Theo tìm hiểu của VietNamNet, nhà báo khi làm "bầu" cho ca sĩ, nghệ sĩ, ngoài phần ăn chia theo thỏa thuận với ca sĩ còn tạo được "uy" với các ca sĩ khác. Nên khi chính họ mời ca sĩ tham gia chương trình ca nhạc hay sự kiện nào đó thì ít nhiều được ca sĩ nể nang nên chỉ lấy cát sê ở mức tượng trưng hoặc rất thấp. Với danh nghĩa nhà báo, việc tiếp cận, móc show, gửi gắm nghệ sĩ với các nhà tổ chức sự kiện là không khó.
Việc nhà báo đi làm "bầu sô" cho ca sĩ, người nổi tiếng ngày một nhiều hơn là vì thu nhập cao hơn công việc viết lách? Để trả lời câu hỏi này VietNamNet đã phỏng vấn một số nhà báo đã từng hoặc đang vừa làm hai công việc cùng lúc nhà báo và quản lý (hỗ trợ) truyền thông cho ca sĩ, người nổi tiếng.
Ngô Bá Lục (Vnmedia): Bạn tôi làm trợ lý truyền thông lương 2000 USD
Tôi thường tư vấn cho các bạn ca sĩ dưới góc độ của một khán giả, một người từng là ca sĩ và một nhà báo hoạt động âm nhạc. Vì thế những lời khuyên của tôi có thể nó không sâu về chuyên môn thanh nhạc, nhưng nó đa chiều để các bạn ca sĩ có thể có nhiều góc nhìn hơn cho công việc của mình.
Tôi không làm "bầu sô" cho cụ thể một ca sĩ nào nên không có khoản thu nhập cố định để so sánh với lương làm báo. Nhưng cũng xin tiết lộ một thông tin là anh bạn tôi làm trợ lý truyền thông cho một nữ nghệ sĩ nổi tiếng với tiền lương 2.000 USD (khoảng 45 triệu đồng) một tháng thì đúng là gấp 5-6 lần lương tháng nhà báo của tôi.
Tôi nghĩ các nhà báo không phải ai đi làm "bầu sô" cho ca sĩ cũng vì tiền, bởi đôi khi là mối quan hệ cá nhân hoặc sở thích. Với tôi thì không coi đó là một "nghề" mà chỉ là một công việc mang nhiều yếu tố năng khiếu cá nhân. Tôi yêu nghề báo và tôi sẽ theo đuổi nó đến cùng.
Lương Trọng Nghĩa (Tiền Phong): Đâu phải ai cũng làm được quản lý
Có rất nhiều mục đích khác nhau của từng người khi làm bầu sô, quản lý cho người nghệ sĩ. Tiền rất quan trọng, nhưng không phải ai cũng làm được công việc quản lý một cách chuyên nghiệp. Đa phần mọi người đều lấy thế quan hệ báo chí và ca sĩ để làm, quản lý và truyền thông đang bị nhầm lẫn công việc lẫn nhau.
Có nhiều người làm quản lý thì thu nhập nhiều tiền, nhưng cũng có nhiều người làm quản lý đâu có được đồng nào. Công việc tôi lựa chọn là viết lách và trở thành một nhà báo giỏi, được tôn trọng. Còn công việc của một quản lý người nổi tiếng lại là đam mê của tôi.
Hà Tùng Long (Gia đình xã hội): Không phải nhà báo giúp nghệ sĩ vì tiền
Xưa nay vẫn có nhiều người nghĩ trong tất cả các sự hợp tác hẳn mỗi cá nhân phải đạt được một lợi ích nào đó thì họ mới bắt tay với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó không hoàn toàn đúng. Cũng chính vì thế mà nói nhà báo đi làm "bầu sô" cho nghệ sĩ vì thu nhập cao hơn công việc viết lách là chưa hiểu cặn kẽ về bản chất của mối quan hệ này.
Không phủ nhận hiện có một số nhà báo nhận làm "bầu sô" cho nghệ sĩ vì mục đích nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, số lượng nhà báo chân chính làm "bầu sô" cho ca sĩ đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi đặt ra: Vì sao làm "bầu sô" thu nhập cao hơn công việc viết lách mà lại rất ít nhà báo làm?. Đơn giản vì không phải tất cả các nhà báo giúp đỡ nghệ sĩ đều vì tiền.
