Ngẫm từ chuyện Hoa hậu và Lê Hoàng ngồi lên sách

Chỉ cần ông bảo rằng loại sách dưới chân chiếc ghế mà ông đang ngồi lên chính là những quyển sách do chính ông viết, thì biết đâu, “tình tiết sẽ được giảm nhẹ đáng kể”!?

Vị trí của vị đạo diễn và cô hoa hậu không cao hơn, thậm chí thấp đi rất nhiều trong mắt công chúng, khi bức ảnh chụp hai chiếc ghế mà họ ngồi trò chuyện ở trường quay một gameshow được “đôn” lên bởi những cuốn sách. Công chúng đã nổi giận.

Đạo diễn Lê Hoàng, người từng có 5 cuốn sách tiểu phẩm đã được xuất bản buộc phải giải thích với công chúng của một tờ báo rằng, đó chỉ là hậu trường, chương trình chưa được duyệt, chiếu công khai thì không nên chỉ trích hay nâng quan điểm; việc sử dụng đạo cụ thuộc về người thiết kế trường quay, nhà sản xuất, ông chỉ là khách mời không tham gia vào việc đôn ghế.

Trong khi đó, nhà sản xuất lại nhẹ nhàng xin lỗi công chúng và giải thích cho việc “kể ghế bằng sách” đơn giản như vầy: do lúc quay chương trình, hai chiếc ghế khách mời thấp hơn máy quay nhưng bởi trời mưa, nhóm thiết kế không ra ngoài tìm được vật kê ghế, nên phải dùng tạm những cuốn sách.

Chuyện giới showbiz vì những bức ảnh ngồi lên sách, xé sách mà bị dư luận ném đá tơi tả không còn là chuyện mới.

Đến nỗi, có người nói đùa: nếu bạn là showbiz mới vào nghề, muốn nhanh được sự chú ý thì bằng cách gây scandal mà không thể nghĩ ra phát ngôn điên rồ, không đủ can đảm tung ảnh nóng thì hãy tìm những cuốn sách và… đày đọa chúng rồi ghi hình đưa lên mạng.

Bức ảnh này đã tạo ra những trận "mưa đá" của công chúng. Ảnh: TL

Đằng sau ý tưởng mỉa mai đó cho thấy một thực tế thú vị, có lẽ không được lòng đám đông cho lắm: quan niệm coi sách vở là chữ của thánh hiền trong truyền thống Nho giáo vốn ăn sâu vào vô thức tập thể, khó thay đổi.

Tâm lý đó được “tiếp biến”, “hiện đại hóa” cho thức thời bằng một khẩu hiệu mà những nhà văn hóa hô hào cho văn hóa đọc ưa xài đến: sách là tri thức nhân loại.

Ứng xử với sách không còn là ứng xử với một món đồ, mà được nâng tầm lên thành một ứng xử mang tính đạo đức hay một sự bảo thủ có màu sắc đạo đức. Và sự “bảo thủ” đó được xem ra có lý. Xét về mặt biểu tượng mà nói, cuốn sách là hình ảnh của nguồn sống tri thức.

Một cá nhân hẳn không thiếu sách trong quá trình tôi luyện nhân cách, thăng tiến bản thân, xã hội hội không thể coi thường sách nếu muốn phát triển trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Sách giúp con người nâng cao tầm vóc trí thức và giúp xã hội văn minh. Ở đây, giá trị vô hình (tri thức) đã được đồng hóa qua biểu trưng của nó – cái hữu hình (cuốn sách).

Nếu trong quá khứ, thời sách là nơi duy nhất dung chứa kho tri thức dẫn đến việc những Nho sĩ theo “đạo lý thánh hiền” thiêng hóa việc đọc sách, coi như đó là thực hiện một nghi thức, thì cần hiểu rằng, ngày nay, tri thức không chỉ còn khu trú ở những quyển sách truyền thống (mà người ta có thể thu nhận rất nhiều kiến thức trên mạng internet, thiết bị đọc như iPad, Amazon Kindle, đọc qua phim ảnh…) mà tinh thần thiêng hóa sách giấy vẫn không thay đổi.

Cái “đền đài biểu tượng” truyền thống (cuốn sách giấy) vẫn chưa bị hạ bệ và giải thiêng. Điều này minh chứng cho sự chính xác của một lập luận của triết gia, nhà ký hiệu học Umberto Eco, rằng, sách là một biểu tượng có tính phổ quát về tri thức, nó như một cái muỗng hay bánh xe, được phát minh ra có tính bền vững đến mức không phương tiện cải tiến nào có thể thay thế được.

Tính biểu tượng của những quyển sách giấy đã ổn định và bền vững đến mức, ngày nay người ta có thể dễ dàng chấp nhận cảnh ai đó đập vỡ một chiếc Amazon Kindle hay một cái iPad chứa hàng ngàn cuốn sách điện tử giá trị nhưng khó chấp nhận chuyện bạn ra đường đốt mấy quyển sách, dù chưa biết đó là loại sách gì. (Hình như vậy mà trên thực tế đã có chuyện rất nhiều người giàu có tuy không đọc sách bao giờ nhưng thường mua những bản sách bìa cứng về đặt lên giá sách phòng khách để décor, những quán cà phê sách mọc lên đầy rẫy trong thành phố không phải vì nhu cầu đọc sách của người uống cà phê đang tăng cao mà có khi chỉ đơn giản các chủ quán nắm bắt tâm lý khách hàng của họ có nhu cầu được ngồi trong một không gian có nhiều sách.

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, một thiểu số nào đó trong xã hội coi sách là vật trang sức, gần sách họ cảm thấy mình có vẻ tri thức hơn!)

Trở lại câu chuyện dư luận nổi giận, tới tấp ném đá ông đạo diễn và cô hoa hậu vì họ đã ngồi trên hai chiếc ghế được kê chân bằng sách, có thể ghi nhận tinh thần hiếu tri rất cao của đại chúng. Điều này xem ra rất ngược với số liệu điều tra mà Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch vừa công bố giữa năm 2013, rằng: mỗi năm, mỗi người Việt đọc chỉ 0,8 cuốn sách.

Theo logic thông thường mà nói, dường như người Việt mình yêu quý sách, thiêng hóa sách theo nghĩa vật thể thì nhiều nhưng… đọc sách theo nghĩa tinh tinh thần thì quá ít. Hoặc cũng có thể đã có sự chuyển dịch lớn trong phương tiện đọc, phương cách tiếp nhận tri thức nhưng cái biểu tượng truyền thống về thế giới tri thức, về chữ nghĩa thánh hiền thì vẫn chưa hề thay đổi.

Người viết bài này có một hiến kế rất hiểm dành cho đạo diễn Lê Hoàng: thay vì phải đi giải thích lòng vòng về hậu trường, về trách nhiệm,… chỉ cần ông bảo rằng loại sách dưới chân chiếc ghế mà ông đang ngồi lên chính là những quyển sách do chính ông viết, thì biết đâu, “tình tiết sẽ được giảm nhẹ đáng kể”!?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại