Nhắc đến Nguyễn Chánh Tín, người ta nghĩ tới Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa". Bộ phim này nổi tiếng tới mức, mấy chục năm sau vẫn là "tác phẩm vàng" của điện ảnh nước nhà.
Tuy nhiên, điều thú vị là dàn diễn viên đóng phim này đều chưa từng học qua về điện ảnh, trừ Thương Tín. Chánh Tín nói một cách vui vẻ rằng "Tất cả diễn viên đóng Ván bài lật ngửa đều... vô học nhưng ai cũng hết mình hết sức tham gia vai diễn".
Ông bảo, từ nhân vật Nguyễn Thành Luân, cô Thanh Lan, cô Thúy An bán nước mía (là vợ của Hồng Sến) đều không học gì liên quan đến điện ảnh.
Cai Văn Mỹ là một anh thương gia ngoài đời, Lâm Bình Chi vai Ngô Đình Nhu là anh bán quần jean, còn ông linh mục Ngô Đình Thục là cánh nhà thơ, nhà văn.
Sau này, trong những người đóng “Ván bài lật ngửa” chỉ còn hai người đàn ông tên Tín (Chánh Tín và Thương Tín) hoạt động về điện ảnh còn các anh em khác lại trở về nghề cũ. Thỉnh thoảng, mọi người cũng gặp nhau nhưng chủ yếu là trên bàn nhậu, vì mỗi người mỗi nghề.
Đang ở tù, được thả chỉ để... đóng phim
Chánh Tín kể, ngay từ đầu ông không được chọn cho vai diễn Nguyễn Thành Luân mà là một người khác. Lý do là vì nhà nước chọn những người có lý lịch tốt, xuất thân từ diễn viên của cách mạng mà Chánh Tín thì không thuộc diện này.
Ông Huỳnh Bá Thành là một trong những người nằm vùng ở miền Nam thời chế độ cũ. Ông Thành là người trong cuộc nên rất rành về Sài Gòn, rành về Phạm Ngọc Thảo, lại đẹp trai cho nên được chọn đầu tiên cho vai diễn này nhưng đóng không được.
Phim đã quay được một tập rồi nhưng không đạt, phải bỏ. Sau đó lại chọn một số diễn viên khác như Thế Anh, Lâm Tới… nhưng trung ương không đồng ý.
Lúc bấy giờ, Chánh Tín là diễn viên của đoàn kịch Bông Hồng và là người nổi lên trong giới trẻ. Nhưng vì nghèo quá, khổ quá, chịu không nổi, Chánh Tín vượt biên. Nhưng chuyến đi không trót lọt, ông phải về trình diện và bị bắt bỏ tù.
Lúc đó, ông Sáu Thảo, tức Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP.HCM rất thương Chánh Tín. Ông nói với lãnh đạo rằng "Có một thằng nhỏ có lẽ đóng được nhưng giờ nó đang phạm tội, phải ngồi tù. Giờ lãnh nó ra cho nó đóng thử, nếu đóng được thì giải tán lệnh tù cho nó, để nó lấy công chuộc tội".
Nhờ thế mà Sở Thông tin văn hóa đề nghị công an vào khám đem Chánh Tín ra. Chánh Tín tưởng họ chuyển khám, té ra đưa tới xưởng phim.
Thấy vậy, Chánh Tín mừng quá. Như người chết đuối với được phao thì ôm lấy ngay. Ông bảo "Cho tôi nghỉ về nhà mấy ngày tôi đọc kịch bản đã", thế là họ cho về.
Dù vậy, thời gian Chánh Tín đọc kịch bản gần như là bị giam lỏng ở nhà. Mấy ngày đọc kịch bản không được đi đâu, đọc xong thì vào đóng phim luôn. Đóng thử mấy cảnh rồi lại trở vào tù, ngồi trong đó chờ.