Trong mối quan hệ nhà báo - nghệ sĩ, phần lớn sự giúp đỡ xuất phát từ tình cảm, từ sự quý mến và trân trọng tài năng của nhau. Đó là lý do mà rất nhiều nhà báo, dù cuộc sống còn khá chật vật, khó khăn… nhưng họ vẫn mải miết với ngòi bút và tấm lòng trong sáng của mình.
Đào Gia Long (VTC News): Có kiểu "cát xê" theo sự vụ
Thực ra mọi người nghĩ công việc truyền thông kiếm được tiền vì nhìn từ vẻ ngoài thôi. Thực tế thì có một câu chuyện khác. Sự giúp đỡ nghệ sĩ trên con đường phát triển sự nghiệp, định hình phong cách và những kỹ năng xung quanh như ứng xử với truyền thông hay sự cố trong sự nghiệp là công việc có rất nhiều người đã làm.
Số nhà báo làm công việc này không quá nhiều, thậm chí có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng tiếng nói của họ khá được chú ý. Còn nói về khái niệm, tôi cho rằng nhà báo đi làm "bầu sô" cho ca sĩ có vẻ không chuẩn xác cho lắm.
Vì một bầu sô có thể làm cả những công việc sản xuất, nhận show, ra giá cát xê hay thương thảo hợp đồng. Trong khi đó, theo tôi được biết và trải nghiệm thì nhà báo làm việc với ca sĩ chủ yếu trên góc độ tư vấn về âm nhạc, phong cách, kết nối các bộ phận để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Cuối cùng là giúp đỡ ca sĩ về mặt truyền thông.
Còn về thu nhập, điều này phụ thuộc vào công việc, hạng mục mà người đó nhận giúp ca sĩ, thương thảo và thêm vào đó là khả năng tài chính cũng như mức độ nổi tiếng của ca sĩ ấy đến đâu. Có người giúp đỡ theo kiểu "nhận lương tháng" từ nghệ sĩ, có người lại nhận "cát xê" theo sự vụ.
Với những gì tôi biết thì hầu như sự giúp đỡ này xuất phát từ tình cảm, sự mong muốn giúp đỡ các bạn trẻ của những người như tôi. Vì thế, thu nhập thực sự không phải là con số đáng để bàn tới, nhiều khi chỉ mang tính tượng trưng. Việc viết lách vẫn là công việc chính, là đam mê không thể từ bỏ của những người cầm bút.
Quốc Minh (Nhacvietplus): Nhận "quà" 7 triệu khi làm đạo diễn
Với những nhà báo sành sỏi, có nhiều kinh nghiệm và công việc "bầu sô" đối với họ như là nghề tay trái. Bởi với tư duy và kinh nghiệm việc tư vấn và định hướng cho ca sĩ chọn được đường đi đúng đắn họ xứng đáng nhận được những khoản cảm ơn. Để làm được điều đó vì nhà báo là người đứng giữa các nghệ sĩ và dư luận.
Với vị trí đó họ hiểu được rằng nghệ sĩ có gì và dư luận cần gì, từ đó sẽ có những tư vấn hợp lý. Nếu một nhà báo nhìn thấy mảnh đất kia màu mỡ hơn mà nghiêng hẳn sang, bỏ quên nghiệp vụ báo chí thì sớm muộn cũng gặp thất bại. Tôi nghĩ là nhà báo tốt nhất hãy làm đúng vai trò của một nhà báo.
Ca sĩ bây giờ nhiều người nghèo nên đa số tìm đến những người giúp đỡ mình là chính. Về cát xê cũng có biên độ giao động lớn, tùy thuộc. Ví dụ như tôi làm đạo diễn clip cho một ca sĩ trẻ thay vì trả tiền bạn ấy tựng tôi một món quà đổi ra thì trị giá tầm khoảng 5-7triệu đồng, ở mức ngang bằng với các đạo diễn trẻ ở Hà Nội. Đối với tôi như vậy cũng đã đủ vui rồi.