Những người thừa kế không có quyền quyết định việc “sửa lời” tác phẩm
Trao đổi với chúng tôi về việc trước và sau khi gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca, ai có quyền sửa lời bài hát, Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Tác phẩm do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, về mặt pháp lý, sau khi nhạc sĩ Văn Cao mất, những người thừa kế (hàng thừa kế thứ nhất) của ông sẽ được thừa kế quyền tác giả liên quan đến tác phẩm Tiến quân ca.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả bao gồm quyền nhân nhân (điều 19) và quyền tài sản (điều 20). Khi tác giả mất, những người thừa kế chỉ được thừa kế các quyền về tài sản quy định tại điều 20 và một quyền về nhân thân quy định tại khoản 3 điều 19 Luật sở hữu trí tuệ (Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm).
Luật sư Cường nói tiếp: “Trong 4 quyền nhân thân được quy định trong điều 19 luật Sở hữu trí tuệ thì chỉ có quyền được quy định tại khoản 3 là được để lại thừa kế, 3 quyền nhân thân còn lại gắn với tác giả, về nguyên tắc không thể chuyển giao cho người khác. Về thời hạn bảo hộ đối với 3 quyền nhân thân này, điều 27 khoản 1 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền nhân thân quy định tại khoản 1,2 và 4 điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn”.
Còn quyền nhân thân được quy định tại khoản 3 điều 19 và quyền tài sản quy định tại điều 20 thì thời hạn bảo hộ là suốt đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết (điểm b khoản 2 điều 27). Ngay cả trong trường hợp khi đã hết thời hạn bảo hộ (hoặc được hiến tặng), tác phẩm thuộc về nhà nước, về công chúng thì các quyền về nhân thân gắn với tác giả (khoản 1,2,4 điều 19) vẫn thuộc về tác giả”.
Theo ông Cường, cho dù gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng hay chưa hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhà nước thì việc hiến tặng chỉ liên quan đến các quyền về tài sản và một quyền nhân thân quy định tại khoản 3 điều 19 Luật sở hữu trí tuệ. Việc tặng, cho không liên quan đến các quyền nhân thân gắn với tác giả (quy định tại khoản 1,2,4 điều 19). Do đó, về mặt pháp lý, những người thừa kế của cố nhạc sĩ Văn Cao không có quyền quyết định việc “sửa lời” tác phẩm.
Luật sư Cao Bá Trung – Công ty Luật hợp danh INCIP (TP. Hà Nội) khẳng định: “Ngoài nhạc sĩ Văn Cao tại thời điểm này không ai có quyền sửa đổi, bổ sung tác phẩm nêu trên kể cả việc đã “hiến tặng” hay chưa “hiến tặng”. Vì việc chuyển giao quyền này chỉ là chuyển giao quyền sở hữu đối với tác phẩm chứ không phải chuyển giao quyền nhân thân của tác giả.
Quyền nhân thân của tác giả được pháp luật quy định không được chuyển nhượng cũng như không chuyển quyền sử dụng trừ quyền Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”.
Hết sức thận trọng khi sửa lời tác phẩm Tiến quân ca
Trước việc có một số ý kiến đưa ra về việc sửa lời Quốc ca, cụ thể là lời bài hát Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, LS. Chu Mạnh Cường cho hay: “Về mặt pháp lý, tôi cho rằng cần hết sức thận trọng khi đặt vấn đề “sửa lời tác phẩm” Tiến quân ca. Vì một trong những quyền nhân thân gắn với tác giả được quy định tại khoản 4 điều 19 Luật sở hữu trí tuệ : “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả.”
Theo quy định trên, thì chỉ có tác giả tức cố nhạc sĩ Văn Cao mới có quyền cho phép “sửa lời” tác phẩm của mình. Hiện nay, nhạc sĩ đã mất thì không có ai (kể cả những người thừa kế) được phép “sửa lời” để làm thay đổi “sự toàn vẹn của tác phẩm” Tiến quân ca.
Vị Luật sư này nói tiếp: “Tuy nhiên, trong Luật sở hữu trí tuệ có quy định về “Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ” (điều 7). Khoản 3 quy định: “Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của nhà nước, xã hội quy định tại luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp”.
Về mặt pháp lý, trong trường hợp cần thiết, vì lợi ích quốc gia, nhà nước có thể áp dụng điều khoản này để “hạn chế quyền của tác giả” từ đó cho phép “sửa lời” tác phẩm mà không cần sự đồng ý của tác giả”.
Đồng tình với việc giữ nguyên Quốc ca, Luật sư Cao Bá Trung nói: “Theo quan điểm cá nhân tôi thì nhận thấy việc sửa đổi lời quốc ca là không cần thiết vì thực tế phần lời và phần nhạc của bài hát đã đi sâu, thấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam từ các em nhỏ thiếu nhi. Đồng thời, lời bài hát còn thể hiện một thời lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Vậy thì không có lý do gì cần sửa đổi vì lịch sử hào hùng đó sẽ luôn sống mãi với người dân Việt”.
Điều 18 của Luật SHTT: “Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản”.
Điều 19 Luật SHTT: “Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Điều 20 của Luật SHTT:
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: a) Làm tác phẩm phái sinh; b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) Sao chép tác phẩm; d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.
- Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 của Luật SHTT thì “1. Chuyển nhượng quyền tác giả...là việc chủ sở hữu quyền tác giả...chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này”.