Chánh Tín thành thật kể "Trên Trung ương không biết là tôi đang ở tù, vì nếu biết mình đang ở tù thì ai chấm cho mình nữa. Ông Sáu Thảo thương, vờ chuyện đó đi, gửi đoạn quay thử của tôi lên thì Trung ương chấm! Thế là tôi được giải tán lệnh tù, ra ngoài đóng phim".
Chia sẻ về cát sê từ bộ phim, Chánh Tín nói, lúc đầu là ba trăm đồng cho 6 tháng làm việc, không lãnh bất kỳ nhu yếu phẩm nào khác.
Ông nói "Nếu tính ra thì một ngày tôi được gần 2 đồng, cho đến khi quay xong tập 1 thì được chừng 6 đồng một ngày. Mà lúc đó 6 đồng là ăn được khoảng 2 tô phở, còn nếu ăn phở hẻm thì 1 đồng 1 tô".
Nghèo quá nên đi hát lậu
Nhưng đóng phim thì đóng chứ đi hát Chánh Tín vẫn bị cấm. Mặc dù vợ ông vốn là tiểu thư con nhà quan quyền ở Sài Gòn, nhưng thời gian đó, để có tiền chi xài trong gia đình, ca sĩ Bích Trâm phải đi giặt đồ, ủi đồ thuê cho mấy công ty quần áo.
Sau này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giới thiệu công việc dịch sách ở Hội Văn nghệ cho vợ Chánh Tín nhưng cũng không được bao nhiêu tiền.
Chánh Tín kể "Một trang được vài xu, dịch cả đống sách, trắng con mắt luôn mới được vài ngàn đồng. Có những thời điểm, 3 tháng gia đình không có một miếng thịt nào. Muốn ăn thịt chỉ có cách đạp xe vào đoàn ca nhạc, chứ ở nhà chỉ ăn cơm độn với tóp mỡ".
Sau khi đóng xong tập 1, Chánh Tín lên xin giải lệnh cấm, coi như lấy công chuộc tội. Anh bảo "Tôi làm nghệ thuật cho nhà nước, lương ba cọc ba đồng mà cứ cấm hát thì làm sao tôi sống, vợ tôi thì vừa mới sinh con”.
Sau đó, lệnh cấm được giải. Chánh Tín đi hát lại. Mà lúc đó, cả Sài Gòn cũng chỉ có một, hai tụ điểm ca nhạc như 126 và Đài truyền hình.
Hát ở trong đoàn, Chánh Tín được 7, 8 đồng một đêm nhưng ra ngoài hát cá nhân thì được hai, ba chục đồng.
Ông bảo "Cuộc sống thì cứ thế, nhếch nhác qua ngày thôi. Mà lúc đó, nhà nước có parem chấm công hết. Tôi là vedett mà cũng chỉ 20 đồng, tức là ca sĩ hạng A đó; còn hạng B thì kém 5 đồng, bất công lắm, dù trên sân khấu mình hát ăn đứt ca sĩ hạng B cả chục lần".
Vì những biến cố về kinh tế, năm 2014 Nguyễn Chánh Tín và vợ trở lại sân khấu ca nhạc.
Thậm chí, Chánh Tín còn phải đi hát lậu. Khi ấy, nhiều địa phương tổ chức chương trình, để thu hút nghệ sĩ về, họ trả ông hai, ba trăm đồng một đêm.
Thời điểm mà ở Sài Gòn lên cao nhất là 80 đồng thì nhiều tỉnh trả ông tới năm trăm, thậm chí bảy, tám trăm đồng. Nhờ thế mà cuộc sống của Chánh Tín cũng đỡ khổ hơn.
"Sau này, tôi vừa đi hát, vừa đóng phim cũng dành dụm được ít tiền. Tôi mua đất làm nhà. Trước đó, hai vợ chồng sống trong một căn phòng nhỏ xíu do bố vợ cho", Chánh Tín cho biết.