Ném đá Ngọc Trinh: Chúng ta đang độc ác, đạo đức giả và nực cười!

Forrest Gump là một bộ phim của điện ảnh Hoa Kỳ về cuộc đời của Forrest Gump, một người có chỉ số IQ là 75.

So sánh Ngọc Trinh với  Forrest Gump, trước hết tôi không có ý nói cô Trinh thiểu năng, cũng như không có ý tầm thường hóa anh Gump. Cứ coi đây như một liên tưởng tùy tiện mà tôi muốn dùng để thể hiện ý kiến của mình. Và nếu các bạn từng xem Forrest Gump thấy xã hội Hoa Kỳ nhảm nhí thế nào qua cách kể của anh Gump, thì tôi cũng thấy xã hội ta cũng có nhiều chuyện nực cười y như thế qua chuyện cô Trinh.

1. Chúng ta nực cười như thế nào?

Cô Trinh đã khiến thiên hạ dậy sóng nhiều lần. Công chúng, từ trẻ con cho đến bậc Giáo sư Tiến Sĩ, từ thợ xây cho đến anh công chức Thủ đô đều phải đứng lên phản bác. Tùy trình độ mà hay dở có chút khác biệt nhưng đại thể cũng là: “Người của công chúng, phải cẩn ngôn”, hoặc “Muốn gây xì căng đan”, hoặc “PR rẻ tiền”… Người ta viện dẫn luân thường, đạo đức xã hội, địa vị của cô Trinh để làm cho ra lẽ rằng cô ấy đã sai, dốt và đáng khinh thế nào.

Bạn có thể khinh bỉ cô Trinh, vậy đã bao giờ bạn khinh bỉ những câu nói ngô nghê của anh Gump, kể cả như lúc bắt tay Kennedy và nói “Em muốn đi tè”? Giả sử khi anh Gump phát biểu: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” liệu có khiến nó trở nên sâu sắc đáng suy nghĩ hơn? Hoặc nếu cô Trinh nói: “I’m not a smart woman, but I know what love is” liệu có ai coi đấy là điều tâm đắc? Tôi thì cá rằng nếu đoàn làm phim Forrest Gump sang Việt Nam làm một bộ phim về cô Trinh với mô típ như thế thì phải ăn được vài giải Oscar là cái chắc.

Ngọc Trinh hay chuyện một xã hội đạo đức giả
Theo đánh giá chung thì trí tuệ cô Trinh khá tầm thường vì cô ấy chưa tìm ra được loại thức ăn không dùng tiền để mua.

Thời nay phát ngôn ra một câu nói chí lý cũng khó, vì nó phải xuất phát từ động cơ trong sáng, không để đánh bóng tên tuổi hoặc làm tiền và cũng phải do một nhân vật được mến chuộng nói ra. Bởi thế nên chúng ta đòi họ phải là Giáo sư mới được nói về khoa học, phải là Chính khách mới được nói về chính trị, phải là CEO mới được quyền bình luận về chiến lược kinh doanh . Chúng ta không chấp nhận việc những người bằng hoặc thua kém mình về trí năng, địa vị, phẩm giá phát ngôn những điều đúng đắn hơn mình, hoặc chỉ đơn giản là những điều đúng đắn.

2. Chúng ta đạo đức giả ra sao?

Hồi trước cô Trinh có phát ngôn về mẹ đẻ rằng không có tí ấn tượng nào. Chỉ thế thôi mà thiên hạ nhất tề ném đá. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu phần trong đám ấy thật lòng hiếu kính với thầy u mình, hay cũng chỉ tối tối về vòi tiền, sáng xách cặp đi tiêu? Thế rồi, người ta yêu cầu cô Trinh phải xúc động khi nói về một người mà cô ấy chưa từng gặp vì  ấy mới là đạo đức, vậy mà lúc anh Philipp Rosler bên nước Đức lên tiếng từ chối gốc gác với cùng lý do, lắm người lại có vẻ đồng cảm lớn lao thay.

Ngọc Trinh hay chuyện một xã hội đạo đức giả
 

Lại nói rộng hơn về tinh thần cộng đồng. Tôi thấy ai cũng rạng ngời tư cách trước những kẻ thấp hèn: ngu nhưng thích thể hiện, phát ngôn bậy bạ hay đám trẻ trâu leo tượng đài. Thế nhưng, có khi chính cái đám chửi cô Trinh là... lại đêm đêm thầm thương trộm nhớ ngắm ảnh cô ta... Những người chửi trẻ trâu leo tượng đài, có chắc khi đi chùa...họ không chơi trò xoa đùi tượng Phật? Hoặc trong số các anh lên án bạn gái người khác phản bội, bao nhiêu anh sẽ từ chối lên giường nếu cô ta ngỏ lời? Buồn cười thay, xã hội dễ dàng chấp nhận những kẻ đạo đức giả như thế nhưng lại không thể chịu nổi lời ngây ngô chân thật của một cô Người – nổi – tiếng vì cô ấy không đủ thông minh để tuân theo định kiến.

3. Và chúng ta độc ác cỡ nào?

Giống như mới đây có mấy fanpage tung ảnh một bạn gái nào đó bị đồn cắm sừng cậu người yêu để các “cư dân mạng” nhảy vào ném đá. Tôi có đọc qua thấy nhiều anh chửi nhiệt tình như thể là chính nạn nhân vậy.  Tôi không rõ mấy anh đó có quen biết người trong cuộc không, hay chỉ là quá bức xúc với thói hư tật xấu của xã hội và nặng lòng vì Tổ quốc.

Đó là ví dụ về hiện tượng phố biến trên internet ngày nay: Người ta dùng những từ ngữ khó nghe để gán cho một người cả đời họ không gặp, và tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến họ, để mỉa mai, chỉ trích, lăng mạ, để rút ra bài học cho nhân loại… Sự thật, cái ta đang học được chỉ là trò giận cá chém thớt quy mô toàn quốc. Chúng ta bắt đầu soi mói vào những câu chuyện của thiên hạ, bắt bẻ khuyết điểm, bình phẩm, chửi bới, tung ảnh, tung clip của người khác lên chốn công cộng để hạ nhục nhau, để thỏa mãn sự hèn hạ của bản thân. Chúng ta đang từ bỏ lòng bao dung và tự tôn để đổi lấy một chỗ đứng an toàn giữa đám đông. Chúng ta đang dần ĐỘC ÁC!

Vậy là từ chuyện cô Trinh, tôi nhìn thấy xã hội ta lắm thứ buồn cười như thế đấy.

Ngọc Trinh hay chuyện một xã hội đạo đức giả
Trong khi đó, anh Gump khẳng định rằng mình không thông minh và nhận được rất nhiều cảm thông từ cộng đồng quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại