phía cộng đồng Underground 8 năm về trước để lại, khiến mình giờ có cái nhìn mở rộng, nể trọng và cảm thông với thế giới Underground hơn và điều đó giúp ích cho định hướng âm nhạc lẫn phong cách của Kimmese rất nhiều.
Xin cảm ơn sự chia sẻ của Kimmese!